Ồn ào quanh vụ "tiệc người lớn" và hút shisha của teen

Nắng Nắng, Theo Trí Thức Trẻ 10:26 23/05/2012
Chia sẻ

Có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh sự việc teen trường Quốc tế APU (TP.HCM) <a href="http://kenh14.vn/c4/20120521041048551/xon-xao-su-viec-teen-truong-quoc-te-apu-tham-gia-tiec-nguoi-lon.chn" target="_blank">tham gia tiệc có rượu bia và hút shisha</a>.

Từ một buổi tiệc liên hoan cuối khóa

Sự việc 13 học sinh của trường Quốc tế APU (TP.HCM), tuổi từ 11 đến 17, tham gia buổi tiệc “người lớn” xuất hiện rượu bia, chất gây nghiện đang là vấn đề gây xôn xao hiện nay. Vụ việc được cô V, phụ huynh của bạn H (lớp 8 trường APU) tố cáo. Câu chuyện còn phức tạp hơn khi trong buổi tiệc còn có sự xuất hiện của cô giáo Terri, mặc dù cô Terri đã chối bỏ trách nhiệm với lí do đã ra về trước nhưng phụ huynh của bạn H vẫn liên lạc với Ban Giám hiệu để làm rõ mọi chuyện.



Hình ảnh trong buổi tiệc. (Ảnh: Giaoduc.net)

Sau khi phát hiện ra sự việc "tày trời" này, cô V đã cho con gái mình nghỉ học ngay lập tức. Cho đến thời điểm này, bạn H vẫn không được gia đình cho đến lớp, tạm nghỉ ở nhà đã hai tháng. Cô V nói: “Thà tôi cho con tôi mất một năm học, chứ dứt khoát không thể nào cho cháu quay lại môi trường có nhiều bạn bè hư hỏng. Tôi rất sợ cháu bị rủ rê và hoàn toàn không muốn con mình trở thành một thành phần được cho là tệ nạn xã hội". 

Nhà trường và phụ huynh giải quyết chưa hợp tình hợp lý

Tiếp tục với câu chuyện 13 học sinh trường Quốc tế APU, cô V, phụ huynh bạn H và Tiến sĩ Trần Nguyễn Thy Bình, Chủ tịch HĐQT Trường Quốc tế APU đã có một buổi làm việc về sự việc các bạn uống rượu, hút shisha trong buổi tiệc cuối khóa. Buổi họp còn có mặt cô Terri, giáo viên của trường. Tuy nhiên, cách giải quyết của nhà trường và phụ huynh chưa thực sự hợp lý, càng làm cho sự việc rắc rối thêm.

Về phía cô Bình hiệu trưởng thì cô một mực nhấn mạnh đây là buổi tiệc không phải do nhà trường tổ chức và hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát. Cô cũng nói thêm: “Về vấn đề trong bình (dụng cụ hút) có chất ma tuý hay chất gây nghiện, tôi khẳng định là không có!”. Thế nhưng, hướng xử lý của nhà trường đối với 13 em học sinh trong buổi tiệc lại rất mâu thuẫn. Đó là chép phạt nội quy của nhà trường, trong bản nội quy có những điều cấm: cấm hút thuốc lá, cấm uống rựợu, cấm tụ tập đánh lộn… "Em nào chưa hút shisha, tôi cho chép phạt 1 nội quy, gồm 4 trang. Em nào đã hút, tôi bắt chép phạt gấp đôi..." (?)

Về cách xử lý đối với cô Terri, giáo viên người Mỹ, cô Bình nói: “Cho dù cô Terri cho rằng mình không thấy, không biết lúc các cháu hút chất shisha, chúng tôi cũng sẽ bàn bạc, không tiếp tục ký hợp đồng để cô dạy ở đây nữa, tránh làm ảnh hưởng uy tín của trường”.


Buổi làm việc giữa cô Bình và phụ huynh học sinh. Cô Bình ngăn cản phóng viên chụp ảnh, dù đã có thư giới thiệu của Phó Tổng Biên Tập. (Ảnh: Giaoduc.net)

Lại một lần nữa, cô V (phụ huynh bạn H) "căn vặn" về chuyện hút shisha. Cô Bình khẳng định: "Các em học sinh khá ngây thơ, hoàn toàn không biết đó là cái gì, cứ nghe nói trong đó là nước trái cây thì hút thôi... Tôi nghe nhiều thầy cô, bạn bè nói đây là một loại thuốc hút được phổ biến, không bị cấm ở nhiều quốc gia, như Ấn Độ chẳng hạn." Khi được đặt câu hỏi các em học sinh đều ở độ tuổi vị thành niên, không được hút thuốc, uống rượu, cô Bình trả lời: “Trong vấn đề các em vừa rồi, tôi cho rằng các em là sai. Cho dù các em có hút thuốc lá, uống  champage cũng không được... Tôi muốn nhấn mạnh là nguyên nhân là các em không biết chất nằm trong dụng cụ hút là cái gì, tò mò muốn thử thôi”. Buổi làm việc tiếp tục diễn ra khá gay gắt, cô V tỏ thái độ rất cương quyết và ra quyết định chấp nhận cho con gái mình nghỉ học ở trường APU. 

Sự việc có bị "làm quá"?

Câu chuyện trên chỉ là một vụ lùm xùm giữa phụ huynh, học sinh và nhà trường gây xôn xao gần đây. Tuy nhiên, xung quanh sự việc này có rất nhiều ý kiến trái chiều. Phần đông các bạn trẻ khi biết về sự việc đều cho rằng câu chuyện đã bị “làm quá” lên, đặc biệt là chuyện hút shisha. Các bài báo xung quanh vụ việc này đều đề cập đến shisha như một thứ chất gây nghiện, chất kích thích nguy hiểm, rồi làm hại phổi, ngộ độc...

Vậy shisha là gì và tại sao người lớn lại “sợ” nó đến vậy? Shisha có tên tiếng Việt là thuốc lào Ả Rập, xuất phát từ Ấn Độ, đặc biệt tại Trung Đông và dần dần được biết đến ngày càng nhiều ở các nước. Người hút shisha có một thiết bị một hoặc nhiều thân (thường làm bằng thủy tinh) dùng để hút thuốc lá, trong đó khói được lọc và làm lạnh bằng cách đi qua nước. 

Theo một số nguồn tin – và phần lớn thầy cô cũng như các bậc phụ huynh tin vào thông tin này, lượng khói độc CO cao hơn gấp 4 – 5 lần thuốc lá thông thường, rồi hàm lượng CO cao trong Shisha có thể dẫn đến hư hại não, gây bất tỉnh… Tuy nhiên, điều này là chưa có căn cứ. Nếu nói khí CO độc có thể gây nguy hại thì mọi người cũng cần nhớ là khí thải ra khi đốt than cũng là khí CO. Vì vậy sẽ là hơi quá khi nói khí thoát ra khi hút shisha là “chất gây nghiện, hư hại não, bất tỉnh”.

Bạn T. (19 tuổi) nhận xét: “Cô phụ huynh gọi shisha là “bàn đèn”, là chất kích thích giống như thuốc lắc thì hoàn toàn là không phải. Vụ việc này mình nghĩ không nghiêm trọng đến mức đó, chỉ là một bữa tiệc bình thường thôi mà.” Một cậu bạn khác từng có “kinh nghiệm” hút shisha tên M cũng chia sẻ: “Shisha không gây nghiện. Điểm trừ của nó chỉ là nó thải ra khí CO (nhiều hơn thuốc lá), bởi vì khi hút mình dùng than tre thay vì lửa để đốt. Shisha cũng không có tác động gì lên hệ thần kinh cả, chỉ là nếu ai hút nhiều sẽ dễ gây ung thư vòm họng, bởi vì tại nhiều chỗ người ta hút bằng than củi chứ không phải than tre nên có rất nhiều bụi than không lọc được qua bình nước. Bụi than này bám vào thành họng lâu lâu thì thành bệnh thôi. Đấy là nếu hút thường xuyên, lâu ngày thì mới thế, chứ chỉ hút cho vui trong một vài buổi tiệc thì mình nghĩ là không có vấn đề gì đâu.”

Một số ý kiến về chuyện hút shisha.

Về vấn đề shisha có được sử dụng hay không, Trung tá Ngô Thanh Liêm, Đội phó Đội 6 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC17) Công an TPHCM, cho biết thuốc shisha là hương thảo mộc, không chứa chất kích thích, không phải ma túy nên không cấm sử dụng. Theo ông Liêm, hiện chưa có quy định kiểm tra và xử phạt hút shisha. PC17 cũng chưa phát hiện những biến tướng, trá hình liên quan đến hút shisha.
 
BS Lý Thị Thu Vân, Trưởng khoa Hồi sức-Cấp cứu BV Nguyễn Trãi (TP.HCM), cho rằng hiện vẫn chưa có công trình khoa học nghiên cứu hút thuốc shisha ảnh hưởng xấu sức khỏe hoặc gây nghiện hay không. Tuy nhiên, khi đốt thuốc shisha, thảo dược trong thuốc sẽ cháy và tạo ra khí carbon monoxide (CO). “Nếu hút shisha trong phòng kín, có máy lạnh thì khí CO không thoát ra ngoài. Hít CO với lượng nhiều sẽ ức chế trung tâm hô hấp, làm mất sự trao đổi khí của các phế nang ở phổi, dẫn đến tình trạng suy hô hấp, hôn mê, đưa đến tử vong”, BS Vân lưu ý.
 
Nếu shisha gây nguy hiểm đến thế thì hẳn đã phải có chính sách nghiêm cấm hoặc giới hạn độ tuổi người hút, trong khi thực tế là chưa có. Bản thân shisha là một phần văn hoá của các nước Ả Rập, có cả những loại shisha “xịn” dùng hoa quả tươi, hoa quả sấy khô… rất thú vị. Nhưng vấn đề ở đây là shisha vẫn có những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe (khí CO rất độc), vì thế nếu muốn sử dụng, teen cần được sự cho phép và giám sát của người lớn. Không nên vì ham vui, muốn thử mà tự tiện tổ chức hút shisha, các bạn ạ.

Nếu trong chừng mực nhất định và có sự giám sát của người lớn thì việc thử hút shisha chưa hẳn là vấn đề quá nghiêm trọng.

Vậy ai đúng, ai sai?

Giờ các bạn đã hiểu rõ hơn về shisha - nó không bị cấm, nhưng không được khuyến khích ở lứa tuổi vị thành niên. Vậy trong sự việc 13 bạn học sinh ở trường APU, ai là người có lỗi?

Trước tiên, chúng ta cần xác định rằng những người gây ra sự việc, ở đây là các bạn học sinh, sẽ là người có lỗi nhiều hơn. Bởi rõ ràng nếu các bạn ấy không tổ chức bữa tiệc thì đã chẳng có những chuyện ầm ĩ như thế này. Tuy nhiên, cách giải quyết chưa hợp lý của nhà trường và phụ huynh trong trường hợp này đã khiến cho mọi chuyện xấu đi. Cô V là phụ huynh khi biết tin, đáng lẽ nên làm việc nhẹ nhàng với thầy cô và con của mình trước khi làm mọi chuyện rùm beng trên báo chí. Hành động này chỉ khiến mọi chuyện thêm tồi tệ, bây giờ sự việc đã nghiêm trọng đến mức khi cô Bình hiệu trưởng nói bạn H vẫn có thể quay lại trường học, cô V đã khẳng định: “Tôi xin cám ơn lời mời của cô. Nếu đưa cháu trở lại môi trường này, dù 1 tiếng đồng hồ, tôi cũng không dám. Tôi rất sợ con gái tôi bị bạn bè xấu rủ rê, sa vào tệ nạn.” Kết cục này là điều không ai muốn, bởi khi nhà trường và phụ huynh có xích mích thì chỉ có các bạn học sinh là khổ nhất. Hiện chúng tớ không liên lạc được với 13 bạn học sinh trong sự việc trên, tuy nhiên theo những nguồn tin thân cận, các bạn học sinh trường APU đang rất hoang mang. Còn bạn H, người trực tiếp liên quan đến vụ lùm xùm - coi như đã mất trắng một năm miệt mài đèn sách, học bạ dở dang, muốn xin chuyển trường cũng không được, lại rất mất thời gian và ảnh hưởng đến con đường học tập của bạn ấy.

Vụ việc này cũng gióng lên hồi chuông về sự quản lý của nhà trường và phụ huynh đối với các bạn học sinh. Ý kiến của cô V tại buổi họp mặt dù gay gắt nhưng không phải là không xác đáng: "Ở đây là học đường, các em là những đứa trẻ đang phát triển về tâm sinh lý, nhà trường phải có nhiệm vụ quan tâm sâu sát các cháu. Huống hồ sự việc vừa rồi, có sự chứng kiến của cô Terri, giáo viên của trường. Riêng trường hợp cháu H, cô Terri đã nhiều lần gọi điện thoại xin phép tôi cho cháu tham dự buổi tiệc, vì tin tưởng quá, tôi đã cho cháu tham gia.” Qua sự việc này, chúng ta có thể thấy rằng nhà trường cần quan tâm sát sao tới các bạn học sinh hơn, tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra. Bản thân các bậc làm cha làm mẹ cũng nên có kế hoạch kết hợp với nhà trường để theo sát con em mình một cách hợp lý. Nếu cô V cương quyết không cho con gái đi dự tiệc, hoặc tìm cách liên hệ với nhà trường để có thể nắm rõ tình hình buổi liên hoan, thì sự việc đã khác.

Lại nói đến chuyện liên hoan, đây là chủ đề đang rất mang tính thời sự, bởi giai đoạn này là thời gian các bạn kết thúc năm học, chia tay bạn bè, trường lớp... Trao đổi thêm với các bậc phụ huynh về chuyện liên hoan cuối năm, chúng tớ cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Cô M.A (phụ huynh của một nữ sinh lớp 12) nói: "Năm nay là năm cuối cấp, con gái cô cũng hay xin phép mẹ cho đi liên hoan này, party kia, để chia tay bạn bè, thầy cô. Cô rất ủng hộ những chuyện này, bởi đó là dịp để ghi lại những kỉ niệm bạn bè, thầy trò mà không phải lúc nào cũng có được. Thế nhưng, cô cũng rất sát sao, cô thường xuyên đưa đón con gái đi học nên nhớ mặt hết các bạn bè của con. Nếu con đi ăn liên hoan cùng với những người bạn "lạ" là cô biết ngay, hoặc buổi tiệc có gì đó bất thường (như về quá khuya, địa điểm quá xa hoặc là tại quán bar, quán rượu...) thì cô sẽ nhất quyết từ chối không cho con gái đi."

Một phụ huynh khác là cô T.T (phụ huynh học sinh lớp 11) thì cho rằng gia đình cần quan tâm tới con cái một cách nhẹ nhàng và tâm lí, chứ không nên quá gay gắt: "Chuyện con gái đi chơi, đi liên hoan cuối năm là không thể cấm được, và bố mẹ cũng không nên cấm. Đừng nên vì những chuyện ồn ào trên báo chí mà lại cấm cản con của mình giao lưu, liên hoan với bạn bè. Nhưng cô nghĩ bố mẹ nên chủ động trò chuyện với các con nhiều hơn để hiểu các con đang làm gì, đang chơi với ai. Rõ ràng, một khi các bậc phụ huynh nắm chắc tình hình của con mình, cũng như các mối quan hệ bạn bè của con, thì làm sao có chuyện đáng tiếc xảy ra được?"

Kết

Để khép lại vụ việc này, chúng tớ chỉ muốn nhắn nhủ đến các bạn học sinh một điều: Vui chơi, tiệc tùng liên hoan cuối năm là tốt, tuy nhiên teen mình nên thông báo rõ với bố mẹ và thầy cô về kế hoạch buổi tiệc, tránh để xảy ra những chuyện không đáng có. Chuyện rượu bia, sử dụng các chất kích thích... các bạn cũng nên tránh, chúng mình đang tuổi học sinh, tốt nhất là không sử dụng những thứ đó, vừa khiến bố mẹ, thầy cô phiền lòng, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, đầu óc, nhất là các bạn sắp phải thi cuối cấp nữa. Đang dịp cuối năm, chúng mình nên chú ý vấn đề này để những buổi tiệc chia tay được "vui" theo đúng nghĩa nha!
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày