Câu chuyện có thật về 150 chú chó husky anh hùng từng cứu sống ngôi làng 10.000 người khỏi căn bệnh bạch hầu tử thần

Minh Kiên, Theo Helino 08:10 07/09/2019
Chia sẻ

Mặc cho bóng tối và cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông năm 1925, Balto, Togo cùng cả đàn chó husky vẫn dũng cảm ngày đêm lao đi trong bão tuyết để mang thuốc về cứu sống cả thị trấn khỏi căn bệnh chết người.

Có thể trong mắt nhiều người, husky là một giống chó hiếu động, thích đùa, đáng yêu và nuôi chúng chẳng có mục đích gì khác ngoài để giải trí, mua vui. Thế nhưng, ở vùng đất cực Bắc lạnh lẽo hẻo lánh, husky không chỉ có thế, chúng còn là những chú chó kéo xe trượt tuyết vô cùng mạnh mẽ và dũng cảm, nổi tiếng với giai thoại cứu sống cả một ngôi làng khỏi tay tử thần.

Câu chuyện có thật về 150 chú chó husky anh hùng từng cứu sống ngôi làng 10.000 người khỏi căn bệnh bạch hầu tử thần - Ảnh 1.

Những chú chó husky dũng cảm đã cứu sống cả một ngôi làng 10.000 người.

Vào ngày 19/1/1925, cư dân thị trấn nhỏ Nome, Alaska phải đối mặt với dịch bạch hầu chết người, họ chẳng có nhiều lựa chọn để cứu sống cả làng bởi đây là một căn bệnh nguy hiểm, đáng sợ và phổ biến vào những năm 20. Vi khuẩn sẽ xâm nhập vào mũi, miệng, họng khiến bệnh nhân khó nuốt, nghẹt thở, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ biến chứng trầm trọng làm suy tim, tê liệt. Và 10,000 người ở Nome chắc chắn sẽ nhận được tấm vé một chiều sang bên kia sự sống nếu như không có thuốc chữa. Tuy nhiên lô huyết thanh gần nhất lúc này cũng ở Anchorage, cách Nome 1085 km. Phương tiện tốt nhất để vận chuyển huyết thanh là máy bay thì cũng đã bị hỏng động cơ, không hoạt động được, tình cờ hơn nữa là mùa đông năm đó là mùa đông lạnh lẽo khắc nghiệt trong vòng 20 năm nhiệt độ mỗi ngày vào khoảng -34 độ C đến -46 độ C, mặt trời chỉ chiếu sáng vài giờ trong ngày.

Trước tình hình cam go, những người đứng đầu đã quyết định sử dụng chó kéo xe để vận chuyển huyết thanh về Nome sau khi xe lửa đưa thuốc từ Anchorage đến Nenana. Với đội vận tải gồm 20 người đánh xe cùng 150 con chó husky tham gia đưa thuốc, từ đây "Great Race of Mercy" (Cuộc đua vĩ đại của Lòng nhân từ) bắt đầu khởi hành.

Chuyến đi gian nan xuyên qua bão táp

Theo dự kiến, để đi được quãng đường dài như thế thì sẽ phải mất tới 25 ngày tuy nhiên huyết thanh chỉ có thể giữ được trong 6 ngày, quá thời gian đó, thuốc sẽ vô dụng. Điều này đồng nghĩa với việc đàn chó phải hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn gấp 4 lần bình thường.

Seppala Leonhard là người lãnh trọng trách vượt qua đoạn đường nguy hiểm nhất, cả đoàn xuất phát vào ngày 27/1/1925, đến ngày 31/1/1925, đội của anh đã đi được 274 km từ Nome. Song thời gian đã quá gấp rút, họ chỉ còn 2 ngày để lấy huyết thanh về nếu không tất cả sẽ chết. Seppala đã quyết định mạo hiểm, lựa chọn con đường tắt là vượt sông băng Norton Sound, đây là một con sông không ổn định, nguy hiểm. Để sống sót trước cái lạnh -65 độ C và bóng đen bao trùm xung quanh, người đàn ông này phải phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng dẫn đường của đàn chó husky mà dẫn đầu là chú chó tên Togo.

Câu chuyện có thật về 150 chú chó husky anh hùng từng cứu sống ngôi làng 10.000 người khỏi căn bệnh bạch hầu tử thần - Ảnh 2.

Seppala Leonhard và đàn chó.

Câu chuyện có thật về 150 chú chó husky anh hùng từng cứu sống ngôi làng 10.000 người khỏi căn bệnh bạch hầu tử thần - Ảnh 3.

Chân dung chú chó Togo. Ảnh: Wynford Morris/Wikipedia

Togo - đôi mắt của Seppala đã dẫn dắt đoàn xe vượt qua sông băng nguy hiểm và cả dãy núi Little McKinley cao hơn mặt nước biển 1.500m. Nó đã chạy với vị trí là đầu đàn dẫn đường trên quãng đường dài hàng trăm km, vượt qua những trận bão tuyết kinh khủng nhất, khắc nghiệt nhất năm đó để đưa thuốc về Nome.

Seppala Leonhard sau khi lấy được huyết thanh liền cho đoàn tiếp tục chạy xuyên bão tuyết, đi ngược trở lại con đường tắt trên sông băng và vượt qua dãy núi Little McKinley một lần nữa để kịp thời giao thuốc cho người vận chuyển tiếp theo trong cuộc hành trình sống còn này. Đến đây, nhiệm vụ của Seppala cũng khép lại, anh đã làm được điều phi thường cùng đội chó của mình, còn Togo, nó chắc chắn sẽ tự hào lắm khi đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cho đến hơi thở cuối cùng.

Vào ngày 1/2/1925, huyết thanh được chuyển cho Charlie Olson, anh tiếp tục cuộc chạy đua, đưa kịp lô thuốc về tới Bluff. Tại đây, cùng với Gunnar Kaasen, chúng ta sẽ gặp chú chó Balto, cả hai sẽ chịu trách nhiệm đưa thuốc về Nome trong khoảng 90 km cuối cùng cũng nguy hiểm không kém.

Balto vốn chỉ là một chú chó husky không có gì nổi bật, làm việc chậm chạp và chắc chắn sẽ không được chọn làm đầu đàn dẫn dắt một đội chó kéo xe. Thế nhưng điều đó đã hoàn toàn thay đổi vào mùa đông năm 1925 khi Kaasen tin tưởng chọn nó dẫn đường và niềm tin của anh đã không đặt sai chỗ.

Câu chuyện có thật về 150 chú chó husky anh hùng từng cứu sống ngôi làng 10.000 người khỏi căn bệnh bạch hầu tử thần - Ảnh 4.

Balto cùng người chủ Gunnar Kassen.Ảnh: planeteanimal

Ngay lúc đoàn của Kaasen rời đi, một cơn bão tuyết ập đến, nhiệt độ giảm sâu, cái lạnh cắt da cắt thịt khiến cho anh gần như phải từ bỏ. Thế nhưng Balto đã khẳng định được giá trị của mình, nó đã dẫn đoàn vượt đêm tối bão gió nhờ thông thạo đường đi lại. Không chỉ giữ toàn đội di chuyển an toàn trên đường mòn mà Balto còn cứu cả đoàn khỏi cái chết ở sông băng Topkok. Lúc này Kaasen đã ra lệnh thậm chí là quất roi cho Balto chạy tiếp nhưng nó từ chối bởi người nó đã ngập sâu trong làn nước lạnh, nếu như chạy tiếp, cả đoàn đều sẽ chết chìm. Chính hành động không tuân lệnh chủ của Balto mà cả đội đã được cứu.

Balto cùng những chú chó trở thành huyền thoại vì cứu sống cả một thị trấn

Cuối cùng, sau 20 giờ đồng hồ liên tục chạy, nhóm của Kaasen đã hoàn thành nhiệm vụ, họ về đến Nome vào ngày 2/2/1925 lúc tờ mờ sáng với gói hàng an toàn trong tay, số huyết thanh đã được giao kịp thời và 10.000 người dân ở Nome đã được cứu sống.

Để bày tỏ lòng biết ơn với 150 chú chó kéo xe dũng cảm, người dân đã đúc tượng đồng chú chó husky Balto và đặt ở công viên trung tâm New York vào ngày 17/12/1925, bên dưới ghi: "Tưởng nhớ tinh thần quả cảm của những chú chó kéo xe đã vượt đoạn đường 600 dặm để chuyển thuốc từ Nenaa về đến Nome trong bão tuyết mùa đông năm 1925".

Câu chuyện có thật về 150 chú chó husky anh hùng từng cứu sống ngôi làng 10.000 người khỏi căn bệnh bạch hầu tử thần - Ảnh 5.

Bức tượng bằng đồng của chú chó Balto. Ảnh: Alicia Gearty/Flickr/CC BY-SA 2.0

Câu chuyện có thật về 150 chú chó husky anh hùng từng cứu sống ngôi làng 10.000 người khỏi căn bệnh bạch hầu tử thần - Ảnh 6.

Tấm bia bên dưới bức tượng chú chó Balto. Ảnh: Jim Henderson/CCO

Balto qua đời năm 1933 ở tuổi 14, xác của nó được người ta lưu giữ lại và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Cleveland. Từ năm 1973, cuộc đua chó thường niên Idiratod từ Anchorage đến Nome vẫn được tổ chức đều đặn để tưởng nhớ công lao to lớn của những chú chó. Năm 1995, hãng phim Universal Studios thậm chí còn cho ra mắt bộ phim hoạt hình nổi tiếng Balto.

Câu chuyện có thật về 150 chú chó husky anh hùng từng cứu sống ngôi làng 10.000 người khỏi căn bệnh bạch hầu tử thần - Ảnh 7.

Thi thể của Balto vẫn được lưu giữ lại cho đến tận ngày nay. Ảnh: scaranol/CC BY 3.0

Giờ đây bức tượng chú chó Balto vẫn còn đó và có lẽ câu chuyện về những chú chó husky ở vùng Siberia vượt bão cứu người sẽ chẳng bao giờ bị lãng quên cả.

(Tham khảo allthatsinteresting, thevintagenews, BBC,cleveland)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày