Forever 21: "Giấc mơ Mỹ" điển hình và cổ tích tay trắng xây dựng cơ đồ của chàng thanh niên nhập cư người Hàn

Skye, Thiết kế: Hoàng Nhi - Nhật Ánh, Theo Thời Đại 08:00 16/08/2017
Chia sẻ

Giữa vô vàn con người tìm đến nước Mỹ với hy vọng có thể thay đổi cuộc đời mình, có được cuộc sống tốt đẹp đã là điều may mắn. Nhưng với Do Won Chang và vợ, họ có một ước mơ khác, cháy bỏng hơn và mạnh mẽ hơn: trở thành tỷ phú trên đất Mỹ.

Những năm 80 của thế kỷ trước, gia đình nào có người đi Tây về cũng khiến người hàng xóm trầm trồ, khen ngợi rồi ghen tị. Người ta đi Nga, đi Đức rồi Tiệp làm giàu, mang về cuộc sống vật chất sung túc cho người thân gia đình. Nhưng không ai gọi đó bằng cái tên "giấc mơ Nga" hay "giấc mơ Đức". Chỉ có "American Dream" - giấc mơ Mỹ mà bao người châu Á mong muốn: một phương trời tự do mới, nơi ai cũng có thể kiếm tiền, làm giàu và đổi đời hoàn toàn.

Trong dòng người châu Á đổ dồn về phía đất Mỹ có cặp vợ chồng người Hàn Quốc Do Won Chang và vợ anh, Jin Sook. Rời Hàn Quốc vào năm 1981 giữa thời khắc rối ren của đất nước, 2 vợ chồng quyết định cùng cả gia đình lên đường đi tìm chân trời mới. Họ không mong ước làm giàu hay gì cả; chỉ mong có cơ hội rời Hàn Quốc và đến Mỹ. 

"Vào thời điểm đó, cuộc sống của chúng tôi gặp quá nhiều khó khăn; cũng chẳng có lấy mấy cơ hội để phát triển sự nghiệp", Do Won Chang trả lời trên tờ Forbes.

36 năm trôi qua, 2 vợ chồng nghèo khó thuở nào giờ đã lập nên cả một đế chế thời trang "mì ăn liền" tại Mỹ: Forever 21, cái tên mà hầu như không một người trẻ Mỹ nào không biết tới. Cơ ngơi của 2 vợ chồng trải rộng trên 48 quốc gia với 790 cửa hàng, 43,000 nhân viên (trong đó gần 11,000 là nhân viên làm toàn thế giới). Doanh thu của Forever 21 đạt 4,4 tỷ USD. Do Won Chang và vợ đã vươn lên vị trí số 222 trong số 400 người giàu nhất nước Mỹ trên tạp chí danh tiếng The Forbes với tổng giá trị tài sản lên tới 3 tỷ USD.

Forever 21: Giấc mơ Mỹ điển hình và cổ tích tay trắng xây dựng cơ đồ của chàng thanh niên nhập cư người Hàn - Ảnh 1.

"Tôi đã mơ được tới nước Mỹ kể từ khi tôi mới học lớp 6", Do Won cho biết. "Cha mẹ tôi từng đến thăm tôi và tôi luôn hỏi họ rằng khi nào cả nhà mình sẽ đi Mỹ, tháng sau, tháng sau phải không?".

Phải mất cả 1 thập kỷ sau đó, ông mới hiện thực hóa được giấc mơ của mình. Năm 21 tuổi, thông qua những người bạn mai mối - một điều khá phổ biến trong văn hóa Hàn Quốc lúc bấy giờ, Do Won đã kết hôn với Jin Sook.

"Đó không phải là một buổi hẹn hò nghiêm túc nhưng chúng tôi vẫn đồng ý gặp nhau, không phải để hẹn hò mà để chuẩn bị kết hôn", Do Won chia sẻ. Ông là một tín đồ thiên chúa giáo ngoan đạo và thường cùng vợ đi tới nhà thờ cầu nguyện mỗi sáng chủ nhật tại nhà thờ địa phương. 

Sau đó không lâu, cặp đôi mới cưới đã quyết định băng qua Thái Bình Dương để đi tìm chân trời mới. "Kể cả bây giờ, đặc biệt là vào thời điểm đó, cơ hội tại Mỹ luôn nhiều hơn cho chúng tôi", anh chia sẻ. "Có rất nhiều người muốn theo đuổi ước mơ Mỹ".

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, gần như không biết tương lai sẽ đi về đâu hay điều gì sẽ xảy ra, Do Won Chang cùng vợ chỉ có một ước mơ đến nước Mỹ và tìm kiếm cơ hội. Họ đặt chân đến đó với đôi bàn tay trắng, chỉ có một tấm bằng trung học từ quốc gia mà thời đó cũng không được đánh giá cao về giáo dục. Do Won Chang đã phải làm tới 3 công việc một lúc để có thể trang trải cuộc sống. Ông từng chia sẻ:

Forever 21: Giấc mơ Mỹ điển hình và cổ tích tay trắng xây dựng cơ đồ của chàng thanh niên nhập cư người Hàn - Ảnh 2.

Trước khi chạm đến thành công như ngày hôm nay, Do Won Chang và vợ đã phải đương đầu với vô số khó khăn trong cuộc sống nhưng nhờ vậy, họ hiểu được giá trị của sự đánh đổi và can trường. Đó chính là những phẩm cách mà Do Won khuyên một ông chủ cần có.

Forever 21: Giấc mơ Mỹ điển hình và cổ tích tay trắng xây dựng cơ đồ của chàng thanh niên nhập cư người Hàn - Ảnh 3.

"Bạn không nên lao vào công việc kinh doanh với suy nghĩ rằng, thành công sẽ đến chỉ trong ngày một ngày hai" - đó chính là những gì ông Do Won Chang luôn tâm niệm.

Khi làm công việc bán xăng, Do Won nhận ra rằng những người đàn ông trong ngành công nghiệp thời trang luôn lái xe hạng sang. "Tôi hỏi người lái xe của họ xem họ làm gì để kiếm sống", Do Won chia sẻ. "Và họ nói đó là thời trang".

Được truyền cảm hứng với công việc trong lĩnh vực thời trang, ông bắt đầu chuyển qua làm tại cửa hàng quần áo với quyết tâm có thể nắm bắt được thị hiếu của khách hàng.

Forever 21: Giấc mơ Mỹ điển hình và cổ tích tay trắng xây dựng cơ đồ của chàng thanh niên nhập cư người Hàn - Ảnh 4.

Sau 3 năm đầu tại Mỹ, hai vợ chồng đã tích góp được khoản tiền 11,000 USD. Năm 1984, họ mở cửa hàng thời trang rộng 83 m2 và đặt tên Fashion 21 tại một khu kinh doanh sầm uất tại Los Angeles. Do Won cho biết người chủ cũ của cửa hàng cũng bán quần áo thu về mỗi năm khoảng 30,000 USD tiền lãi. Tuy nhiên, Fashion 21 đã làm được những điều không tưởng hơn khi cán mốc 700,000 USD lợi nhuận trong năm đầu tiên nhờ công việc bán buôn, đổ hàng trực tiếp từ cơ sở sản xuất với mức giá chiết khấu vô cùng hấp dẫn. Công việc làm ăn của 2 vợ chồng dần phát đạt và họ mở thêm cửa hàng cứ sau nửa năm. Đó chính là khởi điểm của thương hiệu thời trang đình đám Forever 21.

Do Won Chang luôn cảm thấy may mắn vì những cơ hội đã đến trong cuộc đời mình:

"Tôi đến đây với đôi bàn tay trắng và luôn cảm ơn nước Mỹ vì cơ hội đã mang đến cho tôi. Và tôi cũng muốn đền đáp lại cho đất nước này". Trong cuộc Đại suy thoái vào năm 2008, Do Won cho biết ông đã mở thêm cửa hàng và tạo thêm 7,000 việc làm trong một năm. Tại cuộc họp thường niên với bộ phận cấp cao của công ty, Do Won chia sẻ rằng ông không chỉ muốn tập trung vào lợi nhuận mà còn muốn tăng cơ hội việc làm cho người dân Mỹ. 

Trên thực tế, để thành công trong nghề bán lẻ là cực kỳ khó nếu bạn là người nhập cư. Với những yếu tố cản trở như ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, việc bạn tiếp cận được với đại đa số người dân là rất khó. Trong trường hợp của Do Won, ông đã bứt ra khỏi nhóm khách hàng châu Á quen thuộc mà được lòng cả người dân gốc Mỹ.

Ngoài sự kiên nhẫn, cha đẻ của Forever 21 cho biết ông đã phải học rất nhiều về cách ngành công nghiệp vận hành, cơ sở pháp lý, điều kiện kinh tế... Không có gì là dễ dàng cả. 3 năm vất vả để có thể gây dựng cơ nghiệp là hãng thời trang đình đám không chỉ tại nước Mỹ mà trên toàn thế giới, quả cũng xứng đáng. 

Forever 21: Giấc mơ Mỹ điển hình và cổ tích tay trắng xây dựng cơ đồ của chàng thanh niên nhập cư người Hàn - Ảnh 5.

Thành công của ông Do Won Chang không đến một cách dễ dàng. Ngay từ những ngày đầu, họ đã phải gồng mình với nhiều khó khăn. Forever 21 đã gặp phải nhiều vấn đề liên quan tới bản quyền và các vụ khởi kiện liên quan đến đạo nhái sản phẩm. Trong giai đoạn suy thoái, với sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều công ty bán lẻ, đặc biệt là các công ty trực tuyến, ông Do Won Chang đã buộc phải đóng cửa hoặc giảm quy mô nhiều cửa hàng lớn. Doanh thu trong năm 2015 gần như không tăng trưởng so với năm trước đó. 

Hồi đầu năm 2016, Forever 21 cũng bị nhiều công ty "tố" chậm thanh toán. Một công ty vận chuyển quần áo cho Forever 21 đã tung ra một bản hợp đồng cho thấy, doanh thu bán hàng của hãng này đã giảm đi 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy, cha đẻ của Forever 21 vẫn giữ tinh thần lạc quan sau những vấp ngã đó. Ông chia sẻ: "Ngành công nghiệp thời trang không dễ dàng như trước kia. Lượng khách tới các trung tâm thương mại giảm hẳn so với trước đây. Khách hàng chuyển qua mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Với việc mở rộng ra nhiều thị trường quốc tế mới, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn nhưng sẽ nhanh chóng vượt qua và giành lại vị thế của mình".

Tuy nhiên, với ông Do Won Chang và bà Jin Sook, khó khăn chỉ mang tính tạm thời. Sự kiên định chính là chìa khóa dẫn đến thành công. Nếu bạn giữ vững niềm tin vào điều gì đó, kể cả trong lúc khó khăn nhất, những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bạn.

Forever 21: Giấc mơ Mỹ điển hình và cổ tích tay trắng xây dựng cơ đồ của chàng thanh niên nhập cư người Hàn - Ảnh 6.

Kể cả có trong tay cả một cơ nghiệp, Do Won vẫn tin rằng gia đình quan trọng hơn bất cứ điều gì trong cuộc sống và đó mới chính là thước đo sự thành công của mỗi người. Khi được hỏi về giấc mơ Mỹ thực sự của ông là gì, ông chia sẻ:

Forever 21: Giấc mơ Mỹ điển hình và cổ tích tay trắng xây dựng cơ đồ của chàng thanh niên nhập cư người Hàn - Ảnh 7.

"Với tôi, gia đình là điều quan trọng nhất. Khi mọi người nói về giấc mơ Mỹ, họ thường nhấn mạnh về cuộc sống vật chất sung túc. Tuy nhiên, nếu công việc của bạn tốt nhưng gia đình tan vỡ, giấc mơ Mỹ chẳng còn nghĩa lý gì hết".

Ông Do Won Chang cùng vợ luôn muốn giữ Forever 21 cho chính các thành viên trong gia đình; không chỉ để thừa kế sự nghiệp mà để con cái họ hiểu được những vất vả và khó nhọc để gây dựng nên cơ nghiệp như ngày hôm nay. Hai cô con gái của ông,  Linda Chang và Esther Chang, đều đã tốt nghiệp các trường trong khối Ivy League và hiện đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong công ty của cha mẹ mình. 

"Điều quan trọng nhất là việc các con gái tôi có thể học và hiểu được những vất vả mà tôi cùng vợ - những người nhập cư gốc Á, đã dồn tâm huyết và công sức vào công ty Forever 21 này".

Forever 21: Giấc mơ Mỹ điển hình và cổ tích tay trắng xây dựng cơ đồ của chàng thanh niên nhập cư người Hàn - Ảnh 8.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày