G-Dragon - Kẻ tiên phong thừa sức đối trọng với các nhóm nhạc tầm cỡ của Kpop

SJ, Theo Trí Thức Trẻ 15:00 18/08/2018

Trước G-Dragon, Kpop không có ai như G-Dragon. Sau G-Dragon, Kpop có rất nhiều phiên bản khác của G-Dragon.

Nhắc đến Kpop, sẽ có rất nhiều nhóm nhạc được nhớ mặt chỉ tên, nhưng chỉ có một số ít cá nhân ghi được dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng. Nếu là một thành viên của nhóm nhạc thần tượng thì càng khó khăn hơn nữa để được nhớ đến như một cá thể độc lập khi cái bóng quá lớn của nhóm nhạc vẫn bao trùm. Vậy mà không chỉ vĩnh viễn giữ lấy ngôi vương không thể thay thế, G-Dragon còn khai phá rất nhiều lần đầu tiên của Kpop trong khoảng thời gian hoạt động của mình.

Lần đầu tiên, rapper trong nhóm nhạc thần tượng không còn là cái mác

Trở về những năm đầu của thập niên 2000, khi mà các nhóm nhạc idol thế hệ đầu tiên hoạt động cầm chừng hoặc tan đàn xẻ nghé, Kpop rục rịch quay lại trong một diện mạo mới với một loạt những nhóm nhạc cho đến bây giờ vẫn là hoài niệm đẹp của fan Kpop ở độ tuổi đầu 9x: DBSK, Super Junior, SS501... Kpop đầu thế hệ hai vẫn chia ra hai phần riêng biệt: một phần dành cho các nhóm nhạc thuần hip hop vẫn còn được thị trường đón nhận một cách dè dặt như Epik High, Dynamic Duo…, phần còn lại dành cho các nhóm nhạc idol chỉ sử dụng rap làm gia vị thêm thắt cho kĩ năng hát và nhảy của mình như DBSK, Super Junior.

Big Bang ra mắt đem lại một định nghĩa mới về rapper trong một nhóm nhạc thần tượng. Rapper của Big Bang – G-Dragon và T.O.P không phải là những bình hoa hoàn thiện vị trí của nhóm nhạc mà là một phần không thể thay thế.

G-Dragon - Kẻ tiên phong thừa sức đối trọng với các nhóm nhạc tầm cỡ của Kpop - Ảnh 1.

Đội hình ra mắt của Big Bang là sự kết hợp hoàn hảo giữa vocal và rap.

Xung đột của giới rapper underground và các idol theo dòng nhạc hip hop cho đến ngày hôm nay vẫn còn tồn tại. Giới underground cho rằng rapper làm idol sẽ bị gò mình theo khuôn khổ và hoạt động để vừa lòng công chúng, và họ có lí do khi mang trong mình định kiến đó. Vào thế hệ của DBSK, Super Junior, và thậm chí là sau này, rapper trong các nhóm nhạc idol luôn là đối tượng bị đánh giá thấp. Chỉ có một vài người được cả công chúng lẫn giới underground chấp nhận rằng đã mang theo bản sắc hip hop thực sự tiến vào giới idol, mà G-Dragon luôn là cái tên được nhắc đến đầu tiên.

G-Dragon không phải là một rapper thuần túy, anh sử dụng cả giai điệu và lời rap ở trong đa số các sáng tác của mình. Khả năng chuyển đổi linh hoạt giữa giai điệu và lời rap khiến cho âm nhạc của G-Dragon dần trở thành một thể loại riêng biệt. Mặc dù trong những album sau này, cả G- Dragon lẫn Big Bang đều dần ưu ái phần giai điệu hơn là phần rap, nhưng giai điệu do anh sáng tác vẫn mang đậm dấu ấn của một rapper: không phải chỉ có một đoạn cao trào duy nhất, G- Dragon bố trí những điểm nhấn rải rác khắp bài hát của mình.

"She's Gone" MV - G-Dragon

Còn ít nhiều tranh cãi xung quanh việc GD có là một rapper giỏi hay không, nhưng riêng việc GD đã kết nối được hai thế đối lập – một bên là hip hop kén người nghe, một bên là âm nhạc cho đại đa số công chúng, và buộc cả hai bên đều gật đầu chấp nhận trong giai đoạn Kpop còn chưa cởi mở đã là một điều đáng nể.

Lần đầu tiên concert solo được tổ chức bởi thành viên của một nhóm nhạc idol

Ba năm tuổi là một con số còn quá ngắn cho một nhóm nhạc có thể đánh dấu vị trí của mình trên bản đồ Kpop với tư cách là một nhóm, và cần nhiều thời gian hơn nữa để có thể ghi dấu ấn với tư cách một cá nhân chứ không bị trói buộc danh tiếng với nhóm nhạc của mình. Đi ngược với quy luật đó, dù ra mắt vào năm 2006 nhưng đến năm 2009, G-Dragon đã rục rịch bắt đầu sự nghiệp solo.

G-Dragon có cho mình concert solo đầu tiên vào năm 2009, sau thành công của album Heartbreaker. Đây là lần đầu tiên một ca sĩ thần tượng tổ chức concert solo, và thậm chí cho đến bây giờ, anh cũng là thần tượng hiếm hoi có đủ sức hút và tài năng để mở cho riêng mình một concert.

G-Dragon - Kẻ tiên phong thừa sức đối trọng với các nhóm nhạc tầm cỡ của Kpop - Ảnh 3.

Heartbreaker giúp cho G-Dragon một mình một ngựa giành Daesang album của năm tại MAMA 2009

Hoạt động như là một nhóm, đương nhiên câu chuyện có một thành viên nổi tiếng nhất sẽ giết chết mối quan hệ giữa các thành viên. Với G-Dragon và Big Bang thì không như thế, bởi vì G-Dragon dường như không mang danh tiếng của Big Bang ra làm bàn đạp cho mình ở những hoạt động solo.

Âm nhạc của Big Bang mang tính đại chúng nhiều hơn, trong khi âm nhạc của G-Dragon lại đề cao tính tự sự. Từ Heartbreaker cho đến One of a kind, That XX (2012), ngoài sự thành công về mặt danh tiếng, các ca khúc solo này đã cho thấy cá tính của riêng G-Dragon. Tất cả các thần tượng có khả năng thì đều có thể phát triển sự nghiệp solo, nhưng để đạt đến mức độ có thể công phá tất cả bảng xếp hạng, bán ra hàng trăm ngàn bản album và tổ chức cả tour thế giới thì cho đến hiện tại, G-Dragon vẫn là đầu tiên và duy nhất.

G-Dragon - Kẻ tiên phong thừa sức đối trọng với các nhóm nhạc tầm cỡ của Kpop - Ảnh 4.

G-Dragon luôn cháy hết mình dù là trên sân khấu của Big Bang hay trong concert solo.

Có thể khẳng định, G-Dragon là người đi tiên phong trong trào lưu thành viên của một nhóm nhạc có thể hoạt động solo một cách nghiêm túc, không phải là hoạt động cá nhân có liên quan đến âm nhạc như hát nhạc phim, tham gia nhạc kịch. Anh cũng đặt ra một hình ảnh mẫu mực cho các idol muốn phát triển sự nghiệp solo khi bản thân vẫn còn ràng buộc bởi một nhóm nhạc: Quên đi định hướng và dòng nhạc mà nhóm nhạc của mình đang theo đuổi, thỏa sức bung tỏa sức hút cá nhân của mình.

Và đương nhiên, bản thân idol phải là "one of a kind", không phải là con rối của ngành giải trí thì mới có thể mang trong mình sức hút đó.

Lần đầu tiên một thần tượng không chỉ ở vị trí biểu diễn mà còn nắm giữ gia tài âm nhạc đồ sộ không kém các nhà sản xuất tài năng

Nhóm nhạc thần tượng thường được coi là một mắt xích của cỗ máy giải trí khổng lồ. Ở cỗ máy đó, họ có nhiệm vụ tỏa sáng ở trên sân khấu, còn phía sau hậu trường là một loạt những nhà sản xuất đóng vai trò sáng tác và định hướng cả thể loại âm nhạc mà nhóm theo đuổi. Điều đó đôi khi làm cho hình tượng của idol bị đóng khung trong một khuôn mẫu mà công ty hướng đến, cũng không tạo điều kiện cho họ có thể thể hiện con người thật của mình.

G-Dragon - Kẻ tiên phong thừa sức đối trọng với các nhóm nhạc tầm cỡ của Kpop - Ảnh 5.

Cho đến 2018, G-Dragon sở hữu tới 170 ca khúc được đăng kí bản quyền.

Dòng nhạc mà Big Bang theo đuổi và Big Bang ở đời thường không có khoảng cách quá xa, có thể thấy được sự trưởng thành theo thời gian ở trong các sản phẩm âm nhạc của nhóm. Và không có gì bất ngờ khi từ những cậu trai trẻ chất chơi trong album Big Bang Vol.1 (2007) cho đến những người đàn ông day dứt với tình yêu trong album Made (2015), tất cả đều có bàn tay G-Dragon ở vị trí phổ nhạc, viết lời.

Có thể nói rằng hoạt động sản xuất của G-Dragon còn đáng chú ý hơn cả việc anh biểu diễn trên sân khấu với Big Bang, khi anh và những người đồng đội của mình không bao giờ phụ thuộc quá nhiều vào một nhà sản xuất nào khác. Và không phải sản xuất chỉ để được gắn mác "idol biết sản xuất nhạc", những thành công về mặt âm nhạc của Big Bang đã cho thấy tài năng của G- Dragon trong lĩnh vực sáng tác là như thế nào.

G-Dragon - Kẻ tiên phong thừa sức đối trọng với các nhóm nhạc tầm cỡ của Kpop - Ảnh 6.

Tất cả các album trong sự nghiệp của Big Bang đều có tên G-Dragon ở vị trí sản xuất.

Tiếp nối G- Dragon là TOP và Seungri, sau đó nữa là các nhóm nhạc đàn em của nhà YG cũng trở thành những cái tên tiêu biểu cho việc bản thân các thành viên của nhóm nhạc có khả năng sáng tác.

Ngày nay, việc idol tự sản xuất nhạc là một con đường đúng đắn cho các nhóm nhạc muốn hoạt động về lâu dài. Ngoài Winner, iKON, ta còn biết đến BTS, Stray Kids…những nhóm nhạc đầu tư phần lớn thời gian ở hậu trường của mình cho việc sản xuất âm nhạc. Nhưng dù "hậu sinh khả úy", các idol sản xuất nhạc thế hệ mới có phát triển đến mức nào thì G-Dragon vẫn sẽ được biết đến như là người xóa mờ đi ranh giới giữa idol và nhà sản xuất. Tài sản âm nhạc đồ sộ mà Big Bang và G-Dragon sở hữu là một cái bóng lớn mà các nhóm nhạc đi sau khó lòng vượt qua.

Tạm kết

Ba mươi năm tuổi đời, sống cùng với âm nhạc hai mươi năm có lẻ, chỉ riêng G-Dragon đã trở thành một "thế lực" có thể thừa sức làm một đối trọng với các nhóm nhạc tầm cỡ của Kpop. Sẽ không quá lời khi gọi anh là huyền thoại, bởi vì không bao giờ thể xuất hiện một G-Dragon thứ hai trong lịch sử Kpop, dù Kpop vẫn đang tiếp tục phát triển từng ngày.

Đương nhiên huyền thoại sẽ không dừng lại ở đó. Người hâm mộ vẫn đang đếm ngược cho đến ngày G-Dragon quay trở lại ngôi vương không bao giờ lay chuyển được, để tiếp tục chứng kiến những điều đầu tiên mà G-Dragon mang đến với tư cách một ngôi sao lớn nhất giữa "vũ trụ" Kpop ngập đầy sao.