Email lừa đảo nội dung “xin chào kẻ đồi trụy” gây hoang mang

Huệ Bình, Theo nld.com.vn 19:14 25/09/2024
Chia sẻ

Đài Fox News vừa cảnh báo hình thức lừa đảo mới đang tấn công vào hộp thư điện tử của nhiều người dân Mỹ.

Fox News dẫn ví dụ bà Nicci Pucci (TP Las Vegas, bang Nevada) đã nhận được một email (thư điện tử), trong đó người viết nói rằng họ đã xóa quyền truy cập vào điện thoại của bà và có thể thấy mọi hành động riêng tư của bà trong nhà.

Bà Pucci kể rằng người gửi email dọa sẽ công khai tất cả những điều khủng khiếp mà bà không muốn bất kỳ ai nhìn thấy..., trừ khi gửi cho kẻ đó 1.900 USD dưới hình thức tiền điện tử Bitcoin. Đính kèm theo email là bức ảnh chụp bên ngoài ngôi nhà của bà Pucci.

Theo tờ Daily Mail, trong một số trường hợp, kẻ lừa đảo tuyên bố đã theo dõi mục tiêu qua webcam và có trong tay đoạn clip nhạy cảm. Bọn chúng đe dọa sẽ phát tán clip nếu đối tượng bị theo dõi không chịu đưa tiền.

Những kẻ lừa đảo tuyên bố đã theo dõi qua webcam và đe dọa sẽ công bố đoạn video nhạy cảm nếu không đưa tiền. Ảnh: Shutterstock

Những kẻ lừa đảo tuyên bố đã theo dõi "mục tiêu" qua webcam và đe dọa sẽ công bố đoạn video nhạy cảm nếu không đưa tiền. Ảnh: Shutterstock

Daily Mail cho biết những email đó thường bắt đầu bằng câu "xin chào kẻ đồi trụy" và thường gửi từ chính địa chỉ email của người bị hại. 

Chia sẻ trên diễn đàn Reddit, một người dùng viết: "Tôi thực sự sợ hãi vì tin nhắn được gửi từ chính địa chỉ email của tôi, nhưng nó lại được báo cáo là thư rác".

Thậm chí, một số kẻ lừa đảo còn đề cập đến Pegasus - một phần mềm gián điệp do công ty vũ khí mạng NSO Group của Israel phát triển - nhằm tăng tính răn đe. 

Trợ lý Đặc vụ Cục Điều Tra Liên bang Mỹ (FBI) Rafik Mattar ngày 23-9 cảnh báo người dân khi nhận những email có nội dung kể trên, tuyệt đối không gửi tiền theo yêu cầu bởi đó là email lừa đảo.

Ông Rafik Mattar cho biết những kẻ lừa đảo sẽ lợi dụng thông tin có sẵn như địa chỉ nhà, rồi vào một ứng dụng bản đồ - chẳng hạn Google Maps - để chụp ảnh màn hình ngôi nhà của mục tiêu, giả vờ như chúng đã từng đến đó.

Kẻ xấu cố gắng hù dọa để người bị hại mau chóng gửi tiền trong khoảng thời gian ngắn. "Chúng đang lợi dụng nỗi sợ hãi của mọi người và đó là một chiến thuật hiệu quả" - Trợ lý Đặc vụ FBI nhấn mạnh.

Ông Rafik Mattar khuyến nghị mọi người nếu nhận được email như trên thì nên bình tĩnh, không mở tệp đính kèm, không nhấp vào bất kỳ liên kết nào hoặc quét bất kỳ mã QR nào trong email.

"Nếu nhấp vào liên kết hay thực hiện hành động khác theo yêu cầu, những kẻ lừa đảo sẽ cài đặt được một số phần mềm độc hại trên thiết bị của người dùng. Qua đó, chúng có thể truy cập vào webcam hoặc quan trọng hơn là thông tin cá nhân, thông tin tài khoản của nạn nhân" - ông Mattar giải thích.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày