Đừng để con bạn vật vã mấy chục năm, trở thành người có trình độ học vấn cao nhưng thảm hại như hôm nay!

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ số 10:09 04/07/2025
Chia sẻ

"Sự khôn ngoan trong cách dạy con của cha mẹ, quyết định hình hài của con sau 20 năm".

"Giá như tôi không học đại học thì tốt biết mấy, có lẽ tôi sẽ cảm thấy yên tâm mà buông xuôi, hoặc ít ra sẽ không quá thất vọng về chính mình" - đây là lời chia sẻ của một thạc sĩ tốt nghiệp trường 985 (đai học trọng điểm ở Trung Quốc), khiến nhiều người trăn trở.

Từ một cô bé vùng quê chỉ biết học và thi để đổi đời, nữ thạc sĩ này chạm tay vào giấc mơ đỗ đại học danh giá. Nhưng ánh hào quang ấy vụt tắt nhanh chóng khi vào đại học, cô nhận ra mình chỉ là một học sinh "học vẹt", lạc lõng giữa những bạn bè xuất sắc.

Tốt nghiệp, cô gửi hơn 100 đơn xin việc, cuối cùng chấp nhận mức lương 4.000 tệ/tháng ở quê nhà. Mười mấy năm đèn sách, đổi lại là một công việc vất vả như bao người khác.

Câu chuyện của cô đại diện cho một lớp người được gọi là "người nghèo có trình độ học vấn cao" có học vị nhưng không có thu nhập tương xứng. Không ít sinh viên trường top, sau khi ra trường lại làm công nhân, shipper, hay thất nghiệp dài hạn.

Đừng để con bạn vật vã mấy chục năm, trở thành người có trình độ học vấn cao nhưng thảm hại như hôm nay!- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Vì sao học sinh giỏi lại dễ thất bại trong đời sống?

Trong show truyền hình Offer 4 của Trung Quốc, thạc sĩ Đại học Thanh Hoa Nhậm Nhược Dương gây tranh cãi vì EQ thấp: ngồi vào ghế lãnh đạo không được phép, "nghe trộm" khi nhóm khác họp, làm việc không đúng yêu cầu, thiếu hợp tác… Kết quả, dù học lực cao, anh vẫn bị đánh giá thấp.

Vấn đề nằm ở chỗ: Học vấn cao không đồng nghĩa với năng lực xã hội tốt. Khi trẻ chỉ biết học, thiếu kỹ năng thích nghi, bị đào thải là điều dễ hiểu. Như trường hợp Trì Kha – học bá từ nhỏ, sống trong khuôn khổ cha mẹ đặt ra, bị cô lập khỏi các hoạt động xã hội. Khi bước ra đời, anh không thể hòa nhập, liên tục thất bại và rơi vào trầm cảm.

Các chuyên gia giáo dục từng nhận định: Trường học và xã hội là hai sân chơi khác biệt. Trong khi trường học tôn sùng điểm số, thì xã hội đòi hỏi kỹ năng tổng hợp. Nếu chỉ chú trọng thành tích, cha mẹ đang đẩy con vào nguy cơ mất phương hướng.

Giáo dục không thể chỉ dừng ở việc nuôi dạy một “học sinh giỏi”. Muốn con thành công bền vững, cần trang bị cho con bốn nền tảng quan trọng:

1. Thể chất khỏe mạnh 

Dù thành tích tốt đến đâu mà sức khỏe yếu, mọi nỗ lực cũng trở thành vô nghĩa. Nhiều học sinh hiện nay gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng vì ngồi học quá nhiều, thiếu vận động. Cha mẹ cần nhớ: nuôi con không phải nuôi một “cỗ máy học tập”, mà là nuôi một con người toàn diện.

2. Khả năng học hỏi suốt đời 

Trong xã hội liên tục biến đổi, bằng cấp có thể mất giá, nhưng khả năng học hỏi sẽ giúp con thích ứng và phát triển. Đừng dạy con học để thi, mà hãy dạy con biết tư duy, phân tích và khám phá. Tự học là vũ khí bền vững nhất.

3. Kỹ năng giao tiếp xã hội 

Trẻ không biết giao tiếp sẽ khó hòa nhập và dễ thất bại. Giao tiếp tốt tạo ra cơ hội, kết nối và hợp tác. Cha mẹ nên khuyến khích con bày tỏ cảm xúc, biết lắng nghe, thấu hiểu và ứng xử khéo léo.

4. Mục tiêu dài hạn 

Trẻ không có mục tiêu sống rõ ràng thường rơi vào cảm giác mông lung, chán nản. Ngược lại, người có khát vọng và mục tiêu sẽ có động lực bền bỉ vượt qua khó khăn. Cha mẹ nên giúp con định hướng và theo đuổi giấc mơ của riêng mình.

Một chuyên gia giáo dục nổi tiếng từng nói: “Cách cha mẹ dạy con hôm nay, sẽ quyết định hình hài của con sau 20 năm nữa”.

Điểm số là nhất thời, tương lai mới là vĩnh cửu. Thay vì chạy đua học hành, hãy cùng con vun đắp thể chất, trí tuệ, cảm xúc và định hướng sống. Đó mới là tấm vé giúp con chiến thắng lâu dài trong hành trình cuộc đời.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày