Tại Trung Quốc, những ngôi nhà trong diện giải tỏa nhưng lì lợm không chịu di dời bằng mọi giá luôn là vấn đề đau đầu của chính quyền. Tuy nhiên, trường hợp của gia đình ông Nhậm Kim Lĩnh ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam lại là một trường hợp đặc biệt. Sau nhiều năm thuyết phục ông Nhậm Kim Lĩnh chuyển đi để giải phóng mặt bằng, chuyên gia bất ngờ nhận ra đây là ngôi nhà không thể giải tỏa được.
Năm 2007, khi những người ở bộ phận phá dỡ tập trung trước cửa nhà, ông Nhậm Kim Lĩnh mang ghế ra ngồi trước bậc thềm, ngăn cản không cho bất cứ ai động vào cơ ngơi gìn giữ qua bao đời của mình. Sau đó, dù phía giải tỏa có đàm phán và đưa ra mức đền bù cao bao nhiêu, ông Nhậm vẫn nhất quyết không đồng ý.
Thời điểm đó, ngôi làng của ông Nhậm đang nằm trong diện quy hoạch để phát triển đô thị, nhiều người dân nhận được số tiền đền bù hợp lý đều muốn đội xây dựng nhanh chóng phá dỡ và xây dựng công trình mới. Lúc này, hành động của gia đình ông Nhậm được xem là cứng đầu và lì lợm, trở thành cái gai trong mắt những người xung quanh.
Sau khi biết được phí đền bù của nhà ông là 8 triệu nhân dân tệ (hơn 28 tỉ đồng), hầu hết còn cho rằng ông quá tham lam vì đây đã là mức đền bù cao nhất trong làng. Ngoài ra, nhà của ông Nhậm là một ngôi nhà xây từ xưa đã rất cũ kĩ, với mọi người, đây đã là một cuộc đàm phán quá hời cho gia đình ông.
Cuối cùng, sau thời gian dài giằng co qua lại vẫn không có kết quả, họ quyết định sẽ tiến hành phá dỡ những ngôi nhà đã nhận đền bù trước. Tiếng ầm ầm từ máy xúc, xe tải và gạch đã bị đập vỡ ngày ngày vang lên xung quanh như nhắc nhở, nhưng vẫn không hề lay chuyển được ông Nhậm.
Trên thực tế, lý do chính khiến ông Nhậm không muốn ngôi nhà này bị di dời hay dỡ bỏ là vì đây là tài sản do tổ tiên ông để lại, được gìn giữ qua nhiều đời. Tổ tiên của Nhậm Kim Lĩnh trước đây là một vị quan trong triều đình nhà Thanh, đồ vật trong nhà đều là những món đồ cổ có giá trị lớn về văn hóa và lịch sử. Dù hiện tại gia tộc đã không còn giàu có như thời xưa, nhưng ông chưa từng nghĩ đến việc bán đi bất cứ thứ gì.
Trong ngôi nhà cổ của ông Nhậm Kim Lĩnh lưu giữ nhiều bảo vật từ thời nhà Thanh
Tuy nhiên, công ty phá dỡ không hề quan tâm điều đó, việc giải tỏa vẫn tiến hành theo đúng tiến độ. Khi xung quanh đã không còn ngôi nhà nào, sắp sửa đến lượt nhà ông Nhậm bị phá dỡ, chính quyền đã cắt cả nguồn điện và nước của gia đình ông. Bên cạnh đó, vì xung quanh không còn khu dân cư và rất nhiều người vào ra các khu công trình, nhà Nhậm Kim Lĩnh thường xuyên bị trộm cắp.
Lúc này, ông Nhậm đã không thể chịu đựng được nữa, nhưng lại không thể để cơ ngơi của gia tộc bị phá hủy, ông đành phải đi tìm sự giúp đỡ. Người đàn ông ngoài 60 tuổi đã mời các chuyên gia của Trung tâm Giám định Di tích Văn hóa đến thẩm định ngôi nhà của mình.
Ngay khi vừa đến nơi, chuyên gia đã phải dừng chân để đọc kĩ bức hoành phi treo trước cửa có 4 chữ lớn: "Chính quốc dực phụ" (phò tá xây dựng quốc gia) và bên cạnh có thêm dòng chữ "Thiên tử vạn năm". Được biết, đây là món quà được vua Đạo Quang của nhà Thanh ban tặng.
Các chuyên gia có mặt đều rất ngạc nhiên khi thấy trong ngôi làng này lại có một dinh thự cổ như vậy. Sau khi vào trong, họ còn được chứng kiến thêm rất nhiều cổ vật quý, thậm chí cả trang phục của vị quan thời nhà Thanh được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Họ nhanh chóng báo cáo tình hình cho Cục Di tích Văn hóa và tuyên bố không thể phá dỡ ngôi nhà này được.
Sau 2 năm phối hợp với các chuyên gia để xin được bảo tồn địa điểm này, ngôi nhà cổ của Nhậm Kim Lĩnh đã thành công được đưa vào đơn vị bảo vệ trọng điểm quốc gia của địa phương. Đây là kết quả mà Nhậm Kim Lĩnh muốn nhìn thấy nhất, sau khi dành gần cả cuộc đời để cố gắng bảo tồn các di tích và hiện vật lịch sử.
Khi sự việc được các phương tiện truyền thông đưa tin, những người trước đây lên tiếng chỉ trích mới thấu hiểu lý do Nhậm Kim Lĩnh không chịu phá dỡ căn nhà. Nỗ lực bảo vệ của ông cũng được các chuyên gia và nhà nước Trung Quốc công nhận.
Vào năm 2017, tòa nhà này đã nhận được tài trợ của chính phủ và đã được nâng cấp từ đơn vị được bảo vệ thành một viện bảo tàng với cái tên "Trịnh Châu Thiên Tường". Đồng thời, ông Nhậm Kim Lĩnh được giao cho giữ chức quản lý bảo tàng để tiếp tục bảo vệ các di tích văn hóa.
Theo: Baijiahao