Mỗi tối, cứ rảo bước trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, bạn sẽ dễ bắt gặp hình ảnh một anh chàng trông thư sinh với dáng người cao kều (1m86), khuôn mặt góc cạnh tưởng chừng lạnh lùng nhưng lại gặp ai cũng cười và chào bằng chất giọng "lơ lớ" dễ thương. Đó chính là Brian Trần, một anh chàng người Mỹ gốc Việt sinh năm 1992 với cái tên nguyên quán là Trần Đắc Lộc.
Brian Trần từng gây chú ý với video makeover được tung ra vào hồi đầu năm ngoái.
Về Việt Nam đã được hơn 1 năm, Brian Trần trở thành nhân vật quen mặt với giới trẻ nói chung và các tín đồ thời trang nói riêng với tư cách một người mẫu ảnh khá "đắt show". Không chỉ thế, phong cách thời trang của Brian Trần cũng được khen ngợi không dứt. Đơn giản, nam tính nhưng chẳng hề nhàm chán chính là những lý do mà phái nam thích thú với anh chàng, trong khi các cô nàng thì dễ "đứ đừ" từ cái nhìn đầu tiên!
Được biết Brian là người Mỹ gốc Việt. Lý do vì sao Brian tạm dừng cuộc sống ở bên kia để trở về Việt Nam?
Có khá nhiều lý do. Đầu tiên là Brian muốn tìm hiểu thêm về văn hóa của quê hương kết hợp du lịch. Một lý do khác là Brian học về nhiếp ảnh, phải hoàn thành portfolio (hồ sơ cá nhân) và trong đầu nảy ra suy nghĩ rằng biết đâu Việt Nam lại hay, bởi là Việt Nam mình là một đất nước khá "dễ chịu" so với Mỹ nếu xét về mặt chi phí.
Với khởi đầu là ngành nhiếp ảnh, cơ duyên nào lại dẫn Brian đến với công việc người mẫu?
Khi mới trở về Việt Nam thì Brian tạm tá túc ở nhà một người quen, cũng là một nhân vật trong giới thời trang. Cũng nhờ anh ấy mà Brian có cơ hội được tham dự nhiều sự kiện thời trang ở Việt Nam, từ đó có một số người ngỏ ý muốn Brian làm người mẫu chứ thực ra công việc đó vốn không có trong tiềm thức của mình.
Thấy người ta cứ hỏi hoài nên Brian nghĩ, trải nghiệm công việc mới cũng là điều hay. Cứ thế là "vào guồng" cho đến bây giờ.
Khó khăn lớn nhất của Brian khi trở về Việt Nam là...
Ngôn ngữ. Tiếng Việt siêu khó với Brian. Sắp tới Brian cũng có đăng ký lớp học tiếng Việt bởi Brian hiểu rằng, nếu không gỡ bỏ được rào cản ngôn ngữ thì làm gì cũng khó.
Khi quyết định về Việt Nam thì Brian cũng phải xa gia đình để tự lập ở đây. Mẹ vẫn mong Brian trở về Mỹ nhưng Brian có thể tự lập, làm những gì mà mình muốn.
Cái tên Brian Trần được mọi người biết đến từ clip make-over thú vị trên Youtube. Được biết clip được sự hưởng ứng rất nhiệt tình từ giới trẻ, vậy tại sao Brian không tiếp tục phát triển theo đường hướng này?
Nguyên nhân chủ yếu là do Brian không tìm được những cộng sự phù hợp để lập nên ekip. Làm một mình thì lại cảm thấy rất nhọc, nên đâm ra... lười. (cười)
Brian có muốn gắn bó với công việc người mẫu lâu dài? Hay đây chỉ là công việc "cho vui"?
Thực tế mà nói thì không mấy nam giới nào làm người mẫu được lâu dài. Đặc thù của ngành thời trang là nữ luôn được ưu tiên và cần hơn nam, nên dù Brian có muốn cũng khó có thể duy trì được sự ổn định trong công việc cũng như thu nhập.
Với Brian, làm người mẫu cũng thú vị nhưng có điều do Brian luôn tự lập và chủ động mà công việc này lại khá "bị động", phụ thuộc nhiều vào môi trường và nhu cầu - điều trái ngược với bản tính của mình.
Vậy bước tiếp theo của Brian sẽ là gì nếu chỉ xét trong phạm vi thời trang?
Brian đang trong giai đoạn phát triển một thương hiệu thời trang nam theo chính gu của bản thân: đơn giản, cơ bản với những gam màu như đen, trắng, xám, xanh dương... cùng kiểu dáng oversized.
Thoạt nghe qua thì thấy đây cũng là phương thức mà nhiều cửa hàng thời trang trẻ đang áp dụng hiện nay. Điều gì khiến Brian tự tin rằng thương hiệu của mình sẽ được chú ý?
Từ nhỏ đến lớn đều ở bên Mỹ nên Brian tự tin rằng, mình đang sở hữu một cái nhìn khác với đại đa số bạn trẻ Việt. Các bạn ở đây bị ảnh hưởng nhiều từ thời trang của Hàn và Nhật, trong khi Brian lại muốn phát triển thương hiệu từ niềm đam mê với Pop Culture (văn hóa đại chúng). Đây là nét riêng của Brian.
Thế dưới góc nhìn của một người Mỹ, Brian thấy phong cách thời trang của các bạn trẻ Việt thế nào?
Theo kinh nghiệm thì Brian thấy các bạn trẻ Mỹ luôn cố gắng để thể hiện cái tôi, không ngừng thử nghiệm điều mới mẻ và thậm chí là không có ranh giới. Trong khi đó giới trẻ Việt Nam luôn sợ bị đánh giá.
Thời tiết cũng rất quan trọng với thời trang. Ví dụ như nhiệt độ ở TP.Hồ Chí Minh thường rất cao, yếu tố này khiến mọi người bị bó buộc trong vài kiểu ăn mặc nhất định.
Yếu tố cuối cùng là sự chậm rãi trong việc cập nhật xu hướng của thời trang Việt. Thường Brian thấy những gì "hot" ở nước ngoài thì phải khoảng 1-2 năm sau mới rộ lên ở Việt Nam.
Một câu hỏi vui thôi: giữa Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Brian thích street style của giới trẻ miền nào hơn?
Phong cách của các bạn trẻ Hà Nội "cool" hơn nhưng hơi an toàn, không có mấy sự đa dạng. Một lợi thế là ở Hà Nội có mùa đông nên được mặc nhiều lớp quần áo hay ho.
Câu hỏi cuối cùng chắc chắn nhiều cô nàng sẽ để ý lắm đây! Brian thích những điểm nào ở con gái Việt?
Quả thực Brian không nhớ được... nhưng Brian rất ấn tượng với những gì mà Brian không thích (cười). Đa số các bạn gái Việt Nam hay bị ngại, quá e dè, không chủ động. Chắc do Brian đã quen với cách chủ động của con gái Mỹ.
Cảm ơn Brian vì cuộc trò chuyện thú vị! Giờ thì hãy cùng ngắm thêm những shoot hình đậm phong cách của anh chàng này nhé: