Ranbaxy Laboratories là một công ty dược, thành lập từ năm 1937 và được mua lại bởi Bhai Mohan Singh vào năm 1952. Sau đó, tiến sĩ Parvinder Singh kế nhiệm và đưa công ty vươn lên thành đế chế dược phẩm lớn nhất Ấn Độ.
Năm 1999, Parvinder qua đời. Hai người con trai là Malvinder Singh (45 tuổi) và Shivinder Singh (43 tuổi) lên thừa kế, được hưởng một phần ba công ty. Thay vì tiếp tục củng cố vị thế của đế chế mà ông nội và cha gây dựng, đến năm 2008, họ đã bán công ty cho dược phẩm Daiichi Sankyo của Nhật Bản với giá 4,6 tỷ USD.
Thương vụ khổng lồ này từng gây được sự chú ý lớn từ dư luận. Trong khi đó, Malvinder và Shivinder bỏ túi 2,4 tỷ USD.
Hai anh em nhà Singh.
Sau đó, anh em Singh dùng tiền đầu tư rồi nhanh chóng mở rộng hoạt động của Fortis Health và Religare Enterprises, hai công ty đại chúng riêng biệt mà họ sở hữu. Trong bối cảnh nhu cầu dịch vụ y tế tại Ấn Độ bùng nổ, Fortis Health trở thành chuỗi bệnh viện lớn nhất của đất nước. Trong khi đó, Religare Enterprises vươn lên như một trong những NBFC (công ty tài chính phi ngân hàng) hàng đầu.
"Cúng" tiền cho đạo sư
Chuyện nếu dừng ở đó thì chẳng có gì đáng nói. Sau khi cha mất, Malvinder và Shivinder không chỉ coi Gurinder Singh Dhillon (anh họ của mẹ) như cha, mà còn là bậc thầy tâm linh của mình.
Dhillon (64 tuổi), một doanh nhân, cũng là một đạo sư rất có tiếng, được nhiều người coi như hiện thân của Chúa. Tổ chức của Dhillon thu hút hơn 4 triệu tín đồ mộ đạo khắp thế giới.
Gurinder Singh Dhillon
Nhưng trong thế giới trần tục, vị đạo sư này chính là người đóng vai trò chủ chốt trong cuộc sụp đổ lớn và thảm khốc bậc nhất lịch sử Ấn Độ.
Nhà Dhillon là cổ đông lớn thứ hai của đế chế dược phẩm Ranbaxy. Các thành viên thuộc giáo phái của ông cũng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng tại công ty.
Trong nhiều năm, hai anh em nhà Singh đã cho gia đình Dhillon và các doanh nghiệp bất động sản do vị này kiểm soát phần lớn, khoảng 25 tỷ rupee (360 triệu USD). Theo Bloomberg, một phần trong số đó được tài trợ bằng tiền vay từ các công ty niêm yết của gia đình Singh và một loạt các công cụ tài chính phức tạp.
Năm 2010, trong cơn sốt đất đai tại khu vực New Delhi, nhà Singh lại phân bổ tài sản để giúp nhà Dhillon xây dựng đế chế bất động sản. Hai năm liên tiếp, các công ty ma của vị đạo sư nhận khoảng 20 tỷ rupee (290 triệu USD) qua các khoản vay không lãi suất từ các công ty con, công ty tư nhân của Singhs.
Khu bất động sản của Dhillon.
Từ năm 2011, công ty cổ phần của hai anh em tiếp tục chi ít nhất 12 tỷ rupee (174,3 triệu USD) để bù lỗ cho Ngân hàng đầu tư Religare Capital Markets, số còn lại gửi đến Hãng hàng không Ligare Voyages.
Đến tháng 3 năm 2016, tổng khoản vay mà các công ty của hai anh em Singh cung cấp cho nhà Dhillon đã lên tới 1,6 tỷ USD.
Thảm họa ập đến
Vận xui của anh em Signh ập đến trong bối cảnh Thủ tướng Narendra Modi nỗ lực tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Họ bị điều tra tài chính sau khi 23 tỷ rupee (334 triệu USD) từ các công ty niêm yết biến mất không dấu vết.
Đầu năm 2018, Bloomberg đưa tin nhà Singh rút 5 tỷ rupee (72,6 triệu USD) từ Fortis mà không có sự chấp thuận của hội đồng quản trị. Một nhà đầu tư ở New York cũng đệ đơn kiện hai anh em bòn rút 18 tỷ rupee (261,45 triệu USD) từ Religare.
Danh tiếng ô uế, hai công ty Fortis Health và Religare Enterprises đối mặt với tình trạng thiếu tiền mặt trầm trọng.
Trong khi đó, một ngọn lửa khác cũng đang âm ỉ chờ đến ngày bùng cháy. Khoảng thời gian bán Ranbaxy, công ty bắt đầu bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đặt nghi vấn về quy trình sản xuất, tính an toàn của sản phẩm.
Tháng 2 năm 2009, FDA cho biết họ đã dừng đánh giá và cấm hơn 20 loại thuốc được phát triển tại nhà máy Paonta Sahib của công ty. Công ty dược phẩm Nhật Bản - Daiichi kiện Ranbaxy lên tòa án tối cao Singapore, cáo buộc làm giả dữ liệu, che giấu thông tin và không cảnh báo trước những sai phạm khi tiến hành thương vụ mua bán.
Daiichi thắng kiện, buộc Ranbaxy phải nộp 550 triệu USD tiền phạt và bồi thường. Điều này như một đòn chí mạng, khiến nhà Singh rơi vào khủng hoảng, nợ nần chồng chất. Họ thậm chí đánh mất luôn dinh thự của gia đình.
Đức tin mê muội
Gia đình sụp đổ, gia tài cha và ông nội để lại đã mất, nhưng đức tin của hai anh em Singh vẫn còn. Họ thừa nhận có mối quan hệ tài chính với Dhillon nhưng phủ nhận cáo buộc rằng đạo sư này là nguyên nhân gây nên những bê bối tài chính. Malvinder và Shivinder cho rằng ông Dhillon chỉ đang "hành động bằng trái tim".
Hình ảnh cắt từ video đăng đàn của người anh Malvinder.
Trong khi đó, mâu thuẫn giữa hai anh em lại bùng nổ. Tháng 9/2018, Shivinder đưa ra những cáo buộc gay gắt chống lại anh trai rằng Malvinder và Godhwani, cựu giám đốc của Religare, đã thông đồng để chuyển hướng 750 triệu rupee từ Religare Finvest Ltd., một công ty con thuộc sở hữu của Religare. Ông cũng cáo buộc anh trai giả mạo chữ ký trong các tài liệu quan trọng.
Ngược lại, Malvinder cáo buộc em trai tấn công thể xác. Ông đã đăng một video cáo buộc Shivinder làm tổn thương, đe dọa và khiến cơ thể bầm tím. Cảnh tượng "gà cùng một mẹ cứ hoài đá nhau" khiến cộng đồng cũng như truyền thông không khỏi sốc và tiếc nuối.
Đáng nói, đến cuối cùng, khi được hỏi anh em Singh sẽ làm gì cho đạo sư của mình, một người thân của họ trả lời: "Bất cứ điều gì!"
Bài học đắt giá
Anh em nhà Singh tốt nghiệp trường Stephen's College danh tiếng ở Delhi, sau đó là Trường kinh doanh Fuqua của Đại học Duke tại Mỹ. Họ từng được biết đến như những doanh nhân khéo léo, tinh tế và hiểu biết.
Nhưng cuối cùng, cả hai đã mất gia đình và sự nghiệp, danh tiếng cũng chẳng vụt tan. Sự sụp đổ của đế chế Ranbaxy một thời giờ chỉ còn là bài học khắc sâu cho những doanh nghiệp khác.
Đầu tiên, đó là văn hóa nhân phẩm nhấn mạnh sự bí mật quá mức và phụ thuộc vào một nhà lãnh đạo. Anh em nhà Singh tin tưởng vào gia đình Dhillon đã dẫn đến các khoản vay chồng chất.
Thứ hai, ý thức về quyền lợi và trách nhiệm. Malvinder và Godhwani được nuôi dưỡng để mong đợi sự kế thừa như một quyền lợi hay giải thưởng mà quên đi trách nhiệm với gia tài mà cha ông để lại cũng như đối với cổ đông và thế hệ tương lai.
Cuối cùng, sự quản trị yếu kém. Khi một doanh nghiệp gia đình trải qua nhiều thế hệ và ngày càng lớn hơn, việc quản trị cũng như giám sát không thể chỉ giới hạn ở các kỹ năng của một nhà lãnh đạo duy nhất. Đặc biệt là một người chỉ tin tưởng vào các liên minh cũ mà không tìm kiếm tài năng mới.
(Tổng hợp)