Đóng hay mở nắp thức ăn khi quay trong lò vi sóng? Thì ra bấy lâu nay rất nhiều người làm sai

Đinh Anh, Theo Đời Sống Pháp Luật 14:33 03/08/2024
Chia sẻ

Nhiều người thường mở nắp thức ăn khi quay trong lò vi sóng. Vì nghĩ rằng việc này sẽ giúp món ăn được chín nóng và thơm ngon.

Lò vi sóng là thiết bị ngày càng được ưa chuộng do tính tiện lợi, đa năng và nhanh chóng. Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu bạn sử dụng lò vi sóng không đúng cách. Các rủi ro như cháy nổ, nguy cơ bị bỏng và ngộ độc thực phẩm hoàn toàn có thể xảy ra nếu chúng ta dùng sai cách...

Đậy hay mở nắp thức ăn khi quay trong lò vi sóng?

Một trong những băn khoăn mà nhiều người đang sử dụng thiết bị này gặp phải là: Mở hay đóng nắp hộp thức ăn khi quay trong lò vi sóng.

Về vấn đề này, chuyên gia Rachell Williams đến từ Hội đồng Thông tin An toàn Thực phẩm Australia đã chia sẻ trên tờ Huffpost. Theo đó, vị này khuyên rằng để an toàn nhất khi quay thức ăn bằng lò vi sóng, bạn nên đậy nắp hộp.

Đóng hay mở nắp thức ăn khi quay trong lò vi sóng? Thì ra bấy lâu nay rất nhiều người làm sai- Ảnh 1.

Nguyên nhân của điều này bắt đầu từ vấn đề vệ sinh. Một số nguyên liệu khi quay trong lò vi sóng có thể bị bắn tung tóe. Việc có một lớp màng bọc thực phẩm hay nắp đậy là điều cần thiết để bạn không phải mất công lau dọn sau khi hâm nóng. Từ đó, tiết kiệm thời gian và công sức của người dùng.

Nguyên nhân thứ 2 được các chuyên gia đưa ra là việc đậy nắp thức ăn nhằm đảm bảo chất lượng món ăn. Theo tờ Today, thực phẩm không được đậy nắp khi quay trong lò vi sóng có thể sẽ bị ảnh hưởng tới độ đặc, lỏng, độ ẩm và sự phân bổ nhiệt trên thực phẩm. Nếu không đậy nắp hay màng bọc, món ăn của bạn sẽ bị khô. Ngược lại, việc đậy nắp thực phẩm sẽ giúp thức ăn của bạn được hâm nóng đều và ngon hơn.

Bạn cần lưu ý cần sử dụng các hộp đựng bằng thuỷ tinh để hâm nóng thức ăn hoặc loại hộp nhựa có thể dùng cho lò vi sóng, không dùng các hộp nhựa không rõ nguồn gốc, chất lượng. Đặc biệt, bạn cần tính toán nhiệt độ và thời gian phù hợp với thực phẩm cần hâm nóng để an toàn khi sử dụng.

Với các thực phẩm khô, ít nước, bạn nên đậy nắp thật chặt. Còn với các món lỏng, người dùng cần sử dụng các hộp mà nắp đậy có van thoát hơi hoặc rãnh hở.

Ngoài lưu ý trên, bạn nên tránh vài điều dưới đây khi hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng:

Bỏ qua bước đảo thức ăn

Trong quá trình hâm nóng, bạn nên bỏ thức ăn ra để đảo ít nhất một lần. Điều này là vô cùng quan trọng vì khi việc làm này đảm bảo nhiệt được truyền đến tất cả các phần của món ăn. Những phần lạnh không được hâm nóng có thể chứa nhiều vi khuẩn xấu ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Goodwin (chuyên gia thông tin kỹ thuật của Cơ quan Thanh tra An toàn Thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) chia sẻ cùng TODAY Food: "Các món ăn trong lò vi sóng sẽ được làm nóng từ bên ngoài vào. Chúng tôi khuyên bạn nên quay và đảo thức ăn giữa chừng để đảm bảo nhiệt sẽ tản đều cả những phần bên trong".

Thông thường, vi khuẩn có hại phát triển và sinh sôi trong khoảng từ 40 đến 140 độ. Nếu không đảo đều thức ăn, chúng có thể trú ngụ ở phần giữa còn lạnh của món ăn đó.

Không thường xuyên vệ sinh lò

Không vệ sinh khiến lò dễ bị thức ăn, dầu mỡ bám xung quanh gây mùi hôi, giảm tuổi thọ của lò và hao tốn điện năng.

Vệ sinh lò vi sóng cũng rất đơn giản. Bạn có thể dùng baking soda, chanh, giấm… để rửa và lau lò vi sóng theo định kỳ.

Đóng hay mở nắp thức ăn khi quay trong lò vi sóng? Thì ra bấy lâu nay rất nhiều người làm sai- Ảnh 2.

Hâm nóng thức ăn trong bao bì

Các loại thực phẩm đựng trong bao bì hay khay xốp tuyệt đối không nên đưa vào lò vi sóng. Kể cả khi bạn muốn rã đông. Các chất liệu này có thể bị cong vênh, tan chảy, hoặc đưa các hóa chất độc hại vào thực phẩm. Các loại túi bảo quản bằng nhựa, túi giấy màu nâu, và giấy nhôm cũng không an toàn.

Đối với thực phẩm đông lạnh từ siêu thị. Tốt nhất là bạn lấy thức ăn ra khỏi bao bì và cho vào hộp thủy tinh trước khi hâm nóng hay rã đông.

Không chú ý tới công suất của lò vi sóng

Khi sử dụng lò, bạn có thể chỉ sử dụng một mức công suất chung để áp dụng cho mọi loại thực phẩm để dễ thao tác. Tuy nhiên, việc thay đổi công suất của lò cho từng loại thực phẩm sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian và giữ lại giá trị dinh dưỡng của món ăn. Dưới đây là một số mức công suất phù hợp cho từng loại thực phẩm mà bạn nên chú ý:

- Công suất thấp: Dùng để rã đông những thực phẩm nhẹ như bánh, chocolate…

- Công suất trung bình – thấp: Dùng để rã đông thực phẩm, công suất này được thiết kế nhằm rã đông đồng đều các phần thực phẩm.

- Công suất trung bình: Dành cho những thực phẩm cần thời gian nấu dài ngay cả với cách nấu truyền thống như các món hầm. Thời gian dài với công suất trung bình sẽ giúp thực phẩm mềm hơn.

- Công suất trung bình – cao: Dùng để nấu những thức ăn đặc với thời gian dài như thịt tảng, cá… Ưu điểm là làm chín đều các bề mặt của thức ăn.

- Công suất cao: Dùng để hâm thức ăn với thời gian nhanh như nước, cơm, thức ăn đã qua chế biến.

Mức công suất phù hợp sẽ giúp thức ăn đạt độ chín phù hợp, giữ được chất dinh dưỡng và mùi vị thơm ngon.

Tổng hợp 


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày