Du lịch theo "rì viu"

Diệp Anh, Theo Tiền Phong 09:33 25/07/2022

Những năm gần đây, mỗi lần đi du lịch, mọi người thường có thói quen lên mạng đọc các bài rì viu (giới thiệu, đánh giá) về địa điểm mình chuẩn bị đến. Qua đó, rất nhiều thông tin từ ăn gì, nghỉ ở đâu, vui chơi thế nào được chia sẻ đầy đủ, kèm hình ảnh lung linh, hoành tráng.

Đi chơi theo gợi ý của người khác

Để bù đắp 2 năm ở nhà tránh dịch COVID, chị Hồng Linh (27 tuổi, Hà Nội) và nhóm bạn thân quyết định sẽ đi chơi một chuyến thật vui vẻ, thoải mái. Sau khi tham khảo các trang giới thiệu, các hội nhóm du lịch trên mạng, chị Linh quyết định chọn Hội An, dù giá vé đang cao ngất ngưởng.

Du lịch theo rì viu - Ảnh 1.

Gia đình chị Trần Trang thường xuyên đi cắm trại ở những địa điểm thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, ít người đến

“Đọc những bài rì viu hấp dẫn, những bức ảnh sống ảo đẹp lung linh, phong cảnh yên bình, thư thái… bọn mình đã rất háo hức, mong chờ. Vào đến nơi, thời tiết khá nắng nóng. Khi đến khách sạn nơi cả nhóm đặt phòng, cảm giác đầu tiên là hụt hẫng vì không hề hoành tráng, sang chảnh như ảnh trên mạng. Có thể do người ta chụp ảnh bằng góc máy rộng nên nhìn khách sạn rất to rộng, còn ở ngoài thì khá bình thường. Bể bơi cũng nhỏ và nước không sạch như trong ảnh, lại đông trẻ con. Thế là dập tan ý định chụp ảnh sang chảnh bên bể bơi”, chị Linh ngao ngán kể lại.

Chưa hết, ở những điểm ăn uống nổi tiếng mà theo như lời đánh giá trên mạng là “nhất định phải đến”, “sẽ hối tiếc nếu bỏ qua”… đều rất đông. Trời nắng nóng, không có ghế ngồi, cả nhóm phải đứng xếp hàng hơn 30 phút mới có đồ ăn. Gọi được đồ rồi thì không nuốt nổi nữa vì quá mệt.

Có con nhỏ nên vợ chồng chị Trần Gấm (Thanh Xuân, Hà Nội) thường chọn các địa điểm du lịch gần gũi với thiên nhiên. “Năm ngoái, gia đình mình đi Mộc Châu với mong muốn các bé được trải nghiệm dịch vụ hái dâu tây tại vườn. Mình chọn nghỉ ngơi tại một trang trại khá nổi tiếng, được nhắc nhiều trong các bài rì viu trên mạng. Tuy nhiên, khi đến nơi thì vô cùng thất vọng vì dâu bé tí, èo uột chứ không chín mọng, to đỏ như ảnh chụp trên mạng. Đã thế giá lại còn đắt. Có thể do nhiều người đến đây nên dâu không kịp lớn” chị Gấm cười nhớ lại.

Với đặc thù là làm nghề dịch vụ thẩm mỹ, công việc đặc biệt bận rộn vào cuối tuần nhưng chị Trần Trang (Hà Nội) vẫn luôn cố gắng sắp xếp để gia đình đi du lịch cùng nhau. Trước mỗi chuyến đi, chị luôn tham khảo thông tin trên các trang mạng, tìm hiểu lịch trình, khách sạn, thời tiết, địa lý, những địa điểm đẹp, chỗ ăn ngon.... Tuy nhiên, không phải lần nào cũng được như ý.

“Có lần, nhà mình đi Phú Quốc, đặt phòng ở một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng nhưng vì quá đông khách nên giờ ăn không có chỗ ngồi, phải xếp hàng lâu, nhà lại có con nhỏ nên rất mệt mỏi. Hay 2 lần khác, đi đảo Kỳ Co ở Quy Nhơn cũng đều gặp cảnh đông đúc, phải xếp hàng mấy tiếng đồng hồ”. Chị hóm hỉnh bảo, dường như các bài rì viu địa điểm du lịch nổi tiếng chỉ chăm chăm khen cảnh đẹp, khen đồ ăn ngon, nhưng lại quên khoe món đặc sản “xếp hàng”.

Mạng xã hội phát triển cũng là lúc các blogger du lịch, blogger ẩm thực, các công ty lữ hành, thậm chí nhiều nghệ sĩ cũng lập kênh YouTube để quảng cáo, giới thiệu các địa điểm du lịch… Chỉ cần vài cú nhấp chuột, mọi người đều dễ dàng tìm thấy thông tin về các điểm muốn đến: từ khung cảnh, thời tiết, các điểm chụp ảnh đẹp, đến khách sạn, nhà hàng… từ cao cấp đến bình dân.

Theo chị Trang, việc nở rộ các kênh giới thiệu du lịch đã giúp ngành công nghiệp không khói trở nên sôi động hơn, cung cấp khá nhiều thông tin hữu ích cho người đi du lịch tham khảo, đặc biệt với những địa điểm lần đầu đặt chân đến. “Tuy nhiên, mình thấy không phải bài nào cũng phản ánh chính xác. Nhiều bài viết nhận tiền quảng cáo từ các khu du lịch nên mất đi tính khách quan. Hình ảnh thì được photoshop khá kỹ nên rất ảo diệu, lung linh, khác xa với thực tế. Hoặc nhiều địa điểm vì được đánh giá tốt nên lúc nào cũng đông khách dẫn đến các dịch vụ quá tải, gây mệt mỏi cho du khách”.

Bản thân chị Hồng Linh thì mặc dù khá nhiều lần thất vọng khi tin vào rì viu trên mạng nhưng sau mỗi chuyến đi, chị vẫn nhiệt tình viết bài đánh giá, chia sẻ những trải nghiệm của bản thân lên trang Facebook cá nhân của mình. “Thường mình sẽ ghi rất chi tiết thời gian, lịch trình, những cái hay cái dở ở mỗi địa điểm. Mình cũng ghi rõ đây chỉ là cảm nhận của cá nhân chứ không đại diện cho số đông. Cũng mong những chia sẻ của mình sẽ góp phần giúp bạn bè có được những chuyến đi vui vẻ”, chị nói.

Tỉnh táo để tránh “bẫy rì viu”

Sau lần hái dâu bị đổ bể, đầu mùa hè năm nay, gia đình chị Gấm quyết định trở lại Mộc Châu một lần nữa. Lần này, chị không nghe theo các bài giới thiệu nữa mà đến thẳng bản Áng hỏi người dân. Nhờ đó, chị đã tìm được một vườn dâu chín mọng quả. Sau khi hái dâu ăn thoải mái ở vườn, các bé nhà chị còn thu hoạch được 5-6 kg dâu mang về làm quà.

Du lịch theo rì viu - Ảnh 2.

Trong lần thứ 2 trở lại Mộc Châu, bé Sóc nhà chị Gấm đã được trải nghiệm việc hái dâu tây tại vườn

Theo chị Gấm, chỉ nên xem các bài đánh giá trên mạng như một kênh tham khảo chứ không nên phụ thuộc hoàn toàn. Để có một chuyến đi trọn vẹn, vẫn nên tự chủ động tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn, đặc biệt ăn uống thì nên chọn những nơi mà người dân địa phương hay đến ăn. Thỉnh thoảng đi đâu chơi, chị Gấm vẫn lên mạng đọc các bài viết giới thiệu, nhưng không quá kỳ vọng. “Bởi du lịch còn tùy thuộc vào sở thích, gu của từng người. Đôi khi với người này là hoàn hảo nhưng với người kia lại không. Có người thích phong cách nghỉ dưỡng, có người lại muốn trải nghiệm thiên nhiên”.

Còn chị Trần Trang thì rút kinh nghiệm không tham quan các điểm du lịch nổi tiếng mà đổi hướng khám phá những địa điểm mới, ít du khách hơn, thường không có trong lịch trình của các đoàn tua. Nếu có đến những điểm nổi tiếng cũng tránh các dịp nghỉ lễ đông đúc. “Thời gian gần đây nhà mình ưu tiên những nơi có phong cảnh đẹp, ưu tiên trải nghiệm và an toàn. Thay vì đi theo quảng cáo, mình tự chọn địa điểm, tham khảo thêm từ bạn bè đã từng đi. Tìm hiểu địa hình, thời tiết. Đặc biệt là đi biển đảo thì phải chọn thời tiết phù hợp để tránh những ngày mưa bão. Hoặc đi cắm trại ở suối thì phải biết mùa nào nước cạn, mùa nào nước dâng… chỉ cần sai thời điểm là coi như cả kỳ nghỉ công cốc”, chị Trang chia sẻ.

Có một mẹo nhỏ mà chị Trang hay áp dụng là với những bài đánh giá trên mạng, chị sẽ đọc rất kỹ phần bình luận phía dưới, ở đó có ý kiến của những người đã từng đến địa điểm đó nên độ tin cậy sẽ cao hơn.

Với quan niệm đi chơi là để vui, chị không còn cầu kỳ về điểm đến. Cứ cuối tuần, cả gia đình chị lại cùng nhau đi cắm trại ở những nơi có thiên nhiên hoang sơ, có núi, có hồ, có suối hay thật nhiều bóng cây xanh, để các bé có thể vận động, chạy nhảy, tận hưởng không khí trong lành, dễ chịu. Thay vì phải chen chân, nóng nực ở những điểm du lịch đông đúc.