Ở tuổi xế chiều, ai cũng mong muốn có một cuộc sống an nhàn, quây quần bên con cháu. Thế nhưng đối với cặp vợ chồng 60 tuổi dưới đây, cuộc sống của họ đã rẽ sang một hướng không thể ngờ tới khi dành toàn bộ tâm huyết và tài sản để đầu tư cho con du học.
Câu chuyện được một tác giả ẩn danh chia sẻ về gia đình của dì ruột mình trên mạng xã hội, thu về nhiều lượt tương tác.
*Tên nhân vật trong câu chuyện đã được thay đổi.
“Vợ chồng dì Lan, chú Minh sống ở TP.HCM, cả đời tần tảo, tích cóp từ một cửa hàng tạp hoá nhỏ. Chú dì có một cậu con trai duy nhất là Trung nên từ nhỏ, Trung đã được bố mẹ yêu thương, bao bọc và là niềm hy vọng lớn nhất của gia đình. Khi Trung thi đậu vào một trường đại học ở Úc, hai ông bà không ngần ngại bán căn nhà đang ở, dồn hết tài sản để lo cho con đi du học, với mong muốn Trung có một tương lai tươi sáng và sau này sẽ đón họ sang sống cùng.
Những năm đầu, mọi chuyện vẫn rất vui vẻ khi Trung thường xuyên gọi về, chia sẻ cuộc sống ở Úc. Trung luôn thể hiện sự cố gắng học tập và bày tỏ mong muốn sau này lo cho cha mẹ. Điều đó khiến vợ chồng dì Lan cảm thấy được an ủi phần nào, tin rằng hy sinh của mình là đúng đắn.
Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, sau vài năm, tần suất những cuộc gọi ngày càng thưa thớt. Lần gần nhất gọi về, Trung cũng chỉ thông báo qua loa rằng anh đã tốt nghiệp nhưng vẫn chưa xin được việc tại công ty mà đang đi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt. Dì Lan và chú Minh cũng chỉ biết đến vậy và bày tỏ lo lắng, tìm cách kiếm thêm thu nhập để có thể gửi sang hỗ trợ cho con. Thế nhưng, dù luôn nghĩ về con trai nhưng cả hai đều không biết Trung đã có một quyết định quan trọng mà không bàn bạc với gia đình.
Một ngày khi Trung gọi về, anh báo tin khiến ông bà bàng hoàng. “Con đã kết hôn với Vân, tụi con quen nhau khi đi làm thêm chung trong một quán ăn. Và chúng con mới sinh con đầu lòng”, Trung nói.
Cú sốc không chỉ dừng ở việc Trung tự ý kết hôn mà còn bởi hoàn cảnh của con dâu dì Lan. Vân không có nghề nghiệp ổn định, mới sinh nên chỉ ở nhà chăm con. Điều này đồng nghĩa với việc con trai dì Lan phải một mình cáng đáng toàn bộ chi phí sinh hoạt của cả gia đình. Không chỉ vậy, vì muốn có nơi ở ổn định, Trung đã vay tiền để mua nhà ở Úc. Gánh nặng tài chính ngày càng lớn khiến anh không thể chu cấp cho cha mẹ như ông bà từng hy vọng.
Ở tuổi 60, dì Lan và chú Minh đã nghĩ đến chuyện sang Úc định cư cùng con trai nhưng khi đề cập đến chuyện này, Trung thẳng thắn từ chối. Anh giải thích với cha mẹ: “Con vẫn chưa thể xin được việc, vẫn đang đi làm thêm nhiều nơi nên với mức lương hiện tại, con chỉ có thể gồng gánh tiền nhà, chi phí sinh hoạt cho vợ con. Việc bảo lãnh ba mẹ sang Úc không chỉ cần tiền vé máy bay mà còn phải chứng minh tài chính, đảm bảo có đủ khả năng chăm sóc ba mẹ trong thời gian dài. Con xin lỗi nhưng những điều này với con quá khó khăn”.
Ảnh minh hoạ
Nghe xong những lời đó, vợ chồng dì Lan lặng người. Căn nhà đã bán, tiền bạc dồn hết cho con, họ không còn gì trong tay. Giấc mơ sang Úc đoàn tụ cũng trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
Cuộc sống ở TP.HCM, dì Lan và chú Minh phải ở nhà nhà người thân - là nhà ba mẹ tôi. Dù ruột thịt, gia đình tôi cũng rất thoải mái nhưng việc tá túc lâu dài khiến chú dì cũng không thể tránh khỏi cảm giác tủi thân. Họ cũng không thể làm thêm công việc gì vì tuổi đã cao, sức khoẻ cũng không quá tốt, trong khi con trai ở xa mà cũng chẳng thể giúp đỡ.
Chú Minh thở dài: “Ngày trước cứ nghĩ con thành đạt thì cha mẹ sẽ được nhờ. Ai ngờ lại ra nông nỗi này." Còn dì Lan lặng lẽ gạt nước mắt, lòng trĩu nặng khi nghĩ về những năm tháng hy sinh mà không được hồi đáp”.
Câu chuyện được tác giả bỏ ngỏ, cũng không ai biết họ đã giải quyết thế nào để cuộc sống bớt bộn bề. Tuy nhiên với cư dân mạng, đây dường như là một bài học đắt giá để họ có thể hiểu rằng: Cha mẹ yêu thương con cái là điều hiển nhiên nhưng không có nghĩa là hy sinh tất cả mà không giữ lại chút gì cho bản thân.
Nhiều người cho rằng, không ít gia đình có suy nghĩ "bán hết cho con du học, sau này con sẽ lo lại", nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như mong đợi. Cuộc sống ở nước ngoài có nhiều áp lực, con cái phải lo cho gia đình riêng, đôi khi họ không còn đủ khả năng để chăm sóc cha mẹ. Do đó nếu ông Minh, bà Lan giữ lại một phần tài sản, có thể họ đã có cuộc sống ổn định hơn khi về già mà không phải dựa dẫm vào con cháu.
Song, netizen cũng bày tỏ sự không đồng tình với cách làm của Trung khi tự ý quyết định kết hôn, không nghĩ đến hoàn cảnh gia đình hay quan tâm đến bố mẹ.
- “Thất vọng thật. Bố mẹ nào cũng chỉ muốn tốt cho con, sẵn sàng hy sinh tất cả để con sống đầy đủ, hạnh phúc và giờ phải nhận lại những câu nói như vậy từ con trai, tim nào chịu nổi”.
- “Tại sao không chia sẻ với bố mẹ về chuyện kết hôn nhỉ? Bố mẹ lo cho đi học bao năm mà giờ ra trường không thể gửi tiền về cũng không đón được bố mẹ sang. Nghe mà chỉ biết thở dài”.
- “Tôi thấy câu chuyện này là một lời nhắc nhở rằng, trong bất kỳ quyết định nào liên quan đến tài chính và gia đình, sự cân nhắc kỹ lưỡng là vô cùng quan trọng. Đừng để tình yêu thương mù quáng biến thành một sai lầm không thể cứu vãn”.
- “Nên mình luôn quan niệm bố mẹ vẫn cần có khoản tiền riêng của họ để dưỡng già. Đó có thể là tiền tiết kiệm từ khi đi làm, tiền con cái biếu,... Vì như vậy ông bà cũng thoải mái, vui vẻ hơn trong cuộc sống”.