Đôi khi, một vài người bạn nhờ tôi giúp một vài vấn đề trên thế giới, bằng cách sử dụng một “quyền năng phép thuật” nào đó. Tôi luôn nói với họ rằng Đạt Lai Lạt Ma không có phép thuật. Nếu tôi sở hữu nó, có lẽ tôi sẽ không bị đau chân, hay đau họng nữa. Chúng ta đều là nhân sinh, và chúng ta cùng phải trải qua những nỗi sợ hãi, những niềm hy vọng, hay những sự hồ nghi giống nhau.
Dưới góc nhìn của Phật Giáo, mọi chúng sinh đều sống trong bể khổ và bị ràng buộc bởi sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng nhân loại được ban cho khả năng dùng trí óc để chinh phục cơn giận, nỗi sợ hay lòng tham. Trong những năm gần đây, tôi đã nhấn mạnh về việc “giải giới cảm xúc”. Nó có nghĩa là: hãy nhìn sự vật thật thực tế và thấu đáo, không để cơn giận hay nỗi sợ che mắt. Nếu một vấn đề có thể được giải quyết, chúng ta phải làm việc để đưa ra giải pháp; còn nếu không, đừng tốn thời gian suy nghĩ về nó nữa.
Phật Giáo tin rằng cả thế giới này có sự tương quan với nhau. Đó là lý do vì sao tôi hay nói về trách nhiệm với cộng đồng. Sự bùng nổ của đại dịch coronavirus đã cho chúng ta thấy rằng điều xảy ra với một cá nhân có thể nhanh chóng lan rộng và ảnh hưởng đến nhiều cá nhân khác. Nhưng nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng lòng từ bi hay những hành động góp nhặt - dù là khi bạn làm việc trong bệnh viện, hay tuân thủ cách ly xã hội - đều có giúp ích rất nhiều.
Kể từ khi tin đại dịch coronavirus bùng phát ở Vũ Hán, tôi đã cầu nguyện cho những người dân ở Trung Quốc và mọi nơi trên thế giới. Giờ đây, chúng ta có thể thấy được rằng chẳng ai miễn nhiễm với loại virus này cả. Chúng ta đều đang lo lắng cho người thân, và cho tương lai của chúng ta, cả về khía cạnh kinh tế toàn cầu hay cá nhân gia đình. Nhưng, những lời nguyện cầu là chưa đủ.
Cuộc khủng hoảng này đã buộc chúng ta sống có trách nhiệm mọi lúc có thể. Chúng ta phải biết ơn những y bác sĩ dũng cảm, cùng nền khoa học thực tiễn đang ngày ngày nỗ lực để xoay chuyển tình hình và bảo vệ tương lai của chúng ta khỏi mối hiểm họa này.
Trong thời kỳ đáng sợ này, điều quan trọng là chúng ta phải nghĩ về những thách thức và tương lai dài hạn của hành tinh. Những bức ảnh chụp từ vũ trụ đã cho ta thấy rõ ràng rằng không có bất kì ranh giới thực sự nào trên hành tinh xanh cả. Vì thế, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm chăm sóc nó, ngăn chặn sự biến đổi khí hậu và những mầm mống hủy diệt khác. Đại dịch lần này như một lời cảnh báo rằng chỉ khi toàn thế giới cùng chung tay nhau, chúng ta mới có thể đối mặt với những thách thức khác lớn hơn trong tương lai.
Chúng ta cũng phải nhớ rằng không ai trong chúng ta nằm ngoài bể khổ, vì thế hãy dang rộng vòng tay với những cảnh người thiếu thốn nhà cửa, mái ấm gia đình, hay nguồn lực để bảo vệ họ. Cuộc khủng hoảng đã cho chúng ta thấy rằng chúng ta không tách biệt khỏi bất kỳ ai - ngay cả khi chúng ta cách nhau rất xa. Vì vậy, chúng ta đều có cùng một nghĩa vụ ban phát lòng từ bi và sự giúp đỡ.
Là một người của Phật Giáo, tôi tin vào thuyết vô thường. Rốt cuộc, đại dịch này rồi cũng sẽ trôi qua thôi, như những cuộc chiến tranh, hay những hiểm họa khủng khiếp khác đã trôi qua trong dòng đời, và chúng ta rồi sẽ có cơ hội xây dựng lại cộng đồng như cách chúng ta đã từng làm nhiều lần trước đây. Tôi hy vọng rằng mọi người sẽ luôn an toàn và bình tĩnh. Trong khoảng thời gian đầy biến động này, điều quan trọng là không được đánh mất hy vọng và sự tin tưởng vào những nỗ lực đóng góp từ vô số con người.