Diễn viên Thùy Anh đứng hình khi nhận câu hỏi “Loài thú duy nhất nào biết đẻ trứng?”
Nhảm nhí
Một vài năm trở lại đây, gameshow là một trong những con gà đẻ trứng vàng của các nhà đài. Một số đài truyền hình lớn như VTV, Đài TH TP.HCM, Truyền hình Vĩnh Long... chiếm tới hơn 100 gameshow. Nội dung chủ yếu xoay quanh âm nhạc, tấu hài, hẹn hò, thậm chí là chuyện đời sống vợ chồng.
Sự nở rộ của gameshow đặt ra bài toán cho các ê-kíp sản xuất phải đảm bảo nội dung vừa đa dạng, hấp dẫn. Không ít chương trình đưa nội dung nhảm nhí, dung tục lên sóng truyền hình để gây chú ý. Chưa kể, một số gameshow về trí tuệ lại đưa ra những kiến thức sai lệch, chưa được kiểm chứng, khiến người xem và cả người chơi không biết đâu mà lần.
Những người thực hiện gameshow trí tuệ Nhanh Như Chớp từng “muối mặt” vì nhầm lẫn tai hại về kiến thức. Trong tập 31, MC Trường Giang đọc câu hỏi: Trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Nam Cao, vợ của Tràng ăn liền mấy bát bánh đúc?”. Truyện ngắn Vợ nhặt thực tế là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Kim Lân. Các nghệ sĩ tham gia buổi ghi hình và cả ê-kíp đều không nhận ra nhầm lẫn này. Đây không phải lần đầu chương trình Nhanh Như Chớp sai kiến thức. Tập 20 mùa 2019, MC công nhận đáp án đúng của người chơi với câu trả lời động Hương Tích nằm ở Huế, trong khi động Hương Tích thuộc khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Mới đây, tập 351 chương trình Vợ Chồng Son cũng hứng chỉ trích với câu chuyện của bộ đôi khách mời Nguyễn Văn Hưng (49 tuổi) và Nguyễn Thị Nhất (29 tuổi). Đôi này vô tư kể chuyện giường chiếu và đặc biệt là hành trình từ cha - con nuôi trở thành vợ chồng. Không riêng khách mời thiếu tế nhị, MC cũng thoải mái đặt câu hỏi cặn kẽ về chuyện giường chiếu của các nhân vật khách mời.
Nhiều nội dung nhảm nhí trên gameshow
TS. Trần Vân Anh, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền giải thích lý do các chương trình gameshow dù nhảm nhí nhưng vẫn thu hút người xem: “Nhu cầu giải trí của khán giả ngày càng cao, bởi cuộc sống bận rộn hiện nay tạo ra nhiều áp lực. Khán giả muốn tìm đến những thứ có thể giúp họ giải khuây, giảm căng thẳng và mang lại niềm vui. Các gameshow tuy có sạn vẫn thu hút khán giả vì có tính giải trí cao”, TS. Trần Vân Anh nói.
V.P.N (22 tuổi), từng là biên tập viên của một công ty giải trí lớn, chủ sở hữu những gameshow đình đám tại thị trường Việt Nam cho biết công việc hằng ngày của biên tập viên là cắt những phân đoạn “đắt” của gameshow để đưa lên trang Facebook: “Thực tế, mỗi nền tảng mạng xã hội sẽ có những quy chuẩn riêng gọi là tiêu chuẩn cộng đồng. Tuy nhiên khi khai thác, người giật tít thường tìm cách lách luật vì những nội dung như giới tính, chuyện tế nhị, nội dung về tình dục... thường thu hút lượt xem và tương tác lớn”. Những video này thường nhận về lượt tương tác rất cao, trung bình vài triệu lượt xem, vài nghìn bình luận và lượt chia sẻ. Như vậy, số tiền mà các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình thu về càng lớn. Mỗi video đạt triệu lượt xem, nhà sản xuất có thể thu từ vài triệu tới vài chục triệu đồng.
Quảng cáo tràn lan
Không chỉ bội thu trên nền tảng mạng xã hội, nhà sản xuất vẫn hái ra tiền nhờ việc duy trì phát sóng gameshow trên truyền hình. Nguồn thu từ quảng cáo thực tế không hề nhỏ. Theo báo giá của Ðài Truyền hình Vĩnh Long, giá quảng cáo trước/trong và sau một gameshow rơi vào khoảng 90 triệu đồng cho 30 giây phát sóng. Cũng thời lượng đó, gameshow Ơn Giời Cậu Đây Rồi của VTV3 có giá quảng cáo là 350 triệu đồng.
Như vậy, quảng cáo chi phối rất nhiều tới nội dung của gameshow truyền hình. Chương trình 2 Ngày 1 Đêm do (Ðài Truyền hình TPHCM phối hợp thực hiện) đang được khán giả yêu thích vì sự hài hước của khách mời lẫn tính hấp dẫn, chân thực của các thử thách. Tuy nhiên, hai tập phát sóng gần đây khiến khán giả ngao ngán vì bội thực quảng cáo. Trong tập 13, bên cạnh nội dung quảng cáo nước rửa tay, bánh... thời gian quảng bá cho một thương hiệu điện thoại thông minh cũng chiếm tới 1/3 thời lượng chương trình.
Nghệ sĩ “bán” hình ảnh trên gameshow
Khi gameshow bùng nổ khắp các kênh truyền hình cũng là lúc nghệ sĩ Việt có thêm những khoản thu nhập “khủng”. Nhiều nghệ sĩ tham gia gameshow với mong muốn nổi tiếng hơn. Từ đây, nhiều câu chuyện bi hài bắt đầu. Lộ lỗi sai kiến thức cơ bản, bị đồng nghiệp chế giễu ngoại hình, đời tư bại lộ... là những “cái giá” nghệ sĩ phải trả khi tham gia gameshow. Ở hầu hết chương trình giải trí như 7 Nụ Cười Xuân, Running Man, 2 Ngày 1 Đêm... nghệ sĩ tham gia đều phải thực hiện những trò chơi mang tính thử thách, trong đó có những trò chơi “làm xấu” nghệ sĩ như đập trứng gà vào mặt nhau, dội nước, hất bột xanh đỏ lên người...
Bên cạnh loạt gameshow vận động, những chương trình có kịch bản yêu cầu về kiến thức như Ai Là Triệu Phú, Nhanh Như Chớp, Ai Thông Minh Hơn Học Sinh Lớp 5... lại càng làm khó người chơi. Hàng loạt tình huống “dở khóc dở cười” của nghệ sĩ Việt được ghi lại khi tham gia gameshow về kiến thức. Diễn viên Thùy Anh trong chương trình Nhanh Như Chớp khi nhận thử thách với câu hỏi: “Loài thú duy nhất nào biết đẻ trứng?”, cô ngay lập tức trả lời “con mèo”.
Một trường hợp khác, nam diễn viên Văn Anh không thể đưa ra đáp án “Áo dài” trong câu hỏi: “Cô gái trong tác phẩm Thiếu nữ bên hoa huệ của danh họa Tô Ngọc Vân mặc trang phục gì?”. Ca sĩ Sỹ Luân trả lời : “Ông Bụt sử dụng câu thần chú Khắc nhập, khắc xuất đối với… cây khế”. Diễn viên Minh Hương không trả lời được câu hỏi nước Pháp có đường biên giới với quốc gia nào...
Chẳng biết những nghệ sĩ này thật sự không biết đáp án hay cố tình trả lời sai để tạo sự hài hước. Tuy nhiên, hài hước chưa thấy đâu nhưng nghệ sĩ tự đánh mất hình ảnh của bản thân và cho khán giả thấy những thiếu sót, “lỗ hổng” kiến thức. Có lẽ nghệ sĩ đang dễ dãi với hình ảnh của chính mình bởi họ bỏ hàng giờ đồng hồ trang điểm, xuất hiện lộng lẫy trong nhiều sự kiện trước đông đảo công chúng để làm đủ “trò lố” ở các gameshow.
PGS.TS Trần Thành Nam (trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng nguyên nhân những gameshow dù nhảm nhí nhưng vẫn được quan tâm là do thị hiếu của một bộ phận khán giả chưa cao. Gameshow giải trí đơn thuần, dễ dàng đem lại tiếng cười sẽ là lựa chọn của nhiều người. “Gameshow khai thác những khía cạnh mà người khác xấu hổ, đặc biệt là những hoàn cảnh mà người nổi tiếng xấu hổ để làm ‘mồi nhử’ cho cộng đồng. Mọi người xem gameshow vì họ thích bắt được những khoảnh khắc xấu hổ của người nổi tiếng, bị lôi làm trò cười”, PGS.TS Trần Thành Nam phân tích.
Để tìm ra giải pháp dẹp bớt nội dung nhảm nhí, thậm chí là sai lệch trên gameshow truyền hình, các chuyên gia cho rằng, nhà sản xuất cần nâng cao trách nhiệm, kiểm duyệt kỹ càng nội dung hơn. Trò chơi truyền hình không chỉ mang tính chất giải trí mà nên hướng mọi người đến giá trị chân - thiện - mỹ. “Những người xây dựng kịch bản chương trình cần phải xác định rõ mình là ai, đối tượng mình hướng đến, nội dung, mục đích sản xuất chương trình là gì để không chỉ giúp khán giả vui mà còn phục vụ cho mục tiêu định hướng mọi người đến với điều đúng đắn, tốt đẹp”, TS. Trần Vân Anh nói.