Chỉ với 100 nghìn đồng, thực khách có thể thưởng thức món ngon ở quán Bò Kho Gánh, nằm ở khu chung cư Ngô Gia Tự, đường Sư Vạn Hạnh, Phường 2, Quận 10. Quán mở bán từ 14h - 22h mỗi ngày. Các món ăn ở đây mang hương vị đặc trưng, thơm ngon, với miếng bò mềm, thấm vị. Trong đó, món bò kho bánh mì được thực khách yêu thích và lựa chọn nhiều nhất.
Theo chị Tạ Thị Minh Nguyên (SN 1978, chủ quán), công thức nấu bò kho được truyền lại từ ông ngoại của chị. Thời điểm trước giải phóng, ông ngoại chị bán bò kho gánh được khách rất chuộng, nhưng sau đó không có người con nào nối nghiệp ông. Mẹ của chị Nguyên chọn bán chè và truyền lại nghề cho chị.
Tuy nhiên, với gánh chè, cuộc sống của gia đình chị Nguyên khá bấp bênh, chật vật. Trong "cái khó ló cái khôn", chị nhớ đến công thức món bò kho của ông ngoại để lại và "liều" kinh doanh thử vào năm 2018.
Khi mở quán, chiếc gánh bò kho cũ của ông ngoại được chị nguyên lưu giữ như một vật kỷ niệm. Gánh đặt nổi bật ở vị trí trung tâm quán, trên đó để các vắt mì, hủ tiếu, chén sành, rổ rơm… đậm phong cách Sài Gòn xưa.
Nữ chủ quán cho biết, lúc mới khai trương, buổi sáng quán bán 3 - 5kg thịt bò để nuôi hàng chè buổi tối. Nhưng không ngờ món bò kho lại nổi tiếng và được yêu thích hơn món chè.
Ban đầu bò kho chỉ có giá 25.000 đồng/tô, chủ yếu bán cho người lao động bình dân. Chị Nguyên cho hay, thời gian đầu chị vừa bán, vừa tham khảo ý kiến của thực khách. Từ những góp ý của thực khách, chị điều chỉnh nêm nếm sao cho hợp khẩu vị số đông. Có những thời điểm, quán còn miễn phí bánh mì, nước uống cho công nhân lao động.
Về công thức nấu bò kho, nữ chủ quán bật mí rằng, trước đây công thức món bò kho của ông ngoại chị chỉ có 5 gia vị. Sau này, nhận nhiều góp ý từ thực khách, chị Nguyên đã tiếp thu, biến tấu món ăn để hợp khẩu vị, đậm đà hơn, ngon hơn nên thêm 3 loại gia vị mới từ thuốc Bắc.
Để làm được món bò kho thơm ngon phải qua nhiều công đoạn và công đoạn nào cũng phải chỉn chu, tỉ mỉ. Chủ quán cho biết, muốn thịt bò mềm, thấm vị thì phải lựa thịt tươi, bởi nếu chọn thịt đông lạnh, khi nấu dễ bị nát.
Ăn kèm với bò kho còn có các gia vị như tương, sa tế, muối tiêu, chanh… Các món gia vị đều do quán tự làm. Thực khách có thể pha chế và nêm nếm hợp với khẩu vị của mình.
Điều khiến món bò kho bánh mì trở nên đặc biệt là được ăn trong nồi đất nung. Các nồi này luôn được đặt trên ngọn lửa liu riu để giữ độ nóng nhất định khiến món ăn lúc nào cũng nóng hổi.
Nói về tên gọi Bò Kho Gánh, chị Nguyên cho biết: "Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, ông bà buôn gánh bán bưng để nuôi các con, các cháu nên người. Vì vậy, đặt tên Bò Kho Gánh để nhắc nhớ mình luôn biết ơn ông bà. Trong lúc khó khăn nhất tôi đã nhớ đến món bò kho trước đây của ông bà để kinh doanh, phát triển thương hiệu cho đến bây giờ".
Ngoài ra, nữ chủ quán này cũng cho biết, từ "gánh" còn gắn liền với sự tần tảo, chịu thương chịu khó của người phụ nữ, dù gánh nước, gánh hàng... nặng nhọc nhưng vẫn không kêu than.
Thịt mềm, nước ngon đậm vị là tiêu chí khiến hai mẹ con bà Nguyễn Xuân Mai (62 tuổi) và chị Vương Huệ Nhi (27 tuổi) thường xuyên ghé ăn. Theo vị khách này, gia đình đã thưởng thức món bò kho ở đây rất nhiều năm, hương vị rất ngon, đặc biệt là món hủ tiếu bò kho.
Chủ quán cho biết sau khi hay tin Bò Kho Gánh vinh dự xếp vào hạng mục Bib Gourmand của Michelin chị đã rất vui mừng.
"Ban đầu tôi còn nhiều thiếu sót nhưng tôi đã lắng nghe khách hàng để nay Bò Kho Gánh được nhiều người biết đến. Bây giờ tôi được Michelin "để ý" thì lại càng cần phải lắng nghe và chỉn chu hơn", chủ quán nói.