Định nghĩa "sự nam tính" của người Hàn Quốc: Đàn ông phải quan hệ rộng, phải nhậu nhẹt, phải khinh miệt phụ nữ

HL, Theo Helino 10:52 25/03/2019
Chia sẻ

Một trong những điều đó là định nghĩa xấu xa, lệch lạc của người Hàn về sự nam tính: nam tính là phải giàu có, muốn giàu có, phải quan hệ rộng, phải nhậu nhẹt và coi phụ nữ như thứ đồ chơi rẻ tiền.

Jung Joon-young, bạn thân của thành viên Seungri (BIGBANG), ca sĩ nhạc rock, nhà sản xuất, nhạc sĩ, ngôi sao truyền hình thực tế, đã chính thức bị cảnh sát bắt giữ với những cáo buộc về quay lén và chia sẻ các đoạn băng nhạy cảm của ít nhất 10 cô gái quan hệ tình dục với anh ta, khi không được sự đồng ý của họ. 

Jung Joon-young đang là "đội trưởng" đội quay trộm và là cái tên bị lên án nhiều nhất trong bê bối tình dục gây chấn động Hàn Quốc này, cùng với Seungri của BIGBANG, Lee Jong-hyun của CNBLue, Choi Jong-hoon của FT Island, Yong Jun-hyung (cựu thành viên BEAST và Highlight). 

Những người có tên trên đều hoặc có mặt trong phòng chat bệnh hoạn của Jung Joon-young, hoặc xem và bình luận về những cô gái bị quay lén. 4/5 người đã tuyên bố rút lui khỏi ngành giải trí Hàn Quốc. 

Định nghĩa sự nam tính của người Hàn Quốc: Đàn ông phải quan hệ rộng, phải nhậu nhẹt, phải khinh miệt phụ nữ - Ảnh 1.

5 cái tên đình đám của K-pop có liên quan đến bê bối tình dục chấn động Hàn Quốc.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao trong sở cảnh sát Seoul đã bị cáo buộc nhận hối lộ từ Seungri. Ca sĩ điển trai đến từ BIGBANG vốn đã dính rất nhiều "phốt" liên quan đến cuộc sống ăn chơi: bạo hành tình dục, môi giới mại dâm, chuốc thuốc cho khách hàng nữ tại hộp đêm cũ của anh: Burning Sun. 

Fan Kpop tại Hàn Quốc, cũng như cộng đồng quốc tế đã có những ngày tháng 3 hết sức tồi tệ. Tội ác của Jung Joon-young đã quá rõ ràng, tuy nhiên, về phía Seungri, các luật sư của anh này vẫn đang quyết tâm bảo vệ thân chủ, như để che đậy những điều thậm chí còn tồi tệ hơn rất nhiều vốn đang tồn tại nhức nhối trong xã hội Hàn Quốc.

Một trong những điều đó là định nghĩa xấu xa, lệch lạc của người Hàn về sự nam tính: nam tính là phải giàu có, muốn giàu có, phải quan hệ rộng, phải nhậu nhẹt và coi phụ nữ như thứ đồ chơi rẻ tiền.

Suốt 5 năm qua, rất nhiều người đàn ông "có số có má" trong xã hội Hàn Quốc bị cáo buộc các tội danh liên quan đến tình dục, tuy nhiên, không nhiều người trong số họ phải nhận trách nhiệm hoặc hình phạt cho các tội ác của mình. 

Nam tính là phải... đam mê sự hấp dẫn tình dục một cách lén lút và bệnh hoạn

Phong trào #Metoo, với hơn 10,000 phụ nữ Hàn Quốc đổ xuống đường biểu tình để chống lại nạn quay lén, chụp ảnh bệnh hoạn nơi công cộng, lạm dụng tình dục chốn công sở, hối lộ tình dục, coi thường nhân viên nữ...

Các cơ quan chức năng tiếp nhận hơn 6,500 trường hợp đặt máy quay lén trong các buồng thử đồ, nhà vệ sinh công cộng, tàu điện ngầm, theo trang The Telegraph của Anh Quốc. Chỉ tính riêng năm ngoái, Seoul phải thuê tới 8,000 công nhân chỉ để kiểm tra xem các nhà vệ sinh công cộng tại thành phố này có... an toàn để phụ nữ đi vệ sinh hay không. 

Nhưng điều nực cười là, các camera bệnh hoạn này lại được lắp đặt bởi... chính các nhân viên an ninh.

Định nghĩa sự nam tính của người Hàn Quốc: Đàn ông phải quan hệ rộng, phải nhậu nhẹt, phải khinh miệt phụ nữ - Ảnh 2.

Phong trào #Metoo bùng nổ tại Hàn Quốc.

Năm 2017, đạo diễn phim điện ảnh nổi tiếng Kim Ki-duk đã bị cáo buộc lạm dụng tình dục với nhiều diễn viên nữ. Chính trị gia từng được hy vọng trở thành tổng thống Ahn Hee-jung đi tù 3 năm rưỡi cũng vì tội lạm dụng tình dục nhân viên. Cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Choi Jae-bum cũng phải chịu án tù 10 tháng vì cưỡng bức và lạm dụng vận động viên trượt băng tốc độ từng đạt huy chương vàng Olympic Shim Suk-hee. 

"Tôi không nghĩ chỉ riêng ngành giải trí Hàn Quốc đang tồn tại định nghĩa xấu xa về sự nam tính, cả đất nước này đang cực kì sai lầm", trích lời Michael Hurt, giáo sư xã hội học tại đại học Seoul. "Đàn ông Hàn Quốc đã biến camera thành vũ khí", không chỉ quay lén phụ nữ vì sở thích, họ còn dùng những đoạn băng đó để tống tiền và điều khiển các nạn nhân. 

Nam tính là phải coi việc bày tỏ những ham muốn tình dục bệnh hoạn là hết sức... bình thường

"Quay lén cảnh quan hệ tình dục, dùng chính những đoạn băng đó để trả thù" không còn là mâu thuẫn riêng của những người đang căm hận nhau nữa, nó đã và đang trở thành một mối đe dọa với xã hội Hàn Quốc", giáo sư Hurt nói. 

"Một trường hợp tương tự đã từng xảy ra tại chính đại học Hàn Quốc, cách đây không lâu, một nhóm nam sinh chia sẻ trong nhóm chat Kakao về một số nữ sinh khóa dưới "tiềm năng" mà họ muốn... cưỡng bức". Điều đáng ghê tởm là đàn ông Hàn Quốc thấy những chuyện này rất... bình thường, miễn sao họ chưa thực sự gây ra tội ác, hay nói cách khác, khi nào họ cưỡng bức nạn nhân thật thì người khác mới có quyền lên án họ!?

Định nghĩa sự nam tính của người Hàn Quốc: Đàn ông phải quan hệ rộng, phải nhậu nhẹt, phải khinh miệt phụ nữ - Ảnh 3.

Goo Hara (phải) nữ idol đã bị bạn trai đe dọa tung clip nóng để trả đũa.

Chia sẻ hình ảnh, bình phẩm, đối xử với phụ nữ như một món đồ nhắm rượu đã và đang trở nên "bình thường" trong văn hóa Hàn Quốc". Ngoài kia có hàng vạn người đàn ông vẫn đang "bàn chuyện làm ăn" trên những bàn nhậu có và phải có "tay vịn". Ngoài kia vẫn đầy rẫy nhưng anh chàng người yêu cũ trong cả quá trình yêu đương đã lén lút quay lại những cảnh nhạy cảm để làm vũ khí chống lại bạn gái mình sau này. 

Nếu không có scandal này nổ ra, nếu không có những ngôi sao K-pop bị vạch trần, cả xã hội Hàn Quốc vẫn sẽ cho rằng những tội ác trên là "bình thường". "Đàn ông thì phải thích nhậu, thích chà đạp và biến phụ nữ thành trò chơi".

Bê bối tình dục của Seungri và những người bạn đương nhiên làm chấn động K-pop, ngành công nghiệp trị giá 4,7 tỉ đô (năm 2017) và sự nghiệp của rất nhiều nam, nữ idol đều đang rung lắc bần bật theo từng diễn biến phức tạp của vụ việc này. 

Các thủ phạm và nạn nhân của scandal hầu hết đang ở lứa tuổi 20 đến 30, trong thời kì đỉnh cao sự nghiệp của họ. Seungri đã buộc phải rời BIGBANG, nhóm nhạc idol có sức ảnh hưởng nhất Kpop hiện nay và kiếm được 44 triệu đô năm 2016, trong đó một mình Seungri kiếm được 3,2 triệu đô năm 2016 từ các hoạt động quảng bá cùng BIGBANG. Seungri cũng bị sa thải khỏi vị trí giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng Aori Ramen. Doanh thu chuỗi nhà hàng Ramen lao dốc thảm hại trong thời gian scandal bị phanh phui. 

Đàn ông nam tính phải "mê gái" và phong trào làm đẹp để "được mê"

"Xấu" là một cái tội ở Hàn Quốc, đó là lí do tại sao rất khó để nói không với phẫu thuật thẩm mỹ tại đất nước này. Cổ phiếu của YG Entertainment, công ty giải trí đã chắp cánh sự nghiệp của Seungri và BIGBANG đã giảm 25% giá trị chỉ trong một tuần. Doanh nghiệp này cũng đang bị các cổ đông kiện vì "thiếu trách nhiệm trong quản lý đạo đức của nhân viên khiến cổ đông chịu thiệt hại".

Seungri, Jung Joon-young, Choi Jung-hoon và Jun-hyung đã tuyên bố rời khỏi làng giải trí. Scandal này đã gây chấn động ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc và khiến các fan, chủ yếu là nữ giới, không khỏi bàng hoàng. 

Hoặc là rời bỏ thần tượng, hoặc là ngành công nghiệp này phải thay đổi, không thể phát triển mãi trên thân xác phụ nữ như thế này nữa. 

Bê bối này chắc chắn sẽ không thể thay đổi cách vận hành của K-pop (vốn đầy rẫy "quy tắc ngầm") suốt nửa thế kỉ qua, nhưng ít nhất, nó sẽ khiến người hâm mộ cảnh giác và có cái nhìn đúng đắn, đầy đủ về thần tượng của mình.

Định nghĩa sự nam tính của người Hàn Quốc: Đàn ông phải quan hệ rộng, phải nhậu nhẹt, phải khinh miệt phụ nữ - Ảnh 4.

Minh họa phòng chat Kakaotalk của Seungri, nơi các cô gái bị đem ra trao đổi, bình phẩm như những món hàng.

Giáo sư Hurt còn nói thêm: "Bao nhiêu năm nay vấn đề này vẫn bị làm ngơ ở Hàn Quốc, nhưng bây giờ khác rồi, cả thế giới đang dõi theo, đang phẫn nộ, đang lên tiếng đòi sự thay đổi".

Phong trào #Metoo đương nhiên có ý nghĩa của nó: Đàn ông Hàn Quốc sẽ không còn bàn chuyện làm ăn trên bàn nhậu với các cô gái "mặc cũng như không" bên cạnh. Nghệ sĩ nữ trong ngành giải trí sẽ không phải "phục tùng" các tiền bối nam để sự nghiệp được chắp cánh. 

Tất cả những kẻ bệnh hoạn, coi thường phụ nữ, phải bị đuổi khỏi ngành, không xứng đáng được xuất hiện trên truyền hình, trên các ấn phẩm quảng cáo, không xứng đáng làm thần tượng của phụ nữ và trẻ em. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày