"Giờ vàng" - khung giờ phát sóng từ 20h đến 22h mỗi tối từng là niềm tự hào của phim truyền hình Việt, cụ thể hơn là của sóng truyền hình quốc gia VTV. Đây không chỉ đơn thuần là khoảng thời gian đông người xem nhất trong ngày, mà còn là một phần ký ức văn hóa của nhiều thế hệ. Người người, nhà nhà canh đúng giờ để mở tivi. Những thước phim phát sóng thời điểm ấy không chỉ được xem mà còn được cảm, được bàn tán sôi nổi, được sống cùng với khán giả.
Không cần nhìn lại quá xa đến thời Chạy Án, Ma Làng hay Đất Và Người, chỉ trong vòng mười năm trở lại đây, phim giờ vàng Việt Nam từng thực sự tạo nên những đỉnh cao. Loạt phim như Người Phán Xử, Sống Chung Với Mẹ Chồng, Về Nhà Đi Con… đã chứng minh rằng sóng truyền hình vẫn có thể tạo được hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, thậm chí vượt cả kỳ vọng. Từ thoại phim trở thành trào lưu mạng, đến nhân vật được yêu ghét rõ ràng, khán giả thời ấy không đơn thuần là người xem mà còn là người đồng hành, người phản biện, người lan tỏa nội dung, giúp phim bùng nổ chưa từng thấy. Lúc này, phim không còn là sản phẩm giải trí đơn thuần, mà trở thành một phần trong dòng chảy đời sống, để khán giả có thể yêu, ghét, thậm chí là nổi đoá đến mức phải "khẩu nghiệp" trên mạng xã hội, thậm chí là "khẩu chiến" vớ cả diễn viên.
Về Nhà Đi Con từng được tung hô là phim quốc dân
Đó là lúc phim truyền hình Việt có sức mạnh tạo ra hiện tượng xã hội. Mỗi tối, vô số khán giả bật tivi đúng giờ, mạng xã hội thì rộn ràng bình luận. Một cảnh phim, một cú twist, hay chỉ là một câu thoại hay cũng đủ làm dậy sóng trên MXH. Thậm chí không ít phim đã thành chủ đề bình luận kéo dài suốt nhiều tuần, len lỏi vào các cuộc trò chuyện đời thường, trở thành mối quan tâm chung của xã hội. Những tác phẩm nóng đến mức không cần quảng bá, không seeding bẩn, vẫn tự lan truyền mạnh mẽ, đó mới thực sự là “giờ vàng”. Thời điểm ấy, chỉ cần một cú liếc của bà mẹ chồng, một lời nói vô tâm của người yêu cũ hay một màn phản kháng dữ dội của nữ chính cũng đủ để trở thành chủ đề thảo luận suốt nhiều ngày. Phim vô tình trở thành chất xúc tác, thành mồi lửa tác động mạnh mẽ tới đám đông theo cách không cần chiêu trò, bởi bản thân nó đã quá hot.
Giữa bối cảnh đó, Hương Vị Tình Thân lên sóng năm 2021 như một cơn lốc cuối cùng trên sóng giờ vàng. Dù bị chê về thời lượng lê thê, kịch bản phi lý, diễn biến kéo dài mệt mỏi và thiết lập nhân vật nữ chính quá tệ nhưng không thể phủ nhận phim đã chạm đến tâm lý người xem và tạo nên cơn số bùng nổ. Những nhân vật như Nam, Long, ông Sinh... không chỉ là vai diễn, mà trở thành biểu tượng cảm xúc suốt một thời gian dài. Hàng loạt fanpage, group kín mọc lên chỉ để bàn về từng tập phim. Clip trích đoạn viral khắp nơi, ảnh chế phủ kín mạng xã hội. Người yêu, người ghét, người khen, thậm chí có cả người mắng chửi, nhưng đâu đâu người ta cũng biết đến phim. Ở một góc độ nào đó, Hương Vị Tình Thân là bộ phim cuối cùng thật sự đạt đến hiệu ứng “quốc dân” của phim giờ vàng trong khoảng 5 năm gần đây.
Hương Vị Tình Thân từng tạo nên cơn sốt
Kể từ sau thành công ấy, khung giờ từng được xem là vàng son của truyền hình Việt bắt đầu trượt dài trong im lặng. Không còn hiện tượng lan tỏa mạnh mẽ, kể cả khi có chất lượng tốt thì cũng không đủ tạo thành làn sóng.
Một vài phim như Thương Ngày Nắng Về, Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình, Lối Nhỏ Vào Đời,… vẫn có lượng người xem trung thành, vẫn giữ được nội dung khá mạch lạc, nhưng không thể tạo ra cơn sốt truyền thông. Mọi thứ diễn ra trong yên ả, có người xem nhưng không thực sự bùng nổ trên truyền thông, MXH. Phim Việt thời kỳ hậu Hương Vị Tình Thân rơi vào một vùng trũng vô hình, nơi khán giả không quá ghét, cũng không quá yêu và cũng không dành quá nhiều thời gian để bàn luận về nó.
Thương Ngày Nắng Về có hot nhưng bùng nổ thì chưa
Thực trạng buồn hơn đang diễn ra chính ở thời điểm hiện tại. Hai bộ phim đang lên sóng giờ vàng là Dịu Dàng Màu Nắng và Mặt Trời Lạnh đều không đáp ứng được kỳ vọng, thậm chí còn khiến khán giả hụt hẫng. Dịu Dàng Màu Nắng ngay từ những tập đầu đã bị chê bai thậm tệ: từ kịch bản thiếu chiều sâu, diễn biến rề rà, thoại khô cứng đến diễn xuất đơ cứng của tuyến nhân vật chính. Dù mang màu sắc tâm lý gia đình, hành trình trưởng thành của người trẻ - vốn là thế mạnh trên sóng truyền hình Việt nhưng phim lại không tạo được sự gắn kết, không khiến người xem cảm thấy thực sự hào hứng, đồng cảm. Mọi thứ diễn ra một cách mệt mỏi, lặp lại, nhạt nhòa và thiếu cảm xúc.
Trong khi đó, Mặt Trời Lạnh thì lại thực sự khiến khán giả “lạnh” ngay từ tạo hình nhân vật. Màu phim xám xịt, bối cảnh thiếu điểm nhấn, thiết lập nhân vật hời hợt, mọi nỗ lực gây tò mò đều thất bại vì cách kể chuyện thiếu kịch tính, thiếu chiều sâu và thiếu cả sự quan tâm từ khán giả. Sau vài tập đầu bị chê về kỹ thuật, đến hiện tại thì thậm chí không còn ai buồn chê nữa. Và đó mới là đỉnh cao của sự flop khi không còn mấy ai nhắc đến hay muốn bỏ thời gian để tranh cãi về dự án này.
Phải thừa nhận rằng, phim truyền hình Việt vẫn còn nhiều đạo diễn giỏi, diễn viên tốt, ekip tận tâm nhưng mọi thứ đang bị bó buộc trong những câu chuyện quá an toàn. Những đề tài quen thuộc như gia đình, yêu đương, hiểu lầm, hôn nhân, ngoại tình... được khai thác liên tục, với hình mẫu nhân vật lặp đi lặp lại trong loạt phim như Chúng Ta Của 8 Năm Sau, Hành Trình Công Lý, Trạm Cứu Hộ Trái Tim,... thậm chí là cả Lửa Ấm (một phim về lính cứu hỏa). Sự sáng tạo bị triệt tiêu bởi nỗi sợ khán giả không quen cái mới, sợ không ai tranh cãi, bàn luận nhưng chính sự cũ kỹ đó mới là lý do khiến khán giả quay lưng.
Giờ vàng nếu không còn được khán giả đợi chờ, không còn tạo ra sự kiện mỗi tối, không còn khiến người ta bực tức, xúc động hay hả hê vì phim thì có còn gọi là "vàng"? Dĩ nhiên dùng từ "giờ tàn" ở thời điểm này thì còn hơi vội, phim VTV vẫn đang có những tác phẩm hay, xứng đáng bùng nổ hơn, nhưng để sống lại đúng nghĩa trong lòng công chúng, thì có lẽ chúng ta vẫn cần một cuộc thay máu thật sự.