Màng bọc thực phẩm từ lâu đã trở thành vật dụng quen thuộc trong căn bếp mỗi gia đình. Từ bọc rau củ, thịt cá cho đến phủ lên thức ăn thừa hay cơm hộp mang đi làm..., vì sự tiện lợi, sạch sẽ nên màng bọc thực phẩm được rất nhiều người sử dụng hàng ngày. Thế nhưng, chính sự quen thuộc đã khiến nhiều người vô tình bỏ qua những nguy cơ tiềm ẩn mà sản phẩm này mang lại cho sức khỏe.
Theo 2 nghiên cứu U.S. FDA – Food Contact Substance Notification No. 213 và European Food Safety Authority từ Tạp chí Khoa học EFSA Journal, phần lớn màng bọc thực phẩm hiện nay được làm từ 2 loại nhựa: PE (polyethylene) và PVC (polyvinyl chloride). Trong đó, PVC được sử dụng phổ biến hơn vì có độ dẻo, bám tốt và giá thành rẻ. Tuy nhiên, để tạo ra đặc tính dẻo này, nhà sản xuất phải thêm vào một lượng chất hóa dẻo, thường là phthalates hoặc DEHA (diethylhexyl adipate).
Đây chính là điểm đáng lo. Các chất hóa dẻo này không liên kết bền vững với nhựa nên có thể tách ra và xâm nhập vào thực phẩm khi gặp nhiệt độ cao, dầu mỡ hoặc thời gian tiếp xúc lâu dài. Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), phthalates và DEHA có khả năng gây rối loạn nội tiết, tổn thương gan – thận, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và làm tăng nguy cơ ung thư nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể.
Dùng màng bọc thực phẩm sai cách: "Mở cửa" cho hóa chất độc xâm nhập cơ thể
Một trong những sai lầm phổ biến nhất là bọc thực phẩm khi còn nóng. Nhiều người có thói quen vừa nấu xong là lập tức dùng màng bọc phủ lên để giữ ấm và tránh bay mùi. Tuy nhiên, nhiệt độ cao trên 100 độ C sẽ khiến màng PVC giải phóng các chất hóa dẻo - vốn rất dễ ngấm vào thức ăn, đặc biệt là những món nhiều dầu mỡ. Các phân tử chất béo có xu hướng "hút" DEHA mạnh hơn, làm tăng mức độ thôi nhiễm hóa chất.
Bên cạnh đó, việc cho thức ăn đã bọc màng vào lò vi sóng để hâm nóng cũng là một sai lầm nghiêm trọng. Nhiệt độ trong lò khiến màng bọc không chỉ biến dạng mà còn giải phóng các hợp chất bay hơi có khả năng ngấm ngược vào đồ ăn. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc gia Pháp về An toàn Thực phẩm (ANSES) đã cảnh báo rằng việc hâm nóng màng PVC trong lò vi sóng có thể làm tăng gấp 3 lượng DEHA nhiễm vào thực phẩm so với bảo quản lạnh thông thường.
Không chỉ ở nhiệt độ cao, thực phẩm chứa nhiều chất béo như xúc xích, phô mai, thịt nguội... khi tiếp xúc lâu dài với màng PVC - ngay cả trong điều kiện tủ lạnh - cũng có thể làm hóa chất thẩm thấu vào đồ ăn. Theo Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA), việc bảo quản thực phẩm nhiều mỡ bằng màng bọc PVC trong 2–3 ngày có thể khiến lượng DEHA vượt ngưỡng an toàn.
Nguy cơ bệnh tật âm thầm tích tụ trong cơ thể
Bạn sẽ không thấy cơ thể phản ứng ngay sau khi ăn một miếng thức ăn dính DEHA hay phthalates. Nhưng độc tố từ nhựa không "biến mất" sau một bữa ăn, chúng tích tụ dần trong gan, thận, mô mỡ và máu, tạo thành mối đe dọa lâu dài. Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê phthalates vào nhóm “rối loạn nội tiết nguy hiểm”, có thể gây vô sinh, rối loạn dậy thì, tăng tỷ lệ sảy thai và ảnh hưởng đến phát triển thần kinh ở thai nhi.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai và trẻ em là nhóm nhạy cảm nhất. Trong một nghiên cứu công bố trên Environmental Health Perspectives, các bé trai có mức phthalates cao trong cơ thể mẹ khi mang thai có nguy cơ bị rối loạn nội tiết và giảm nồng độ testosterone sau sinh.
Đừng để “bạn thân nhà bếp” thành thủ phạm sức khỏe
Có một nghịch lý là chúng ta dùng màng bọc để giữ thực phẩm sạch sẽ hơn, nhưng lại vô tình tiếp tay cho hóa chất độc "lén lút" xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy, điều quan trọng là cần thay đổi thói quen sử dụng món đồ này.
Trước tiên, tuyệt đối không dùng màng bọc thực phẩm để phủ lên món ăn khi còn nóng. Hãy đợi thức ăn nguội hẳn rồi mới bọc. Ngoài ra, tránh sử dụng màng PVC cho các món nhiều dầu mỡ, dù là để trong tủ lạnh. Nếu cần hâm nóng, hãy chuyển thực phẩm sang hộp thủy tinh hoặc bát gốm, đậy bằng nắp chịu nhiệt, tuyệt đối không cho màng bọc vào lò vi sóng.
Bên cạnh đó, bạn nên chọn các loại màng bọc làm từ nhựa PE – loại nhựa không cần dùng chất hóa dẻo nên an toàn hơn nhiều. PE không dính tốt như PVC, nhưng lại có khả năng chịu nhiệt nhẹ và không phát tán độc tố khi gặp nóng.
Một lựa chọn thân thiện và ngày càng phổ biến hiện nay là giấy bọc thực phẩm sáp ong (beeswax wrap). Đây là sản phẩm tái sử dụng, không chứa hóa chất độc, vừa bảo vệ sức khỏe vừa giảm thiểu rác nhựa ra môi trường mà cũng hiệu quả không kém màng bọc thực phẩm thông thường.
Gợi ý nơi mua giấy bọc thực phẩm sáp ong:
Nơi mua: Shopee
Nguồn: Tổng hợp