Bài học cuộc sống từ “Bố già” của blog

Nuage, Theo Pháp luật xã hội 00:07 09/01/2014

Montaigne được coi là “Bố già” của blog, người đầu tiên viết về mọi chủ đề, phần lớn về tư tưởng, suy nghĩ của bản thân trước các hiện tượng của cuộc sống như nỗi buồn, sự dối trá, sợ hãi, tình bạn, nỗi cô đơn, lương tâm...

Montigne, tên đầy đủ là Michel Eyquem de Montaigne (1533-1592) là một nhà quý tộc, một người trồng nho đồng thời là một chính trị gia sống ở khu vực phía tây nam Périgord (Pháp). Ông bắt đầu viết về chính bản thân mình như một tấm gương soi để chỉnh đốn cách sống mà không thể ngờ rằng tâm niệm đơn giản ấy đã trở thành một phát minh văn hóa lớn. 

Bắt đầu viết lách khá muộn, từ tuổi 39, Montaigne không bắt đầu bằng cách liệt kê thành tích cũng như thời khóa biểu hàng ngày như những người viết nhật ký thông thường. 20 năm viết lách, với 107 bài tiểu luận, ông đã đề cập tới rất nhiều mối quan tâm của con người, từ những vấn đề hiện sinh như cái chết, nghệ thuật sống tới các vấn đề quy mô, phổ quát như nỗi sợ hãi, tình hữu nghị, nỗi buồn, tình yêu và cả những vấn đề nghe có vẻ tầm thường là cách ăn mặc. Trên tất cả, điều Montaigne quan tâm hơn cả là giải đáp những quy chuẩn sâu sắc về cách sống, về đạo đức con người. Montaigne đã viết với tất cả sự tò mò về cuộc sống hiện tại và quá khứ của con người, động cơ đằng sau hành động của họ.

Mặc dù những thay đổi lớn lao của xã hội và văn hóa đã diễn ra hàng thế kỷ trước khi các tác phẩm của Montaigne ra đời, tuy nhiên, điều đặc biệt nhất ở các trang viết của ông là đã đi sâu sát vào từng cá nhân, cho chúng ta hiểu về độ thâm sâu, riêng tư của cảm xúc trong mỗi người. Dường như ông biết tất thảy các ngóc ngách trong tâm hồn mỗi con người, nhưng lại khám phá chúng một cách rất thanh lịch. Bằng những chất liệu phong phú của cuộc sống chứ không thuần túy là triết lý hay sáng tác, Montaigne đã đồng hóa hai khái niệm nhà văn và người thường. 

Bài học cuộc sống từ “Bố già” của blog 1
Chân dung “Bố già” của blog

Các tiểu luận của Montaigne giống như một cuộc trò chuyện xuyên thời gian của ông với những người quan tâm tới tác phẩm của mình, một sự gặp gỡ kỳ diệu giữa tác giả và độc giả. Ông cũng là tác giả của những câu danh ngôn nổi tiếng như “Thuộc lòng không phải là tri thức, đó chỉ là trữ vào trí nhớ những gì người ta dạy cho mình”, “Đọc sách là để mở rộng tầm nhìn, kích thích suy nghĩ và làm phong phú trí tuệ”, “Nội trợ là đức tính chủ yếu của người đàn bà, đức tính đó ta phải tìm kiếm trước mọi đức tính khác, giống như của cải duy nhất để cứu vãn gia đình chúng ta”, “Nghèo vật chất dễ chữa, nghèo tâm hồn không chữa được”, “Mạnh mẽ nhất, đại lượng nhất và đáng tự hào nhất trong mọi đức tính là lòng can đảm đích thực", “Một bộ óc thông minh có giá trị hơn một bộ óc chứa đầy chữ”...

Chuyện cũ kể lại rằng, năm 36 tuổi, trong một lần cùng những người làm đi qua khu rừng phía sau lâu đài của mình, Montaigne đã bị một con ngựa lồng lên, đâm sầm vào ông và khiến nhà quý tộc ngã lăn đùng xuống đất, bất tỉnh. Mặc dù sống sót vì được cứu chữa kịp thời nhưng vụ tai nạn đã ảnh hưởng sâu sắc tới nhận thức của Montaigne về sự sống và cái chết. Điều này đã từng được ông  giãi bày trong một ghi chép và là ngọn nguồn để ông nhìn cuộc sống một cách toàn diện hơn, tôi rèn khả năng mô tả cảm xúc bên trong với một độ chính xác cao. Trong Montaigne có hai cá nhân, một là một người đàn ông Montaigne đang hoạt động trong nhịp sống hàng ngày và một nữa là nhà văn Montaigne đi phía sau, theo dõi và ghi chép, cũng như nữ nhà văn Susan Sontag từng nói: “Một nhà văn là một người quan tâm tới thế giới”. 

Bài học cuộc sống từ “Bố già” của blog 2
20 năm viết lách, với 107 bài tiểu luận, Montaigne đã đề cập tới rất nhiều mối quan tâm của con người

Như những trí thức quý tộc cùng thời, Montaigne chịu ảnh hưởng của triết lý người đời trước, đặc biệt là Seneca - người khẳng định sự cứu rỗi được tìm thấy trong thế giới tự nhiên và Plutarch - người cho lời khuyên rằng chìa khóa để bình yên là tập trung vào những gì hiện diện trước mặt trong từng thời điểm nhất định. Với Montaigne, việc mô tả quan điểm, cảm xúc cá nhân là một công việc gai góc, sự kết nối của các dòng ý thức. Ông viết về tất cả mọi thứ, từ những gì ở trên bàn viết tới những quan sát từ cửa sổ, nhà quý tộc nhìn sâu vào bên trong chính mình để mở ra một chân trời mới lạ.

Không chỉ dạy chúng ta về cách viết, Montaigne còn dạy về cách đọc. Ông đọc rất nhiều, không chỉ để giải trí, giáo dục mà còn là kinh nghiệm để gặp gỡ, tìm hiểu, trao đổi với nhiều nhân vật của nhiều thời đại. Nhà văn người Pháp cũng phát minh ra thuật ngữ Ataraxia - trạng thái cân bằng trong tinh thần. Montaigne học hỏi để sống một cách “phù hợp hơn”. Ông cũng biết cách sử dụng thủ thuật gây mất tập trung để giúp đỡ những người khác, cụ thể là một lần Montaigne đã thực hành thủ thuật này để giúp một phụ nữ đang đau buồn về cái chết của chồng trở nên nguôi ngoai hơn nhờ biết lái câu chuyện sang một khía cạnh tươi sáng hơn.

Bài học cuộc sống từ “Bố già” của blog 3
Tượng Montaigne được đặt ở Paris, thành phố mà sinh thời, ông vô cùng mến mộ

Có một sự nghiệp được tôn vinh “Bố già” của blog vẫn hết sức khiêm tốn. “Tôi có một cuộc sống nhỏ nhoi và chẳng vẻ vang gì”, ông nói. Món quà lớn nhất mà Montaigne dành cho chúng ta có lẽ là sự khoan nhượng với sự không hoàn hảo của ông: Học cách sống, rốt cục là học để sống với sự không hoàn hảo, thậm chí ôm lấy nó. Cuộc sống cần nhằm mục đích là chinh nó, một mục đích riêng biệt. Tượng chân dung của Montaigne được dựng ở khu phố Latin, trước cổng trường đại học Sorbonne (Paris) là một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất nhì Paris hiện nay. Sinh thời, Montaigne từng cảm khái: “Paris luôn trong trái tim tôi từ thời thơ bé. Tôi là người Pháp đích thực nhờ thành phố tuyệt vời này. Đó là một nơi cao vọng có một không hai. Là vinh quang của nước Pháp và là một trong những những vật trang sức cao quý nhất của thế giới”.