Giai thoại về tác giả Đồi gió hú

Nuage, Theo Trí Thức Trẻ 00:40 16/10/2013

Xung quanh cuộc đời Emily Brontë là những câu chuyện truyền miệng gây tò mò về đời sống riêng tư. Những giai thoại càng làm bí ẩn thêm cuộc sống của người phụ nữ yếu đuối, mẫn cảm ngay cả trong đời thường và tác phẩm.

“Những tiểu thuyết gia mới Currer, Acton, và Ellis Bell”, năm 1846, độc giả Anh bắt đầu nhắc tới ba quý ông làm thơ cùng sinh trưởng trong một gia đình mà không hay biết rằng đó là ba ái nữ nhà mục sư Brontë: Charlotte, Anne và Emily. Nổi bật nhất trong ba chị em có lẽ là nữ văn sĩ Emily, tác giả của cuốn tiểu thuyết lừng danh Wuthering Heights (Đồi gió hú) một con người kỳ lạ đến nỗi chính người thân cũng không hiểu trọn tâm tư của bà. 

Không hiểu mình đang viết gì?

Trong khi các nhà văn lớn đều nhận thức rất rõ đường hướng cho tác phẩm của mình, phần lớn cuộc đời viết lách, Emily Brontë viết một cách thụ động, không có một quy tắc riêng nào. Khi bắt buộc phải vẽ ra một đường hướng phát triển cho tác phẩm của mình, bà tỏ ra bất lực vì không thể. Sáng tác, với Emily chỉ là viết ra những gì mình buộc phải viết. Chính người chị Charlotte cũng từng nói rằng “Emily không có sự khôn ngoan… Một thông dịch viên phải luôn luôn đã đứng giữa em ấy và thế giới”. Giống như người chị Anne, Emily luôn luôn viết từ sự thúc đẩy của thiên nhiên, mệnh lệnh của trực giác và những kinh nghiệm hạn chế tích lũy được từ cuộc sống. Nói cách khác, theo Charlotte độc giả không nên đổ lỗi cho nữ văn sĩ vì những chi tiết gây sốc trong tác phẩm của bà, đơn giản vì đó không phải là sự dụng ý mà là bản năng tự nhiên của một tư duy viết lách hết sức nguyên sơ. 

Tuy nhiên, trong cuộc sống đời thường, Emily Brontë là người quản lý toàn bộ những khoản chi tiêu trong gia đình. Bà đã dành gần một năm ở trường Monsieur Heger tại Bỉ, nghiên cứu văn học Pháp và giảng dạy âm nhạc. Nhờ đó, nữ văn sĩ có thể đọc tiếng Latin, yêu thích đọc sách. Trong nhật ký của mình, rất nhiều trang viết của Emily Brontë cũng đề cập tới việc đọc, học trong thư viện của những thành viên trong gia đình. Các nhà nghiên cứu cũng xác nhận rằng nữ văn sĩ nổi tiếng của nhà Brontë là một con người hết sức tỉnh táo, logic. Bà có một khả năng lập luận thuyết phục và thường sửa lại các bản thảo đã viết cách đó nhiều năm. Điều này ngược lại với phát biểu của người chị, Charlotte rằng em gái bà mơ mộng, ngây thơ chứ không bạo liệt như mọi người vẫn tưởng. Nguyên do, giống như cách ba chị em họ dùng những bút danh của nam giới khi gửi tác phẩm cho nhà xuất bản: xã hội nước Anh thời Victoria không có chỗ cho những phụ nữ mạnh mẽ, tỉnh táo và sâu sắc.

Giai thoại về tác giả Đồi gió hú 1
Chân dung Emily Brontë do em trai Patrick Branwell Brontë vẽ

Quá lập dị để có thể hòa nhập với xã hội?

Trong 30 năm tồn tại trên cõi đời, Emily Brontë rất ít khi rời khỏi tư gia. Lần rời nhà lâu nhất của bà có lẽ là vào thời điểm năm 1842, khi nhận làm gia sư tại trường nữ thục Patchett ở đồi Law, gần Halifax nhưng rồi sớm bỏ việc sau 6 tháng vì nhớ nhà. Trước đó, Emily cũng rời trường học ở Cowan Bridge rồi trường Roe Head vì cảm thấy không thể sống ở một nơi xa lạ. Emily không thể chịu đựng những kỷ luật khắt khe của trường học thời bấy giờ, sức khỏe của cô gái vốn đã yếu càng trở nên suy sụp khi không thể ở bên cạnh những gì thân thiết với cô ngay từ thuở lọt lòng. 

Giống như năm anh chị em khác đã thiệt mạng vì bệnh lao, Emily Brontë cũng bị căn bệnh này hành hạ hàng năm trời, phá hủy phổi, khiến bà bị ho mãn tính, việc hô hấp trở nên khó khăn. Thêm vào đó, tổn thương từ cái chết của hai người chị cả là Maria và Elizabeth khi đang theo học nội trú càng khiến tâm hồn Emily mong manh hơn. Với cô gái trẻ, thời điểm ấy, khi được người cha đón về nhà sau cái chết của hai người chị, trường học trở thành một nơi gieo nỗi chết chóc.

Tình yêu sâu sắc với em trai Patrick Branwell Brontë

Mặc dù Patrick Branwell Brontë đã hủy hoại thanh danh của gia đình vì thói nghiện ngập, Emily vẫn tha thứ hết mọi lỗi lầm và dành tình thương yêu sâu sắc cho em trai hơn bất cứ thành viên nào trong gia đình. Ngoài tình cảm ruột thịt, giữa Emily và Branwell còn có một sự kết nối tâm linh hết sức kỳ lạ. Hình ảnh em trai xuất hiện trong một số nhân vật của Emily và bà là người duy nhất trong gia đình vực em trai lên lầu sau những lần ông uống rượu say và trở về nhà. 

Có một câu chuyện truyền miệng rằng, một buổi tối, Branwell ra ngoài uống rượu với bạn bè và trong lúc phấn khích đã kể lại một số phần của cuốn tiểu thuyết mà anh đang viết trong cuộc trò chuyện với họ. Sau khi chị gái của anh, Emily trở nên nổi tiếng với tác phẩm mang tên Wuthering Heights (Đồi gió hú), những người bạn chứng kiến câu chuyện trong quán rượu đã thề rằng đó chính là nội dung cuốn sách mà Patrick Branwell Bront đã kể với họ trong quán rượu hôm nào. Sau cái chết của Branwell, nữ văn sĩ càng trở nên khép mình, xa lánh các chị em còn lại và khác với họ, không nửa lời phán xét lối sống sa đọa của em trai.

Giai thoại về tác giả Đồi gió hú 2
Ba chị em nhà Brontë

Biết trước cái chết của bản thân

Có một bài thơ về Thiên đàng được cho là Emily Brontë viết trước cơn bệnh khiến bà từ giã cõi đời. Trên thực tế, bài thơ này được viết trước cả kiệt tác Wuthering Heights (1847), nghĩa là nhận thức về cái chết đã tồn tại từ trong ý nghĩ của nữ văn sĩ vào cả thời điểm bà đang sung sức. Ba tháng trước khi qua đời, Emily cũng từ chối những điều trị y tế cũng như thăm khám của bác sĩ. Thời điểm bà lâm vào cơn khủng hoảng bệnh tật là sau đám tang của em trai Branwell. Emly quá đau buồn và suy sụp nhưng luôn tỏ ra mạnh khỏe, không bao giờ gọi bác sĩ, không bao giờ ăn sáng trên giường. 

Thực tế, Emily đã mắc cảm lạnh ngay tại lễ tang của em trai và sức đề kháng của bà yếu dần đi. Cộng với việc lao tâm khổ tứ với cuốn tiểu thuyết mới, nữ văn sĩ không còn thời gian để tâm tới bệnh tật. Việc từ chối điều trị cũng là một biểu hiện của việc không tin rằng mình dễ dàng ngã gục. Bà đã luôn muốn tồn tại chứ không phải như một số nhận định rằng Emily muốn kết thúc nhanh chóng cuộc sống của bản thân. 

Mắc chứng biếng ăn

Theo những người viết tiểu sử, nếu sống trong thời đại ngày nay, Emily Brontë có thể sẽ bị đưa đi điều trị tâm thần. Bà bị ám ảnh về khẩu phần ăn, ăn rất ít và sống cô lập, những biểu hiện thường gặp của chứng biếng ăn. Thời đi học, cô nữ sinh nhà Brontë có gương mặt trắng xanh, thất thần mỗi buổi sáng thức dậy. Người chị Charlotte nói rằng em gái mất cảm giác về sự ngon miệng. Theo đó, việc bà qua đời sớm không chỉ là tác động của căn bệnh lao đã giết hàng triệu người mà còn là do chứng biếng ăn khiến sức khỏe suy giảm, mệt mỏi và giảm cân một cách kỷ lục. Trong ba tháng cuối cùng của cuộc đời, nữ văn sĩ gầy gò một cách thảm hại. Tuy nhiên, trong khi người chị Anne, cùng với căn bệnh tương tự, cố gắng tham khảo ý kiến bác sĩ, uống dầu gan cá và chuyển đến sống gần biển để hưởng không khí trong lành mong kéo dài sự sống, Emily trở nên trầm lặng, cự tuyệt mọi cứu chữa và gần như không nói năng gì, kể cả khi mọi người hỏi chuyện. 

Phổi bị hư hại khiến việc hô hấp trở nên khó khăn với người phụ nữ 30 tuổi, những cơn đau ở cơ và ngực cộng với chứng tiêu chảy vẫn không làm tiêu tan hi vọng sống của bà cũng như người thân. Điều này trái ngược với câu chuyện truyền miệng cho rằng nữ văn sĩ chối từ cuộc sống, sự chăm sóc của người thân cũng như việc bà đã bị bỏ đói. 

Giai thoại về tác giả Đồi gió hú 3
Wuthering Heights - Cuốn tiểu thuyết duy nhất làm nên tên tuổi của Emily Brontë 

Người tình bí mật

Những người viết tiểu sử cho rằng Emily Brontë không thể không có một tình yêu với một người nào đó khi bà có thể tưởng tượng ra câu chuyện của Heathcliff và Catherine trong Wuthering Heights. Trên thực tế, tình yêu trong tác phẩm của Emily không có một kết cục viên mãn và không bình thường như hình mẫu Jane Eyre và Rochester của người chị Charlotte. 

Những nhà viết tiểu sử đã cất công đi tìm người đàn ông trong bóng tối của nữ văn sĩ nhà Brontë qua những bài thơ đề cập tới những cái tên nam giới của bà và gán vào đó một mối tình. Tuy nhiên, cuối cùng không có một điều gì đó rõ ràng rằng Emily Brontë đã từng có một người tình. Như nhà thơ lớn, TS Eliot giải thích: “Thật ngu ngốc khi cho rằng những nhà thơ phải trải qua những mối tình lâm ly mới có thể viết những vần thơ tình. Đối với người làm thơ, một tình huống ấn tượng không phải của bản thân họ cũng có thể làm nảy sinh những cảm xúc mạnh mẽ nhất”. Và việc độc giả không tin rằng Emily Brontë không có một mối tình mãnh liệt không liên quan gì tới việc phanh phui một sự thật chỉ xuất phát từ đồn đoán và tưởng tượng. 

Tình yêu động vật

Thời đi học, Emily Brontë đã rất yêu động vật. Cô nữ sinh nuôi và bầu bạn với một chú chó. Trong nhật ký của mình, nữ văn sĩ cũng thường kể chuyện về vật nuôi trong gia đình. Khi gia đình sa sút, Emily đảm nhiệm luôn việc chăm sóc cho vật nuôi một cách tự nguyện và yêu thích. Buổi tối trước khi qua đời, nữ văn sĩ vẫn khăng khăng đòi mang thức ăn cho những chú chó của gia đình, như cách bà vẫn thực hiện lâu nay. 

Charlotte Brontë đốt cuốn tiểu thuyết thứ hai của Emily

Một người viết tiểu sử của Emily Brontë đã có một tiết lộ động trời rằng chị gái Charlotte Brontë đã đốt cuốn tiểu thuyết thứ hai, chưa kịp xuất bản của Emily. Thậm chí, người chị với thái độ kẻ cả đã thay đổi một số di cảo thơ của Emily và hủy một số bài thơ của bà. Điều này khiến độc giả tự hỏi phải chăng cuốn tiểu thuyết của Emily Brontë không hợp nhãn, không ấn tượng và không vượt qua được sự kiểm duyệt của người chị và bà hủy bản thảo là một cách để bảo toàn danh tiếng cho em gái?

Thật không công bằng khi công chúng hiểu sai về Charlotte Brontë khi bà chính là chị gái, người bạn viết, rất thương yêu và luôn bảo vệ em gái. Việc lần lượt chứng kiến những cái chết của người thân khi còn rất trẻ là một cú sốc, một ác mộng trong cuộc đời bà. Sau cái chết của Anne, Charlotte đã luôn hi vọng rằng Emily sẽ ở lại với bà. Việc hủy bản thảo của Emily khiến công chúng tiếc nuối nhưng không thể chỉ trích Charlotte, một người phụ nữ trở nên cô độc với nỗi đau mà bất cứ ai cũng không thể kìm lòng.