Đoàn Dự trong truyện của Kim Dung
Kim Dung thường hay có thói quen đưa các nhân vật có thật vào tiểu thuyết của mình, rồi sáng tạo thêm các chi tiết hư cấu, tưởng tượng khác để tạo nên các tác phẩm cuốn hút biết bao thế hệ độc giả như Tiếu ngạo giang hồ, Thần điêu đại hiệp hay Thiên long bát bộ.
Đoàn Dự trong lịch sử liệu có giống với nhân vật trong truyện của Kim Dung?
Đoàn Dự là một trong rất nhiều nhân vật lịch sử đã được Kim Dung nhắc tới trong bộ tiểu thuyết võ hiệp Thiên long bát bộ. Chàng xuất hiện với thân phận vương tử nước Đại Lý, là con trai của Trấn Nam vương Đoàn Chính Thuần, sau lại kết nghĩa với Tiêu Phong và Hư Trúc. Do cơ duyên xảo hợp mà chàng học được ngón võ Lăng ba vi bộ và Bắc minh thần công. Ở cuối tiểu thuyết, Đoàn Dự trở về Đại Lý, lên ngôi vua và kết duyên với 3 mỹ nhân là Chung Linh, Mộc Uyển Thanh và Vương Ngữ Yên.
Bản thân nhà văn Kim Dung đã từng nhận xét, Đoàn Dự là người thường lưu lại đường lui cho kẻ khác, không hề mang theo tâm kế, lúc nào cũng vui vẻ, thấu tình đạt lý. Ở chàng không có sự lạnh lùng, tàn khốc vô tình của người sinh ra trong gia đình đế vương mà lúc nào cũng si tình, dịu dàng, yêu thích cái đẹp và hết mực thương hương tiếc ngọc.
Hình ảnh Đoàn Dự trong Thiên Long Bát Bộ do diễn viên Lâm Chí Dĩnh thủ vai
Đoàn Dự trong lịch sử với xuất thân cao quý và tài hoa xuất chúng
Vương triều Đại Lý do người Bạch dựng nên, kéo dài từ năm 937 đến năm 1253, trải qua 22 đời vua và sau cùng bị tiêu diệt bởi đế quốc Mông Cổ. Trong thời kỳ hưng vượng nhất, quốc gia Đại Lý trải dài từ khu vực mà nay là tỉnh Vân Nam, Quý Châu đến phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, thậm chí lan rộng ra một phần phía tây của Bắc bộ Việt Nam.
Đoàn Dự, còn có tên là Đoàn Chính Nghiêm, tự Hòa Dự là vị vua thứ 16 của vương triều này. Ông kế nghiệp vua cha Đoàn Chính Thuần và trị vì trong 39 năm - thời gian trị vì lâu nhất trong các đời vua Đại Lý. Sau khi tạ thế, các hoàng đế kế nhiệm dâng cho ông thụy hiệu là Tuyên Nhân đế.
Một cảnh đẹp ở vùng đất ngày xưa là lãnh thổ của nước Đại Lý.
Các đời vua Đại Lý đều phải tuân theo quy chế do Thái tổ Đoàn Tư Bình đặt ra, đó là nếu là con cháu trực hệ hoàng tộc thì 6 tuổi đã bắt đầu học văn luyện võ, 10 tuổi đã biết cưỡi ngựa bắn cung, 13 tuổi phải diễn trận, 15 tuổi thì thông thạo thi từ, nắm được điều binh đánh trận. Nếu không làm được thì sẽ không được truyền ngôi mà phải nhường cho kẻ khác toàn tài hơn.
Với Đoàn Dự thì từ nhỏ ông nổi tiếng là người thông minh và rất ham học hỏi. Thấy vậy, bác của ông là Đoàn Chính Minh đã cho mời Lục Huyền đại sư đích thân dạy dỗ, bồi dưỡng cho ông. Đối với người đệ tử có xuất thân cao quý này, Lục Huyền đại sư đã dạy dỗ hết sức nghiêm khắc, cẩn thận. Sau này nhận thấy tư chất vượt trội của học trò nên chính ông đã mời thêm đồng đạo là Diệu Trừng đại sư cùng dạy.
Tân quân Đại Lý phải là người toàn tài ngay từ nhỏ (ảnh minh họa)
Chính Lục Huyền đại sư đã truyền cho Đoàn Dự bí kíp "Lục môn diệu pháp". Bên cạnh đó, Đoàn Dự còn rất tinh thông thư họa, giỏi vẽ hoa sen và chơi cờ rất tốt. Ông trở thành một người hoàn toàn xứng đáng với ngôi vị cao nhất.
Vị hoàng đế anh minh
Năm 26 tuổi, Đoàn Dự lên ngôi, lấy niên hiệu đầu tiên là Nhật Tân. Sử sách ghi chép rằng, yến hội đăng cơ của ông kéo dài đến 3 tháng, ngày đêm ca hát tại Ngũ Hoa lầu và có hàng chục man bộ cùng các nước láng giềng đều đến chúc mừng. Mọi người ai cũng hy vọng vị tân quân trẻ tuổi tài hoa sẽ trị vì và đưa đất nước ngày một phồn vinh.
Nguyên mẫu của nhân vật trong tác phẩm Kim Dung - Đoàn Dự lên ngôi năm 26 tuổi
Quả thật không phụ sự kỳ vọng của bách tính, sau khi lên ngôi Đoàn Dự chuyên cần chính sự, quan tâm đến dân chúng, ban hành các lệnh giảm thuế và tăng cường giao thương với các nước láng giềng. Kết quả là Đại Lý ngày một hưng thịnh, phát triển.
Nhưng mà 3 năm sau thì đất nước gặp phải đại họa do tiết trời bỗng nóng ran, lục súc bất an, động đất liên tục kéo dài. Cuộc sống nhân dân lâm vào bần cùng, túng quẫn do nghèo đói, bệnh dịch kéo dài; hàng trăm ngàn người rơi vào cảnh vô gia cư do hàng vạn ngôi nhà bị phá hủy. Tiếp đó, nước lũ tràn về rồi lại đến mùa hạn hán khiến mùa màng thất bát, tình hình đất nước ngày càng nguy cấp, bức bách.
Lợi dụng tình hình đó, 37 Man bộ đã xuất hiện quân nổi loạn, xã hội ngày càng bất ổn, loạn lạc. Trong tình cảnh khốn cùng đó, tài năng của Đoàn Dự được bộc lộ rõ ràng nhất. Ông thân chinh cầm quân bình định đất nước, giành được thắng lợi và đưa đất nước trở về trạng thái yên ổn.
Là vua, Đoàn Dự đã thành công duy trì sự ổn định của đất nước
Lúc đầu ông lệnh cho vị quan tên Cao Thái Minh trấn thủ vùng trọng yếu Côn Minh, lại phong tước, phong đất cho 8 người con trai của họ Cao. Tuy nhiên, sau khi Cao Thái Minh chết, con trưởng là Cao Trí Xương lại mang tâm bất phục với triều đình; trong một lần uống rượu với Đoàn Dự thì mới buông lời bất kính, bảo rằng nếu không có họ Cao nâng đỡ thì họ Đoàn đã sụp đổ từ lâu, rằng ngôi báu vốn là phải thuộc về hắn.
Dĩ nhiên khi nghe thấy những lời này, Đoàn Dự vô cùng nổi giận. Những tưởng sau đó ông sẽ ra lệnh xử tử Cao Trí Xương nhưng cuối cùng chỉ lấy tội sàm nghịch mà phạt đày kẻ đó ra thành Thạc Nam. Sau khi hắn bệnh mà chết thì Đoàn Dự còn an ủi gia quyến của Cao Trí Xương và cho làm pháp sự lớn để độ vong linh cho hắn.
Bằng tài năng, Đoàn Dự đã đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khó khăn
Ngoài ra, đối với hai võ sư từng hầu hạ Cao Trí Xương nay tìm cách báo thù cho chủ sau bị bắt được thì Đoàn Dự cũng mở lòng khai ân, tha chết cho chúng. Thấy hai người họ cung khai rõ ràng nguyên nhân, động cơ và dù được tha chết nhưng vẫn cùng nhau tự tử đi theo chủ cũ thì Đoàn Dự càng cảm động, thậm chí cho lập mộ nghĩa sĩ an táng.
Qua cách Đoàn Dự xử trí chuyện của Cao Trí Xương và những người liên quan thì có thể thấy rất rõ ràng rằng ở ngài hội tụ đầy đủ những đức tính tốt đẹp mà bậc đế vương anh minh nên có.
Cách xử trí đầy sáng suốt, công minh của ông trong vụ án Cao Trí Xương khiến nhiều người khâm phục
Tài ngoại giao nổi bật
Không chỉ xử trí việc nước vô tư, công bằng, sáng suốt, Đoàn Dự còn là một người có tầm nhìn trong lĩnh vực ngoại giao. Ông hiểu được sự quan trọng của việc thiết lập mối quan hệ giao hảo với nhà Tống. Vì thế nên mặc dù mối quan hệ hai nước có phần xa cách do phương châm "không coi trọng nơi xa" của Tống Thái Tổ, nước Đại Lý vẫn xưng thần với triều Tống và hàng năm tiến cống rất hậu hĩnh.
Trên thực tế, Đoàn Dự từng nhiều lần cử người đi sứ nhà Tống, cống nạp ngựa Vân Nam, đao Đại Lý, xạ hương, ngưu hoàng, thậm chí còn cho cả thầy ảo thuật, nhạc công đến triều Tống biểu diễn và được nhà vua hết lời khen ngợi. Do vậy mà Tống Huy Tông đã phong cho Đoàn Dự là Kim Tử Quang Lộc đại phu, Kiểm hiệu tư không, Vân Nam tiết độ sứ, Thượng trụ quốc, Đại Lý quốc vương.
Đoàn Dự rất chú trọng bang giao với nhà Tống
Từ đó, việc giao thương giữa triều Tống và Đại Lý được mở rộng và phát triển với tốc độ nhanh chóng. Không những thế, chẳng bao lâu Đại Lý cũng tìm đường mở cửa thông thương với các quốc gia láng giếng như Ấn Độ, Thổ Phiên, Ba Tư,...
Trong các mặt hàng của Đại Lý thì có lẽ ngựa là món được ưa chuộng nhất, và dĩ nhiên cũng kiếm lời nhiều nhất. Chiến mã Đại Lý nổi tiếng nhờ sức bền, sự dẻo dai, khả năng thích nghi với địa hình; số lượng ngựa đưa đi giao dịch mỗi năm lên tới cả ngàn con.
Ngược lại, người Đại Lý học được ngày càng nhiều nét văn hóa độc đáo của người Hán. Trong thời kỳ Đoàn Dự trị vì, nước Đại Lý nổi tiếng nhờ bích họa, khắc đá, khắc gỗ; ngoài ra những bộ kinh Phật giáo Mật tông cũng được lưu truyền rộng rãi ở trung nguyên.
Dưới thời trị vì của ông, Đại Lý phát triển với tốc độ nhanh chóng
Như vậy, trong 39 năm Đoàn Dự ở ngôi đã thành công trong việc giữ đất nước "quốc thái dân an", không gặp chiến tranh, không có nội loạn, các mặt kinh tế, văn hóa đều được phát triển.
Cuối đời gặp phải tranh chấp
Đến cuối đời, Đoàn Dự gặp phải tranh chấp quyền bính từ chính các con trai mình dẫn đến tình hình triều chính, quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không lâu sau đó, các man tộc nổi loạn, rồi các thế lực trong vương thất xảy ra tranh chấp, Đoàn Dự lúc này tuổi đã cao, khó lòng có thể dẹp yên tất cả.
Thêm vào đó, mối quan hệ giao hảo giữa Đại Lý và nhà Tống cũng ngày càng suy yếu do nhà Tống bị nhà Kim tiêu diệt sau sự biến Tĩnh Khang năm 1127.
Về cuối đời, Đoàn Dự gặp nhiều khó khăn trong việc bình ổn đất nước
Năm 1147, Đoàn Dự nhường ngôi cho con trưởng là Đoàn Chính Hưng còn bản thân thì xuất gia ở Vô Vi tự, trở thành trụ trì đời thứ 23 với pháp danh Quảng Hoằng đại sư. Ông ra đi năm 94 tuổi, là vị vua sống thọ nhất trong các đời vua nhà Đại Lý.