Bẫy lừa đảo việc làm bủa vây bến xe
Vừa bước chân xuống khỏi chiếc xe khách ở bến xe Mỹ Đình, hai thanh niên quê Thái Nguyên, Nguyễn Xuân Thảo (23 tuổi) và Lê Đình Phúc (21 tuổi) nhanh chóng được một người phụ nữ tầm 50 tuổi, cầm trên tay một túi danh thiếp tên các Cty tuyển dụng việc làm hồ hởi chạy đến hỏi: “Cần việc làm không? Việc gì cũng có. Khỏe mạnh thế này, đi làm giao hàng hay sản xuất lương 7-8 triệu tháng là bình thường”.
Liền sau đó, người phụ nữ liên tục quảng cáo hàng loạt công việc với mức lương hấp dẫn, không yêu cầu bằng cấp, không yêu cầu kinh nghiệm và có thể đi làm ngay khi nhận hồ sơ. Để thêm phần tin tưởng, người này còn gọi “nóng” một cuộc điện thoại về Cty: “Này nhá, đang có hai thanh niên cao to, khỏe mạnh. Bắt xe ôm cho về nhá. Nhớ sắp xếp cho việc nào ngon nhất. Người nhà bà cả đấy”.
Đang háo hức tìm việc, bỗng gặp được người phụ nữ giới thiệu hàng tá việc làm lương cao ngất ngưởng, Thảo và Phúc không khỏi mừng rỡ đồng ý lên xe ôm đang chờ sẵn để về trụ sở “thiên đường” việc làm.
Tại đây, hai thanh niên liên tục được nhân viên Cty rỉ tai hàng loạt công việc từ nhân viên phụ xe, lái xe, bảo vệ, đến giao hàng thực phẩm, sản xuất bánh kẹo… Tất cả đều có mức lương khởi điểm từ 7-8 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm tiền thưởng và phụ cấp.
Để nhận việc, Cty yêu cầu mỗi người phải đặt cọc 950.000 đồng làm phí bảo lưu hồ sơ rồi hẹn hôm sau đến nhận việc. Tuy nhiên, 3 ngày trôi qua, không thấy Cty liên lạc, Thảo và Phúc gọi lại số điện thoại trên danh thiếp thì… thuê bao bặt vô âm tín. Nhiều ngày sau đó, hai nam thanh niên liên tục gọi lại vẫn không thể liên lạc được. Cuối cùng, Thảo và Phúc chỉ biết ngậm ngùi chịu mất số tiền trên.
Phúc và Thảo chỉ là 2 trong số rất nhiều thanh niên nông thôn rơi vào “cạm bẫy” việc làm giăng ở các bến xe ngoại tỉnh.
Chiếm đoạt tiền đặt cọc
Chỉ cần gõ từ khóa việc làm lao động phổ thông tại Hà Nội, hàng triệu kết quả hiện ra với các việc làm có mức lương cao từ 7,5 -10 triệu đồng/tháng.
Liên hệ theo số điện thoại của một Cty tuyển dụng trên mạng, PV được người phụ nữ tên Huyền, tự xưng là Trưởng phòng tuyển dụng của Cty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại dịch vụ Phan Anh (gọi tắt Cty Phan Anh) hướng dẫn đến địa chỉ một chung cư cũ tại số 48 đường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Tại đây, 2 nữ nhân viên không ngớt rót vào tai chúng tôi những lời mật ngọt về mức lương, thưởng, trợ cấp. Chỉ cần đóng số tiền cọc 950.000 đồng là có thể đi làm ngay vào sáng hôm sau. Nhưng, sau khi nhận tiền, Cty này liên tục thông báo gia hạn thời gian nhận việc.
Khi chúng tôi yêu cầu lấy lại tiền đặt cọc, nhân viên Cty Phan Anh từ chối thẳng thừng và cho biết, lao động đang chờ việc, nếu tự ý xin rút hoặc nghỉ giữa chừng sẽ không được lấy lại tiền.
Một mánh khóe nữa để người tìm việc nhanh chóng bỏ cuộc là yêu cầu ứng viên đóng thêm tiền cọc để nhận việc. Số tiền này có thể lên tới hàng triệu đồng.
Theo lời giải thích, số tiền này được tính là 30% tiền lương tháng đầu để cam kết sẽ làm ít nhất 6 tháng. Nếu không đóng số tiền này, phía Cty sẽ không hoàn trả tiền đặt cọc ban đầu là 950.000 đồng. Tuy nhiên, nhiều người đóng tiền rồi chờ mãi không có việc, đành chịu mất trắng.
Các Cty “ảo” đều về một đầu mối
Qua nhiều ngày quan sát, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên bởi số trường hợp “sập bẫy” của Cty Phan Anh lên tới hàng chục người mỗi ngày. Chỉ một căn phòng rộng 15 m2, nhưng luôn tấp nập người đến nộp hồ sơ. Điều này khiến chúng tôi không khỏi đặt câu hỏi tại sao Cty này có sức hút đến như vậy?
Chúng tôi phát hiện ra ngoài Cty Phan Anh còn có rất nhiều Cty tuyển dụng ảo khác như Cty TNHH TMDV Sao Việt, Cty PLT, Cty Sản xuất Thương mại Thành Công, Cty TNHH TM Sản Xuất Gia Bảo… đều sử dụng những mánh khóe tương tự chiêu dụ người lao động.
Sau nhiều ngày miệt mài nộp hồ sơ, điều bất ngờ là những Cty trên đều chung một “ruột”. Chẳng hạn, Cty TNHH TMDV Sao Việt có địa chỉ tại đường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn, Bình Định, Cty PLT tại Hoàng Mai, Hà Nội, Cty TNHH TM Sản Xuất Gia Bảo tại Thanh Xuân, Hà Nội... nhưng chỉ cần liên hệ với bất kỳ một Cty nào nêu trên, PV đều được chỉ đến căn phòng ở số 48 đường Mỹ Đình, nơi mà Cty “ma” Phan Anh đang hoạt động.
Cơ quan chức năng chưa nhận được phản ánh
Theo phản ánh của một số lao động, thời gian gần đây, không ít trường hợp bị những “cò mồi” ở khu vực bến xe Mỹ Đình dụ đến các Cty tuyển dụng việc làm ảo. Những Cty này tập trung nhan nhản quanh khu vực Mỹ Đình, Hàm Nghi, Đình Thôn, Phạm Văn Đồng... và thường xuyên tung một lực lượng “cò mồi” hoạt động ở bến xe và các ngã tư để lôi kéo người cần việc làm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc bến xe Mỹ Đình thừa nhận có hiện tượng một số đối tượng “cò mồi” hoạt động xung quanh bến xe. Tuy nhiên theo ông Trúc, ở bến xe Mỹ Đình, chỉ có duy nhất một đơn vị giới thiệu việc làm được cấp phép hoạt động tại sảnh cửa trước bến xe, còn các đối tượng hoạt động bên ngoài đều là trái phép.
“Ở phía ngoài đường và trước cổng ra vào, chúng tôi vẫn thấy có một số đối tượng môi giới việc làm hoạt động lởn vởn. Tuy nhiên, Ban quản lý chưa tiếp nhận trường hợp nào bị lừa tiền phản ánh. Nếu có trường hợp như báo Tiền Phong nêu, chúng tôi sẽ đề nghị công an vào cuộc để xử lý những đối tượng này, tránh tình trạng mất trật tự ở khu vực bến xe”, ông Trúc cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Tứ, Trưởng công an phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) cho biết, hiện công an chưa nắm được thông tin sự việc như báo phản ánh. Tuy nhiên, nếu có đơn tố cáo của người lao động, công an phường sẽ tiến hành xác minh.