Về quê lúa, gặp cậu học trò nghèo đạt HCV Olympic Toán Quốc Tế 2014

, Theo Trí Thức Trẻ 09:35 17/07/2014
Chia sẻ

Mỗi lần bố mẹ kể về công việc phụ hồ của mình - cái nghề "ráo mồ hôi là hết tiền", tôi bất giác thấy đôi mắt em buồn hơn hẳn. "Vì nghèo, nên phải cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng bố mẹ" - Hoàn chia sẻ.

Vài ngày qua, câu chuyện về bố mẹ làm phụ hồ nuôi con trai giành HC vàng Olympic Toán quốc tế đã khiến không ít người cảm động. Chàng trai vàng đó là Nguyễn Thế Hoàn (sinh năm 1997), học sinh lớp 11 Toán 1 trường THPT chuyên tự nhiên – Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) có bố là Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 1971) và mẹ là Nguyễn Thị Thảnh (sinh năm 1976). Những ngày này, thôn Bổng Thôn, xã Hòa Bình, Huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đâu đâu người ta cũng nói về cậu học sinh "nhỏ mà có võ" này. Không khí gia đình Hoàn cũng tràn đầy niềm vui, niềm tự hào và những tiếng cười nói bởi sự chúc mừng của bạn bè, họ hàng, làng xóm.

Con đường dẫn vào nhà Hoàn.


Với số điểm 29/42, Nguyễn Thế Hoàn đã xuất sắc giành huy chương Vàng trong kỳ thi Toán Olympic vừa rồi.


Hoàn và gia đình gồm bố, mẹ và em trai.

Lúc chúng tôi tìm đến cũng là lúc mà họ hàng, làng xóm vẫn còn tập trung rất đông ở nhà của Hoàn để chúc mừng. Có lẽ do đã tiếp đón rất nhiều đoàn phóng viên tới nên nước nôi, ghế nhựa được chuẩn bị sẵn khá chu đáo. Mọi thành viên trong gia đình cũng rất nhiệt tình mời chúng tôi vào nhà. Căn nhà của gia đình Hoàn không lớn nhưng sạch sẽ, gọn gàng. Hỏi ra mới biết, căn nhà này, tiền xây dựng là do một người bác của Hoàn hiện đang làm ăn trong Nam chu cấp, phần vì bà nội Hoàn cũng sống chung ở đó, phần vì thấy khả năng kinh tế của gia đình cô Thảnh, chú Hòa không cao. Còn những đồ đạc trong nhà thì cũng là những đồ đạc cũ chuyển từ nhà bác qua. “Như vậy là từ ngôi nhà tới đồ đạc trong nhà đều là của cải của bác. Chứ còn nếu cứ dựa vào đồng lương phụ hồ như của cô chú thì chắc cả đời cũng không dám mơ tới việc xây nhà thế này.” – Cô Thảnh – mẹ của Hoàn chia sẻ.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn lên thăm phòng riêng của Hoàn thì cậu bạn chia sẻ rằng mình không có phòng riêng. Chiếc giường ngủ ở góc nhà là nơi sinh hoạt và cũng là góc học tập chính của Hoàn và em trai từ bé đến giờ. Trên bàn có rất nhiều bó hoa được gói ghém cẩn thận - là quà tặng của bạn bè, thầy cô trong trường, bố mẹ… trong lúc ra sân bay đón Hoàn trở về Việt Nam sau kỳ thi. Điểm sáng nhất trong căn phòng này có lẽ là góc treo rất nhiều những bảng thành tích, bằng khen mà Hoàn nhận được trong suốt quãng thời gian đi học.


Không khí đông đúc của căn nhà có cậu con trai đạt huy chương Vàng.




Rất nhiều bằng khen được treo ở góc học tập.

Cậu bạn bộc bạch: “Thông thường thì cứ mỗi năm em được một giải, có năm thì 2 giải. Nhưng mọi người thấy bằng khen nhiều như vậy là do dù đạt một giải thôi nhưng có nhiều đơn vị tặng bằng khen, nào là của trường, huyện, hội khuyến học, rồi các tổ chức tài trợ… Đối với em thì đây là những kỷ niệm mà mỗi khi nhìn lại thì lại gợi lên trong em lòng vui sướng, và có một chút gì đó tự hào..”

Nói đến việc giành HC vàng cuộc thi Olympic Toán quốc tế 2014 vừa qua, Hoàn vui vẻ cho biết đó là giải thưởng lớn nhất mà mình đã đạt được từ bé tới giờ: “Qua rất nhiều vòng thi tuyển chọn, em trở thành người duy nhất đại diện cho trường, và là 1 trong 6 người đại diện cho Việt Nam tham gia cuộc thi. Chúng em có 2 tháng để ôn luyện và có 11 ngày “đóng đô” ở địa điểm thi là Nam Phi. Buổi thi diễn ra trong 2 ngày, mỗi ngày có 3 câu. Ngày đầu tiên em làm trọn vẹn hết cả 3 câu, còn ngày thứ 2 em chỉ làm được 1 câu rưỡi thôi. Vì vậy mà từ ngày thi xong tới ngày biết kết quả, rồi tới ngày biết ngưỡng đạt huy chương với em là quãng thời gian đầy hồi hộp xen chút lo lắng. Kết quả là em đạt 29/42 điểm, và những ai đạt từ 29 điểm trở lên sẽ được HC vàng. Em thấy mình cũng có chút may mắn khi ở đạt điểm vừa tròn của ngưỡng HC vàng.”

“Những ngày trước khi thi, bọn em được các thầy đưa đi chơi, còn những ngày sau khi thi, bọn em được ban tổ chức đưa đi chơi. Và chuyến đi mà em thích thú nhất đó là chuyến thăm quan Mũi Hảo Vọng của Nam Phi. Em cũng có làm quen được một số bạn bè đến từ các quốc gia khác trên thế giới. Với em đây là một trải nghiệm thú vị.” – Hoàn cho biết thêm.

Cậu bạn này cũng chia sẻ ước mơ được di du học và dự định sẽ học Tiếng Anh trong thời gian sắp tới để thực hiện ước mơ của mình. Một tin vui là đã có một vài trung tâm Tiếng Anh trên Hà Nội ngỏ ý sẽ tài trợ 100% học phí và sẽ giúp đỡ xin học bổng giúp Hoàn khi đủ chỉ tiêu. Hoàn tâm sự rằng sẽ cố gắng để xin được một suất học bổng toàn phần của Mỹ, cụ thể là ngành Toán học ứng dụng.


Hình ảnh Hoàn (thứ 2 từ trái qua) và 5 thành viên còn lại của đội tuyển Việt Nam trong đợt thi lần này.

Trong quá trình trò chuyện với Hoàn, tôi để ý thấy mẹ em - cô Thảnh - cứ liên tục nhìn về phía con trai với ánh mắt đầy tự hào. Là người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó, trước khi theo chồng lên Hà Nội làm phụ hồ, cô ở nhà làm ruộng rồi làm thuê một vài việc vặt. Còn nhớ năm 2012 khi Hoàn đỗ 2 trường chuyên ở Hà Nội là THPT chuyên ĐH Sư phạm và chuyên Khoa Học Tự Nhiên, cả gia tài lúc đó chỉ có đúng 2 triệu đồng. Nhưng rồi nghĩ đến đứa con ham học và tương lai của Hoàn, bố mẹ em đã theo con lên Hà Nội đi làm phụ hồ, nuôi con ăn học. “Cũng may ở nhà có bà chăm nom. Với lại bé thứ 2 nhà cô cũng ngoan ngoãn, đi học cả tuần. Chủ nhật được nghỉ thì cùng lắm sang nhà bà ngoại chơi thôi nên cô mới yên tâm mà đi làm xa được”.

Hoàn và cậu em trai đang học lớp 7 - cũng là một học sinh giỏi của Trường THCS chuyên Lê Danh Phương huyện Hưng Hà.

“Hoàn nhà cô được cái là không cần đốc thúc trong việc học. Ngay từ nhỏ xíu thì đã có ý thức học tập rồi, thậm chí còn phải giục đi ngủ vì quá ham học nữa. Hồi đó cô có thêu tên của em lên chiếc mũ. Thế rồi em cứ tự lần mò đánh vần, tập viết ra đầy sân. Tới khi lên ba, một người bà con qua nhà mang theo 1 tờ báo, em cầm tờ báo và đọc từ đầu tới cuối khiến ai cũng ngỡ ngàng. Vì không ai dạy cho em cả, cũng chưa đến tuổi đi học chữ. Thế rồi em xem đồng hồ, xem thời sự mà đọc đúng từng con số làm cả nhà quá bất ngờ.” – cô Thảnh cho biết thêm.

Bà nội của Hoàn.

Cũng theo lời chia sẻ của cô Thảnh, công việc phụ hồ vất vả mà "ráo mồ hôi là hết tiền". Hơn nữa, đối với một người phụ nữ nông thôn, chỉ quen làm ruộng thì thời gian đầu, đó là một công việc khá vất vả. Hơn nữa, chỗ ăn ở cũng không cố định mà tùy theo từng công trình mà phải di chuyển theo. Nếu là trường hợp nhà mới xây, chủ nhà kiêng không cho vào ngủ trong nhà trong thời gian thi công thì cô chú lại phải ra ngoài ngủ.

“Lương một ngày là 130 ngàn, tính theo ngày chứ không tính theo tháng. Mà làm ngày nào tính ngày đó, nghỉ ốm hay có công việc gì là không được tính tiền. Trời mưa thì cũng buộc phải nghỉ. Vậy nên một tháng trung bình cũng được khoảng 21 – 25 ngày công là cùng thôi. Nhận tiền rồi lại lo đóng tiền học cho 2 em. Em Hoàn tiền học, nếu không tính phát sinh thì một tháng rơi vào khoảng 2 triệu rưỡi, còn em thứ 2 là 1 triệu. Nhưng cũng có tháng em cần tiền gấp, như tháng đi học Tiếng Anh chẳng hạn, cô chú lại phải xin ứng lương trước 5 triệu rồi làm trả nợ sau. Nói chung tiền làm ra đủ nuôi 2 em ăn học cũng mừng rồi. Cũng may cả 2 đứa đều ham học, em trai Hoàn hiện đang học chuyên văn ở trên huyện.” - cô tâm sự.  

Biết được nỗi khó nhọc và vất vả của bố mẹ, Hoàn càng chăm chỉ học tập. Mỗi lần bố mẹ kể về công việc của mình, tôi bất giác thấy đôi mắt em buồn hơn hẳn. "Vì nghèo, nên phải cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng bố mẹ" - Em chia sẻ. Cậu học sinh này cũng thường xuyên bỏ ăn sáng để đến lớp, tiết kiệm tiền cho bố mẹ, trưa và tối chỉ ăn hết tổng cộng 30 ngàn đồng tiền cơm. Có lẽ cũng vì học hành vất vả, cuộc sống tự lập với điều kiện ăn uống không đầy đủ khiến cậu học sinh lớp 11 này trông gầy gò hơn các bạn cùng lứa.






Bố mẹ Hoàn là những người lao động chăm chỉ, chân chất nuôi 2 con ăn học. Họ vẫn tự hào rằng mình tuy nghèo về tiền bạc nhưng lại có thứ tài sản vô giá, đó chính là sự hiếu học của các con.

Những ngày này, gia đình của Hoàn trở nên đông đúc, nhộn nhịp hơn bao giờ hết khiến cả Hoàn và bố mẹ đều rất vui mừng, cảm động và tự hào. Khoảnh khắc khi Hào từ Nam Phi trở về sân bay Nội Bài đã được chứng kiến mọi người thân, thầy giáo, bạn bè đứng đợi mình tươi cười và vẫy gọi khiến chàng trai chỉ muốn ôm tất cả mọi người ngay lúc đó. Rồi nhiều phóng viên, báo đài đến phỏng vấn là quay phim, chụp ảnh làm căn nhà chốn thôn quê trở nên rộn rã tiếng nói cười. Chỉ ít ngày nữa thôi, Hoàn sẽ lên Hà Nội để dự lễ chúc mừng mà nhà trường tổ chức cho cậu bạn. Niềm tin, nghị lực phi thường và những hoài bão cháy bỏng của cậu học sinh nghèo khó sẽ là tấm gương sáng cho nhiều học sinh Việt Nam.

Ảnh: Doãn Tuấn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày