Dù là người mới ra trường hay người cũ muốn đổi sang công ty mới. Đều cần phải trải qua một "cửa ải" quan trọng, đó là phỏng vấn.
Nói khách quan, thông qua các câu hỏi bài bản hoặc bài test đơn giản trong thời gian ngắn, người phỏng vấn có thể đánh giá được năng lực cụ thể của từng ứng viên và đưa ra lựa chọn sáng suốt.
Nhưng những năm gần đây, những câu hỏi đại loại như:
"Bạn có thể tự giới thiệu về bản thân mình không?"
"Bạn nghĩ điểm mạnh lớn nhất trong tính cách của bạn là gì?"
"Trong năm năm tới, kế hoạch sự nghiệp của bạn ra sao?"
…
Các câu hỏi này đã gần như "phai dần" theo năm tháng. Thay vào đó là các câu hỏi "lắt léo" đòi hỏi kĩ năng EQ của ứng viên phải cao.
Một người bạn làm nhân sự của tôi từng chia sẻ, những câu hỏi thế này thường được đặt cuối cùng hòng kiểm tra khả năng tư duy và độ linh hoạt trong cách ứng xử của ứng viên, đồng thời cũng xem khả năng kiểm soát căng thẳng của bọn họ như thế nào?
Có lần, công ty cô ấy cần tuyển nhân viên mới cho bộ phận Marketing. Sau khi thảo luận cùng đồng nghiệp, cô ấy đã đặt ra câu hỏi:
"Ăn cắp là một việc làm xấu, luôn bị xã hội lên án. Sao chép tác phẩm cũng được xem là một hành vi ăn cắp chất xám của người khác. Vậy bạn có bao giờ sao chép tác phẩm của người khác chưa?"
Ứng viên đầu tiên nghe xong thì khá bối rối. Anh ta năm nay đã 30 tuổi, dĩ nhiên cũng có không ít lần phạm sai.
"Nhưng nếu nói thật thì sẽ rất mất mặt, còn bị đánh giá là tay chân không ‘sạch sẽ’. Công ty chắc chắn sẽ không muốn tuyển dụng người như vậy." Nghĩ thầm như thế, người đàn ông 30 tuổi đã điềm nhiên ngước nhìn hội đồng tuyển dụng và trả lời:
"Dĩ nhiên là không có. Tôi từng tốt nghiệp loại giỏi, có kinh nghiệm làm lâu năm ở công ty hàng đầu trong nước. Tất nhiên chưa bao giờ phải làm chuyện như thế."
Ba người nhân sự nghe xong liền gật đầu, người bạn tôi cũng lạnh nhạt lướt qua người thứ hai, không hỏi gì thêm.
Ứng viên thứ hai: "Khi còn học cấp hai, tôi từng chép bài tập làm văn của bạn trong giờ kiểm tra ở trường vì muốn được qua môn. Nhưng sau này kể từ khi đi làm tôi đã rất nghiêm túc. Hai năm làm việc vừa qua tôi có rất nhiều cống hiến cho công ty cũ."
Một trong số những người phỏng vấn gật đầu, tỏ ra hài lòng với sự thành thật của chàng trai này.
Đến ứng viên thứ ba, đó là một thanh niên trẻ, ra trường được ba năm. Trước đây từng làm việc ở một công ty tầm trung. Theo sơ yếu lí lịch là một người rất nhanh nhẹn và thông minh.
"Theo tôi, nếu đánh giá ở một mức độ nào đó, thì bất cứ ai trong số chúng ta đều đã và đang sao chép ‘tác phẩm’ của người khác. Thậm chí, chính ngài cũng đang sao chép".
Nghe câu trả lời này, các ứng viên cùng người phỏng vấn ở đó đều bị thu hút.
Thấy mọi người đều nhìn mình, người thanh niên 25 tuổi kia vẫn bình tĩnh cười giải thích tiếp:
"Khi chúng ta còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta ‘sao chép’ kiến thức trong sách vở vào đầu; dùng trích dẫn trong sách để làm các bài luận văn, báo cáo. Đến khi lớn hơn, thì sao chép con đường của những người thành công, đi theo đường lối mà họ đã đi sẵn.
Chúng ta thấy một trích dẫn hay, và chúng ta ‘sao chép’ đăng lên mạng xã hội.
Những hành vi ‘sao chép’ này không hẳn là xấu xa. Nó mang một ý nghĩa học hỏi và sao chép có chọn lọc.
Chúng ta phải biết cách ‘chắt lọc’ những ý tưởng phù hợp với bản thân từ những gì mà chúng ta ‘sao chép’ được. Như vậy sự "sao chép" mới mang lại giá trị cho chính mình và người khác."
Kết thúc cuộc phỏng vấn căng thẳng, quả nhiên với câu trả lời thông minh đó, người thứ ba đã được công ty nhận vào làm ngay lập tức.
Dù rất tiếc nuối, nhưng hai ứng viên còn lại cũng xem như đây là một bài học kinh nghiệm đáng để học hỏi.
Trên thực tế, mỗi khi tìm việc, ứng viên thường hay rơi vào trạng thái căng thẳng và dễ bị nhà tuyển dụng "dẫn dắt". Thế nên, những lúc này, bạn phải thực sự bình tĩnh, điều chỉnh tâm lý thật tốt trước khi trả lời.
(Sohu)