Người mẫu "gầy giơ xương": Cơn ác mộng dai dẳng mà ngành công nghiệp thời trang đã tạo ra!

Đại Ngọc, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 12/09/2017
Chia sẻ

Đủ trò hành xác diễn ra: ăn bông gòn, khăn giấy, súc rửa ruột, dán mảnh nhựa lên lưỡi nhằm giảm cảm giác thèm ăn. Thậm chí có cô còn phải đến thẩm mỹ viện để làm chuyện ngược đời: thu nhỏ kích thước vòng 1.

Một kỷ nguyên của vẻ đẹp tàn tạ

Người ta thường bảo "Vẻ đẹp nằm trong mắt của người ngắm nhìn". Trần gian có tỷ người, cả tỷ đôi mắt, nên cái đẹp cũng vì thế mà thiên hình vạn trạng, chẳng biết đường nào mà lần. Chỉ rõ rằng mỗi thời kỳ thì định nghĩa và chuẩn mực của cái đẹp lại bị gò ép theo số đông hoặc một thiểu số thượng đẳng.

Chẳng hạn như thời kỳ Phục hưng ở Ý (năm 1400 - 1700), phụ nữ đẹp là phải đầy đặn mây mẩy, nõn nà nần nẫn, chung quy là phồn thực.

Đến kỷ nguyên vàng của Hollywood, tầm ảnh hưởng của các tuyệt thế giai nhân lại khiến phái mạnh mê mẩn một dáng vóc gợi cảm: eo thắt ngực nở, chân thon da mịn. Thế là phái đẹp lại phải gò mình theo.

Người mẫu gầy giơ xương: Cơn ác mộng dai dẳng mà ngành công nghiệp thời trang đã tạo ra! - Ảnh 1.

Đã có thời kỳ cả thế giới đảo điên với vẻ đẹp đẫy đà của Marylin Monroe.

Và rồi Kate Moss xuất hiện.

Bao chuẩn mực cái đẹp từ xưa đến nay bỗng chốc bị giẫm nát dưới gót giày của một đôi chân vòng kiềng gầy gò khẳng khiu. Ngôi vị siêu mẫu của Kate Moss cũng đồng nghĩa với một xu thế mới: vẻ đẹp "nghiện ngập", hay còn gọi là "heroin Chic". Những trang bìa với vẻ đẹp lộng lẫy rực rỡ bị thay thế nhanh chóng bởi gương mặt đờ dại, thân hình phẳng lì chẳng có chút đường cong nào, tựa như sắp ngất đến nơi. Kate đã tạo nên một cơn bão mà cô chính là mắt bão, xoay vần cả thế giới xung quanh, khiến đám đông tự điên đảo với cân nặng của chính mình.

Người mẫu gầy giơ xương: Cơn ác mộng dai dẳng mà ngành công nghiệp thời trang đã tạo ra! - Ảnh 2.

Thành công của Kate Moss lại là khởi đầu cho chuỗi những ác mộng về hình thể của phụ nữ trên toàn cầu.

Vì Kate mà ai cũng muốn gầy. Trong thế giới của người đẹp, hình ảnh của một người mẫu tàn héo với ngoại hình nhão nhoẹt không tồn tại. Họ tìm đủ cách để trở nên gầy, và gầy hơn nữa. Ăn kiêng, thuốc lá và ma túy là những gạch đầu dòng mà các người mẫu trong thời kỳ này ai cũng nằm lòng nếu còn muốn bước chân lên sàn diễn.

Ví dụ hiện sinh là câu chuyện của siêu mẫu Anh Debbie Linden, từng là gương mặt được biết nhiều nhất ở Anh. Đến năm 1995 thì người đẹp này bắt đầu dùng ma túy để giảm cân, kèm chế độ ăn kiêng. Thực tế, Linden không ăn kiêng mà nhịn đói. Có ngày, cô chỉ ăn một mẩu bánh mì và uống một thìa nước cam. Nỗi sợ càng tăng khi Linden nghe nhiều đến khả năng bị đẩy khỏi sàn diễn.

Kết cục của Linden là một cái chết đột ngột tại buổi tiệc của chính mình, do sốc ma túy.

Là một tin báo tử rầm rộ trên mọi trang báo nhưng quả thực, sự ra đi của cô người mẫu gầy nhẳng xứ Anh Quốc không hề có tác dụng cảnh tỉnh đám đông. Họ vẫn điên cuồng nhịn đói, giảm cân, hốc hác đến tận xương cho đến bây giờ...

Gầy giơ xương là cái đẹp hay cái tội?

Các nhà thiết kế, stylist, nhiếp ảnh gia... cho mình cái cớ để tôn vinh những thân hình mảnh khảnh. Nắm trong tay cán cân của ngành thời trang, thiểu số thượng đẳng này áp đặt size 0 – size 2 trở thành kích thước chuẩn ở những kinh đô thời trang lớn như New York, Milan, Paris, London... bất chấp hàng loạt hệ lụy đau lòng đã xảy ra.

Gầy (thin) là không đủ, phải trơ xương (skinny) mới được coi là đẹp.

Người mẫu gầy giơ xương: Cơn ác mộng dai dẳng mà ngành công nghiệp thời trang đã tạo ra! - Ảnh 3.

Trong suốt vài thập kỷ qua, đám đông đã bị thiểu số cấp tiến trong giới thời trang đầu độc với tư duy: đã gầy thì mặc gì cũng đẹp.

Vì phải cực gầy mới có thể xỏ người vào được những trang phục size bé nhất mà các nhà mốt giao, và phải gầy thì mới cưỡng lại được "nguyên lý 5kg" của những chiếc máy ảnh. Họ không cần những người đẹp rực rỡ, họ muốn những con manơcanh không làm mất dáng đồ. Và động thái này tiếp tục bằng cách các nhà mốt gửi trang phục size 0 - 2 đến cho những tạp chí thời trang hàng đầu, tạo áp lực ngày càng nặng lên giới mẫu rằng họ bắt buộc phải vừa in nếu không muốn bị thất sủng.

Thế là đủ trò hành xác diễn ra: ăn bông gòn, khăn giấy, súc rửa ruột, dán mảnh nhựa lên lưỡi nhằm giảm cảm giác thèm ăn… thậm chí có nàng còn phải ngậm ngùi đến thẩm mỹ viện để làm chuyện ngược đời: thu nhỏ kích thước vòng 1. Nếu ai còn nhớ thì năm 2013, chuyện nực cười nhất quả đất đã xảy ra xoay quanh chuyện Jourdan Dunn bị nhà mốt Dior sa thải với lý do hết sức duyên dáng: ngực quá to. Được biết, Jourdan sở hữu số đo vòng 1 là 32A.

Người mẫu gầy giơ xương: Cơn ác mộng dai dẳng mà ngành công nghiệp thời trang đã tạo ra! - Ảnh 4.

Chúng ta có cảm nhận được vẻ đẹp "high fashion" này?

Ngoài ra, vì muốn người mẫu mặc vừa trang phục may theo size 0 – 2, nhiều nhà thiết kế hay các công ty quản lý người mẫu còn mở rộng phạm vi chọn người mẫu vị thành niên hay mẫu lưỡng tính vào sàn diễn, dẫn đến hậu quả những cô bé hay cậu bé còn quá non nớt đã phải rơi vào vòng xoáy của áp lực giảm cân khắc nghiệt. Cũng từ đây mà nhà mốt Dior dính dáng vào bê bối cho người mẫu tuổi teen phô nguyên vòng 1 trần trụi trên sàn diễn.

Ở một góc độ hẹp, nền công nghiệp thời trang phải chịu trách nhiệm một phần việc cổ súy định nghĩa về vẻ đẹp tàn tạ, gầy còm thiếu sức sống. Từ thập niên 1990 trở lại đây, thân hình mỏng như lá liễu của Kate Moss đã trở thành "chuẩn" khiến các người mẫu nói riêng và phái đẹp nói chung tiếp tục khổ sở bởi ám ảnh tăng cân.

Ai cũng nhìn rõ vấn đề, và cơn ác mộng cứ mãi dai dẳng suốt hơn 3 thập kỷ. Có thể trong thời kỳ này, gầy nhẳng là một cái đẹp trong mắt người xung quanh nhưng lại chính là cái tội đối với bản thân. Cổ nhân có câu: "Mình không thương mình thì ai thương mình", ấy thế mà chỉ vì guồng quay của ngành thời trang mà nhiều cô nàng đã bất nhẫn với chính mình.

Và kể cả khi họ gầy, họ cũng đâu chiều lòng được đám đông. Vấn nạn "Body shame" vẫn chực chờ họ như sói chờ mồi, chỉ đợi các nhà mốt quăng họ ra trước triệu bình luận cấu xé nhức tai. Làm người bình thường thì mất việc, quá gầy lại bị xỉa xói. Thật khổ sở.

Người mẫu gầy giơ xương: Cơn ác mộng dai dẳng mà ngành công nghiệp thời trang đã tạo ra! - Ảnh 5.

Nhà mốt Stella McCartney từng phải xin lỗi công chúng khi đăng tải hình ảnh một người mẫu "da bọc xương" đúng nghĩa.

"Có quá nhiều cô gái ngây thơ hẳn đã không tàn tạ nếu họ không bước vào con đường người mẫu. Chúng ta phải quan tâm nhiều và cẩn thận đối với ngành công nghiệp này để có thể thay đổi trước khi quá muộn. Người mẫu trẻ không nên sử dụng heroine để giảm cân và công nghiệp người mẫu phải điều chỉnh lại những tiêu chuẩn nghề nghiệp. Nếu không, họ phải chịu trách nhiệm và đối mặt hậu quả" - đây không phải là phát biểu của một nhà xã hội học hoặc mô phạm mà là từ Tổng thống Bill Clinton, không lâu trước khi ông rời Nhà Trắng.

Và đã đến lúc để đổi thay

Khi ngày càng có nhiều cái chết vì kiêng khem quá độ của các người mẫu gầy hiện hữu như điểm tối trong nền công nghiệp phù hoa này, người ta mới sực tỉnh và tự hỏi: "À, có đáng không?"

Điển hình sau cái chết của Anna Carolina Reston - một mẫu trẻ giảm cân với thực đơn chỉ vỏn vẹn táo và cà chua, Hiệp hội Thời trang của Ý đã ra điều lệ buộc người mẫu phải chứng minh có sức khỏe tốt, và cấm mẫu trẻ dưới 16 tuổi tham gia Tuần lễ thời trang Milan. Pháp cũng có động thái ngăn chặn tình trạng mẫu quá gầy khi quy định những người mẫu không đạt chuẩn chỉ số cơ thể BMI trên 18 sẽ bị cấm trình diễn. Cụ thể, một chân dài cao 1m75 phải nặng tối thiểu là 50 kg. Nếu vi phạm, mức phạt có thể lên đến hơn 2 tỷ đồng - đắt nhưng đáng!

Người mẫu gầy giơ xương: Cơn ác mộng dai dẳng mà ngành công nghiệp thời trang đã tạo ra! - Ảnh 6.

Pháp và Ý là hai cường quốc thời trang tiên phong cho lệnh cấm vận mẫu quá gầy.

Với vị thế tựa "kinh thánh", Vogue cũng đã thể hiện chút cố gắng khi gửi bản thông cáo cho Karl Lagerfeld, John Galliano, Prada, Versace, Yves Saint Laurent, Balenciaga… để kêu gọi họ nâng kích cỡ trang phục của mình lên vài size. Điều này cho thấy rằng, cũng có những con người mang tư duy thời trang cấp tiến biết xót xa cho người mẫu thay vì ném họ làm mồi cho căn bệnh rối loạn ăn uống hay trầm cảm.

Lứa người mẫu hiện tại cũng đã phần nào nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình. Một số dám lên tiếng để phản đối những bất công bất chấp hệ quả ra sao. Trong tháng 5 vừa qua, người mẫu Ulrikke Hoyer đã đăng tải một tâm thư để tố "ông lớn" Louis Vuitton đối xử tệ với cô ra sao, dù bắt nhịn ăn suốt 24 tiếng vẫn bị tống cổ như thường.

Ngay cả LVMH và Kering, hai công ty thời trang thuộc hàng lớn nhất thế giới, cũng ra quyết định cấm show mẫu quá gầy sau hàng loạt bê bối diễn ra. Điều này đồng nghĩa với việc sàn diễn của Dior, Gucci, Alexander McQueen, Givenchy... sẽ không còn những "bộ xương di động" nữa.

Thực tế thì trong một thời gian ngắn đổ lại đây, một số người mẫu với thân hình đầy đặn đang trở thành làn gió mới trên các sàn diễn quốc tế. Đầy đặn nhưng khỏe mạnh, đó là những yếu tố để mô tả Kate Upton, Gigi Hadid hay Ashley Graham. Tuy là thiểu số nhưng họ đã chinh phục được những sàn diễn khó bước chân lên nhất, chễm chệ trên những trang bìa khó với tới nhất, điều này khẳng định bước ngoặt trong tiêu chuẩn cái đẹp của toàn cầu.

Người mẫu gầy giơ xương: Cơn ác mộng dai dẳng mà ngành công nghiệp thời trang đã tạo ra! - Ảnh 7.

Ấn bản tháng 2 của tạp chí Vogue Mỹ đã đề cao tính đa dạng trong nghề người mẫu. Ngôi sao đáng chú ý nhất chính là siêu mẫu "plus size" Ashley Graham. Cô tự tin phô diễn vẻ đẹp hình thể bên các ngôi sao khác Kendall Jenner hay Liu Wen.

Thật may mắn là tại Việt Nam, các nhà mốt hay nhà thiết kế khá thương người mẫu nên chưa hề có hệ lụy đáng thương tâm nào diễn ra. Duy có Cao Ngân là một trường hợp hiếm hoi lâm vào cảnh "da bọc xương" vì chấn thương phổi. Công chúng đang mong cô bình phục, bởi một hình tượng dễ thương được vạn người mến như Cao Ngân quả có sức ảnh hưởng đến đám đông. Hình ảnh của cô sẽ ít nhiều tác động đến một bộ phận đang hoang mang giữa vô vàn tiêu chuẩn cái đẹp, và rất có thể họ sẽ muốn mình sở hữu dáng vóc mà cô đang muốn thay đổi.

Người mẫu gầy giơ xương: Cơn ác mộng dai dẳng mà ngành công nghiệp thời trang đã tạo ra! - Ảnh 8.

Cao Ngân gặp vấn đề về sức khỏe nên mới sở hữu thân hình gầy nhẳng quá độ. Cô thật sự cần được nghỉ ngơi nhiều hơn và giải tỏa bản thân khỏi những áp lực của một cuộc thi khốc liệt như VNTM.

Suy cho cùng, người mẫu cũng là phụ nữ, mà phụ nữ chỉ đẹp nhất khi tự tin và hạnh phúc, thay vì cứ quẩn quanh mãi quanh 2 chữ "béo" - "gầy".


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày