Ung thư cổ tử cung ở nữ giới là căn bệnh ung thư liên quan đến HPV phổ biến mà nhiều người nghĩ đến. Trên thế giới ghi nhận, 99% trường hợp ung thư cổ tử cung liên quan đến vi rút HPV. (1)
Tuy nhiên, HPV gây bệnh cho nữ giới chỉ là một nửa sự thật mà mọi người thường biết, một nửa sự thật còn lại theo chia sẻ của chuyên gia y tế: HPV có hơn 100 chủng khác nhau, trong đó 14 trong số 40 chủng lây truyền qua đường tình dục có nguy cơ cao và có thể gây tổn thương tiền ung thư, ung thư cổ tử cung (UTCTC), ung thư hậu môn, ung thư các bộ phận sinh dục khác và ung thư ngoài đường sinh dục như ung thư hầu họng và mụn cóc sinh dục. (3) Cụ thể, ở nam giới, chủng HPV 16 và 18 có khả năng gây ra ung thư dương vật và bệnh này có thể được chữa khỏi, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến ung thư tiến triển và di căn, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ còn 9%. (4)
HPV chủ yếu lây nhiễm qua quan hệ và tiếp xúc tình dục. Tuy nhiên, quan hệ tình dục an toàn với bao cao su không bảo vệ hoàn toàn khỏi vi rút HPV. Vi rút này vẫn có thể lây nhiễm bằng con đường gián tiếp khác như sử dụng chung các vật dụng tiếp xúc trực tiếp với bộ phận sinh dục, dụng cụ y tế…
Trong năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra Chiến lược Toàn cầu với mục tiêu đẩy nhanh việc loại bỏ ung thư cổ tử cung như một vấn đề y tế cộng đồng vào năm 2030, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bao phủ với tỷ lệ cao vắc xin phòng ngừa HPV, đảm bảo tầm soát phát hiện sớm và điều trị thích hợp. Các mục tiêu cụ thể như 90% nữ giới cần tiêm vắc xin, 70% phụ nữ được sàng lọc bằng phương pháp thử nghiệm có độ nhạy cao ít nhất 1 lần ở tuổi 35 và một lần nữa ở tuổi 45, 90% phụ nữ được điều trị khi có chẩn đoán mắc tổn thương tiền ung thư hay ung thư cổ tử cung. (8)
Tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin ngừa HPV ở trẻ thiếu niên cũng được WHO và Ủy ban Tư vấn về Thực hành Chủng ngừa (ACIP) Hoa Kỳ nhấn mạnh. (9)
Không chỉ gây ra ung thư cổ tử cung ở nữ giới, vi rút HPV còn là nguyên nhân của nhiều ung thư nguy hiểm ở nam giới như ung thư hầu họng, hậu môn, dương vật và mụn cóc sinh dục. Tại Hoa Kỳ, số ca ung thư hầu họng liên quan đến HPV ở nam giới đã tăng gấp đôi từ năm 1999 đến năm 2015. (11)
Độ lưu hành HPV sinh dục ở nam cao hơn nữ ở mọi lứa tuổi & nhìn chung không giảm theo tuổi. 91% nam giới có quan hệ tình dục có nguy cơ nhiễm HPV sinh dục trong suốt cuộc đời. Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV không có triệu chứng cụ thể, vì thế, rất khó để biết được bản thân có đang nhiễm hay không và đôi khi vô tình người nhiễm sẽ lây HPV cho bạn tình hoặc bạn đời của mình.
Các xét nghiệm HPV không được khuyến khích hoặc chấp thuận sử dụng ở nam giới hoặc thanh thiếu niên hoặc tại các vị trí giải phẫu khác ngoài cổ tử cung (10), các loại ung thư khác liên quan HPV như: ung thư dương vật, âm hộ, âm đạo, hậu môn hay hầu họng… vẫn chưa có các khuyến cáo tầm soát. Các loại ung thư này thường diễn tiến âm thầm, không được phát hiện cho đến khi bắt đầu có triệu chứng và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Do đó, tăng cường hiểu biết của cộng đồng về vắc xin ở cả hai phái giúp cộng đồng chọn lựa quyết định dự phòng phù hợp, từ đó làm giảm gánh nặng bệnh tật do ung thư và các bệnh liên quan đến HPV, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh. Bé trai và bé gái có cơ hội chọn 1 trong 2 cách dự phòng sớm bằng tiêm chủng phòng HPV để dự phòng các bệnh lý nghiêm trọng trong tương lai. Phụ nữ từ 25 tuổi khi đã có quan hệ tình dục hãy chủ động tìm hiểu về dự phòng HPV và tầm soát định kỳ để phòng ngừa các bệnh lý ung thư nguy hiểm do HPV gây ra.
Nội dung này do Hội Y học Dự phòng Việt Nam cung cấp và được MSD tài trợ vì mục đích giáo dục.
VN-GSL-00034 16052024
Tài liệu tham khảo:
(1) Markowitz LE et.al, Human Papillomavirus Vaccination: Recommendations of the Advisory Committee on Immunization Practices (ACIP). MMWR RecommRep. 2014 Aug 29;63(RR-05):1-30.
(2) https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheets.pdf. Accessed on 11 Jan 2022.
(3) IARC. IARC monographs on the evaluation of carcinogenic risks to humans. Human papillomaviruses. Vol 90. Lyon, France: IARC, 2007.
(4) https://www.cancer.net/cancer-types/penile-cancer. Accessed on April 24.
(5) https://hpvcentre.net/statistics/reports/VNM.pdf. Accessed on April 24.
(6) Chesson HW, Dunne EF, Hariri S, Markowitz LE. The estimated lifetime probability of acquiring human papillomavirus in the United States. Sex Transm Dis. 2014 Nov;41(11):660-4. doi: 10.1097/OLQ.0000000000000193. PMID: 25299412; PMCID: PMC6745688.
(7) Elfstrom KM et al. J Infect Dis. 2016;213:199-205.
(8) Global strategy to accelerate the elimination of cervical cancer as a public health problem. Geneva: World Health Organization; 2020.
(9) https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/human-papillomavirus-(hpv)-and-cervical-cancer. Accessed on April 22.
(10) Markowitz LE et.al, Human Papillomavirus Vaccination: Recommendations of the Advisory Committee on Immunization Practices (ACIP). MMWR RecommRep. 2014 Aug 29;63(RR-05):1-30.
(11) Chaturvedi AK et al. J Clin Oncol. 2011;29:4294-4301.