Đừng nghĩ "ngồi chơi game hái ra tiền", trước khi kiếm vài tỷ mỗi giải đấu, tuyển thủ eSports phải trải qua rất nhiều áp lực ít ai biết tới

NgocLong, Theo Trí Thức Trẻ 06:35 14/07/2021

Đâu phải làm tuyển thủ eSports cứ ngồi im chơi game rồi kiếm ra tiền?

Trong mắt nhiều người, game hay eSports bấy lâu nay chỉ là công cụ giải trí đơn thuần, không mang lại nhiều giá trị cho người chơi, đặc biệt là giá trị kinh tế. Thế nhưng, từ khi "cơn sốt" eSports nở rộ trên toàn thế giới, hình ảnh những tuyển thủ ngồi trước màn hình điện thoại, máy tính thi đấu cho cả triệu khán giả theo dõi đã dần trở nên phổ biến và được tôn trọng.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người cho rằng làm vận động viên eSports vô cùng đơn giản, chỉ cần ngồi chơi game và lấy tiền. Cùng tìm hiểu xem điều đó có chính xác không nhé!

Việc đầu tiên, trình đặc biệt cao là bắt buộc rồi. Muốn là tuyển thủ eSports chuyên nghiệp bạn phải luôn là top giỏi nhất của những người giỏi nhất. Ngoài ra còn nhiều điều khác:

Áp lực dư luận

Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, chỉ cần hành động sai của bạn cũng có thể bị lan truyền và nhận vô vàn chỉ trích. Các vận động viên eSports cũng như vậy, khi thi đấu trong màu áo các đội tuyển, mọi ánh mắt của người hâm mộ đều dồn về những tuyển thủ, kể cả khi họ thành công hay thất bại.

Đừng nghĩ ngồi chơi game hái ra tiền, trước khi kiếm vài tỷ mỗi giải đấu, tuyển thủ eSports phải trải qua rất nhiều áp lực ít ai biết tới - Ảnh 1.

Team Flash Liên Quân Mobile là ví dụ điển hình. Còn nhớ vào những năm 2018, 2019, Team Flash tạo chuỗi 4 lần vô địch ĐTDV, sau đó là 2 lần lên ngôi tại AWC và AIC 2019. Tại thời điểm đó, Team Flash hay các tuyển thủ được tung hô là người hùng. Thế nhưng, khi phong độ đi xuống, đỉnh điểm là mới đây, đội tuyển này đã dừng chân ngay tại vòng bảng AWC 2021, rất nhiều những bình luận tiêu cực đã nhắm đến các tuyển thủ.

"Flash hết thời."

"Đánh kém thì nghỉ đi."

"Chơi như thế bị chửi là đúng rồi."

Những áp lực qua mạng xã hội, qua những dòng tin nhắn dù không trực tiếp nhưng đã tạo ra sức ép "khổng lồ" lên các chàng trai. Thậm chí, đội trưởng Team Flash - Gấu lúc đó phải ngậm ngùi chia sẻ: "Áp lực lắm, thắng có khi còn bị chửi nữa là thua".

Đừng nghĩ ngồi chơi game hái ra tiền, trước khi kiếm vài tỷ mỗi giải đấu, tuyển thủ eSports phải trải qua rất nhiều áp lực ít ai biết tới - Ảnh 2.

Áp lực là điều quen thuộc với các game thủ chuyên nghiệp

Không giống như chúng ta có thể dễ dàng tự an ủi "thua thì thôi", các tuyển thủ chơi game còn mang theo áp lực bị chỉ trích, bị phê bình… Chính điều này đã khiến cho mỗi trận đấu của họ đều phải tập trung cao độ và bỏ qua suy nghĩ "chơi để vui".

Tiền lương/tiền thưởng

Nếu như chỉ nhìn từ ngoài vào, sẽ thật khó để xác định được lương của các tuyển thủ eSports - những người chỉ ngồi tập luyện chơi game hàng ngày. Thật vậy, nếu như không thuộc biên chế của các tổ chức eSports uy tín hay quy mô, các tuyển thủ sẽ không nhận được tiền lương cao như nhiều người hay thường nghĩ.

Bé Chanh là ví dụ. Khi còn thi đấu cho GameTV ở bộ môn Liên Quân Mobile, Bé Chanh đã tỏa sáng rực rỡ để mang lại chức vô địch ĐTDV mùa Đông 2017. Mặc dù vậy, chàng streamer sau này cũng chia sẻ ngày đó lương của các tuyển thủ khá "bèo bọt".

Không bao gồm tiền sinh hoạt, ăn, ở, mỗi tháng Bé Chanh chỉ nhận được 2,7 triệu đồng tiền lương, một con số theo anh thì vô cùng đáng buồn với nhà đương kim vô địch, đó là chưa kể cả Team GameTV còn phải sống chung với nhau trong căn hộ vô cùng nhỏ, thiếu thốn đủ điều.

Đừng nghĩ ngồi chơi game hái ra tiền, trước khi kiếm vài tỷ mỗi giải đấu, tuyển thủ eSports phải trải qua rất nhiều áp lực ít ai biết tới - Ảnh 3.

GTV và đội hình "toàn sao" ngày đó

Thậm chí, không phải các tuyển thủ cứ đầu quân cho tổ chức uy tín là có thể yên tâm luyện tập. Những tài năng trẻ hoặc ngay cả những "lão làng" vẫn rất dễ dàng bị các đối tượng lừa gạt, nợ lương.

Câu chuyện về Lowkey Esports cũng là ví dụ. Vào đầu năm 2020, tổ chức "tai to mặt lớn" này đã khiến cộng đồng LMHT sốc không nói thành lời khi chính thức thừa nhận đang nợ lương của các tuyển thủ eSports trên toàn thế giới. Đặc biệt số tiền nợ ở Việt Nam là hơn 65.000 USD (sau này đính chính lại là đã gửi trước một phần, chỉ còn nợ hơn 57.000 USD, tức khoảng hơn 1,3 tỷ đồng), trong số đó gần 50% thuộc về các tuyển thủ LMHT Lowkey Esports.

Trước đó, tập thể Lowkey Esports đã từng ghi dấu ấn mạnh trong lòng người hâm mộ LMHT nước nhà khi xuất sắc tiến đến CKTG và là đội tuyển VN đầu tiên đánh bại được một đại diện đến từ khu vực LCK (Hàn Quốc). Dù đạt được những thành tích to lớn là vậy thế nhưng các tuyển thủ trẻ lại không nhận được phần thưởng xứng đáng.

Đừng nghĩ ngồi chơi game hái ra tiền, trước khi kiếm vài tỷ mỗi giải đấu, tuyển thủ eSports phải trải qua rất nhiều áp lực ít ai biết tới - Ảnh 4.

Số tiền nợ của Lowkey Esports theo từng khu vực

Đừng nghĩ ngồi chơi game hái ra tiền, trước khi kiếm vài tỷ mỗi giải đấu, tuyển thủ eSports phải trải qua rất nhiều áp lực ít ai biết tới - Ảnh 5.

Dàn tuyển thủ LMHT tài năng trong màu áo Lowkey Esports

Đối với những tuyển thủ eSports bước ra từ các quán net nhỏ hay giải đấu cộng đồng thì số tiền 1,3 tỷ đồng vô cùng lớn, đặc biệt là với công sức họ đã phải bỏ ra trong suốt mùa giải.

Tương tự, GAM Esports cũng có những lùm xùm về nợ lương các cựu tuyển thủ như Zeros, Slay, Dia1... suốt thời gian dài.

Nói về vấn đề này, Thầy giáo Ba cũng từng chia sẻ: "Chúng nó đi làm tuyển thủ đa phần đều mới học hết lớp 12, được mấy đứa đậu được đại học. Chúng nó còn quá trẻ, đâu có biết gì về hợp đồng các thứ đâu, chỉ biết mỗi chơi game, khi nào tới tháng nhận lương thì lấy thôi, không trả cho chúng nó thì tụi nhỏ cũng đâu có cách nào".

Đừng nghĩ ngồi chơi game hái ra tiền, trước khi kiếm vài tỷ mỗi giải đấu, tuyển thủ eSports phải trải qua rất nhiều áp lực ít ai biết tới - Ảnh 6.

Thầy giáo Ba tiếc nuối cho những người học trò

Cường độ luyện tập cao

Nếu như chúng ta chỉ chơi game vào những lúc rảnh rỗi thì các tuyển thủ eSports dành phần lớn thời gian trong ngày để luyện tập.

Theo như nhiều quản lý trong các đội tuyển eSports chia sẻ, các tuyển thủ sẽ thường luyện tập từ sáng đến tối, thậm chí là cả đêm nếu như hôm đó sắp xếp được lịch đấu tập với các đội tuyển khác. Đó là chưa kể nếu như các tuyển thủ nổi tiếng may mắn được ký hợp đồng livestream, hợp đồng quảng cáo thì họ sẽ phải dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động bên lề.

Đừng nghĩ ngồi chơi game hái ra tiền, trước khi kiếm vài tỷ mỗi giải đấu, tuyển thủ eSports phải trải qua rất nhiều áp lực ít ai biết tới - Ảnh 7.

"Huyền thoại Trung Quốc" - Uzi giải nghệ vì chấn thương và căn bệnh tiểu đường

Với một cường độ luyện tập và sinh hoạt dày đặc như vậy, các tuyển thủ sẽ rất dễ gặp chấn thương hoặc các vấn đề về sức khỏe. Tại Việt Nam có thể kể đến cựu thành viên GAM - Archie.

Đã có những lúc "lão tướng" của làng LMHT Việt Nam phải nghỉ thi đấu để điều trị bệnh Gout do chế độ ăn uống và luyện tập không điều độ. Cũng từ sau giai đoạn đó mà chàng "Muội Mập" đã lui về phía sau để làm công tác huấn luyện, hướng dẫn cho tuyển thủ trẻ vì không đảm bảo được sức khỏe và sức bền trong quá trình luyện tập.

Đừng nghĩ ngồi chơi game hái ra tiền, trước khi kiếm vài tỷ mỗi giải đấu, tuyển thủ eSports phải trải qua rất nhiều áp lực ít ai biết tới - Ảnh 8.

Khoảng thời gian Archie phải nhập viện khiến các fan tiếc nuối

Hiện tại, các tổ chức eSports cũng đang dần chú trọng vào chế độ ăn uống, thời gian thi đấu, luyện tập. Đây là tín hiệu rất tốt với các tuyển thủ nói riêng và nền eSports Việt Nam nói chung để đảm bảo sự phát triển ổn định, chuyên nghiệp.

Có thể thấy, công việc nào cũng có những khó khăn riêng và thi đấu eSports chuyên nghiệp không phải ngoại lệ. Để có thể tự tin tỏa sáng trước hàng triệu người hâm mộ và nâng cao chiếc cúp vô địch, các tuyển thủ đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách mà ta thường không thấy được.

Mong rằng mọi người sẽ dần có cái nhìn tôn trọng hơn dành cho tuyển thủ eSports, rằng họ không phải là những người "ngồi mát ăn bát vàng" hay "nằm chơi game tiền cũng tới".

Ảnh: Internet