Đối với phần còn lại của thế giới bên trời Tây - phái dùng dao và nĩa, thì việc cầm đôi đũa trên tay là một việc gì đó vi diệu lắm. Song, đa phần những đứa trẻ châu Á đều được sinh ra với bản năng cầm đũa. Chúng ta hầu như chẳng ai nhớ được mình cầm đũa từ khi nào, làm thế nào để học được... điều ấy đến tự nhiên đến mức chẳng ai quan tâm đến thứ dụng cụ ăn uống vốn quá quen thuộc. Thậm chí, chúng ta chẳng bao giờ thấy lạ lùng khi bạn bè cùng lãnh thổ châu Á cũng dùng đũa, xem như hiển nhiên. Càng không bao giờ nhận ra rằng cũng như các phương diện văn hoá khác, đũa dù tương tự nhau, nhưng vẫn có những điểm rất riêng theo đặc thù của từng quốc gia.
Hãy cùng chúng mình khám phá sự đa dạng của món "vũ khí" không thể thiếu trên bàn tiệc của những "thực thần" phương Đông nhé!
Đũa của Trung Quốc có kích cỡ dài nhất do bàn ăn... quá to.
Nhiều nguồn thông tin cho rằng lịch sử của những đôi đũa bắt đầu từ hơn 5000 năm về trước, và có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thời xưa, đũa được làm từ gỗ gộc, tre nứa... Ban đầu, mục đích của đũa là dùng để gắp những món ăn trong nồi nấu hay nướng trên lửa để tránh bỏng tay. Cũng có chuyện xưa kể lại là điều này bắt đầu từ nàng Tây Thi nước Việt, vì để lấy lòng Ngô Vương mà nghĩ ra dùng cách này để gắp thức ăn bón cho vua. Ngô Vương cảm thấy cách ăn uống này rất thanh lệ và tao nhã, thế là bèn học theo và người Trung Quốc bắt đầu dùng đũa như vậy.
Đũa của người Trung Quốc thường dày và dài hơn đũa của người Nhật và người Hàn. Lý do là vì bàn ăn của người Trung thường rất rộng, nên đũa cũng theo đó mà được làm dài hơn để có thể gắp được thức ăn.
Đũa của người Nhật rất chú trọng trang trí tỉ mỉ.
Đũa từ Trung Quốc du nhập vào nước Nhật và Hàn đâu đó khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Từ đôi đũa làm từ gỗ thừa của người Trung, người Nhật đã phát triển thành vô số những loại khác nhau dùng cho nhiều mục đích khác nhau. Người Nhật có loại đũa riêng để nấu ăn, cũng có loại riêng dành cho đám giỗ, cúng kiến, có loại riêng chỉ được sử dụng cho một số món ăn nhất định như đồ ngọt truyền thống.
Ở thời hiện đại, đũa Nhật Bản được làm từ hai loại nguyên liệu phổ biến là gỗ và nhựa, song từ xưa đã có tiền lệ làm từ xương, kim loại hoặc thậm chí là ngà voi. Đũa ngà voi thường dành cho các sự kiện đặc biệt trang trọng như lễ lạc, cúng kiến. Đũa Nhật Bản thường có đầu tròn và ngắn hơn đũa Trung Quốc một chút. Những chiếc đũa Nhật cũng như mọi thứ khác của đất nước này, đều được trang trí tỉ mỉ tinh tế bằng các hoạ tiết vẽ hoặc điêu khắc.
Đũa ở Hàn thường được làm bằng kim loại.
Nếu bạn từng đi ăn ở các quán ăn gốc Hàn Quốc, bạn sẽ nhận ra một điều, ấy là hầu như không thấy đũa gỗ. Những chiếc đũa của Hàn Quốc phần lớn đều được làm bằng kim loại như thép không gỉ hoặc bạc. Và do kim loại thường khá trơn, nên những chiếc Đũa Hàn Quốc được làm tròn và nhọn ở phần cuối để có thể dễ dàng gắp thức ăn hơn. Ngoài ra, có thể việc này liên quan đến văn hoá ăn riêng bàn từ xưa của Hàn, và kích cỡ nhỏ của các chiếc bàn mà đũa của Hàn Quốc thường ngắn nhất trong số các loại đũa các nước (do không phải gắp thức ăn quá xa).
Ngoài ra, nếu bạn có dịp đi du lịch Hàn Quốc thì sẽ thấy đũa và muỗng bạc được bán trong các cửa hàng lưu niệm rất nhiều. Chiếc đũa kim loại kèm chiếc muỗng là một đặc trưng ăn uống trong văn hoá Hàn Quốc.
Chất liệu đũa Việt Nam khác biệt theo vùng miền. Đũa gỗ dừa là loại đũa khá phổ biến trong miền Nam.
Về mặt hình thức, đũa Việt Nam thường khá giản dị và không quá cầu kì. Ngoài ra, có nhiều nguồn tin cho hay nguyên liệu làm đũa đa dạng theo vùng miền. Ví dụ như đũa ở truyền thống ở miền Bắc thường được làm từ tre, trong khi ở miền Nam thì thường được làm từ gỗ dừa, còn có cả gỗ cau... Song "thuỷ tổ" của các loại đũa trên thì đều được làm từ tre.
Trái với những nước khác có nhiều đặc trưng về chất liệu đũa, người Việt Nam lại có những nguyên tắc nhất định trong việc dùng đũa. Cách dùng đũa trong bữa ăn có thể nói lên rất nhiều điều về ý thức của một người. Ở nhiều nơi, việc xoay đầu đũa khi gắp thức ăn cho người khác được xem là phép lịch sự, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc với mọi người.