Đến Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn những ngày tháng 9 này, người dân Quảng Nam và du khách có thể hòa mình vào một chương trình cực kỳ độc đáo: Diễu hành xe cổ kết hợp trình diễn nhạc cụ dân tộc.
Dự kiến, có hơn 80 xe hơi, 60 xe gắn máy, xe đạp thuộc nhiều thể loại có niên đại xa xưa được chăm sóc cẩn thận qua nhiều năm tháng của 200 nhà sưu tầm, bảo tồn xe cổ đến từ khắp ba miền của đất nước sẽ trưng bày, diễu hành cùng xe qua các ngõ phố của Hội An và nhiều cung đường dẫn đến khu đền tháp Mỹ Sơn. Trong số này có nhiều nhóm sưu tầm và sở hữu xe cổ thuộc các thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đà Lạt, Huế từng tham gia chương trình "Xe cổ và hành trình di sản Quảng Nam" năm 2009.
Chương trình diễu hành xe cổ dự kiến xuất phát lúc 8 giờ ngày 7/9/2019 tại khu nghỉ dưỡng 5 sao Palm Garden qua cầu Đế Võng, ngang cầu Cửa Đại và HOIANA. Chiều cùng ngày, đoàn xe cổ sẽ qua một số đường phố của Hội An trước khi được trưng bày tại công viên vườn tượng An Hội.
Trên hành trình, các nghệ nhân, diễn viên và các xe trưng bày nhạc cụ sẽ vừa diễu hành vừa biễu diễn nhạc cụ dân tộc và múa trên các đường phố cổ để phục vụ nhân dân và du khách, theo lộ trình: Sân khấu vườn tượng, cầu An Hội, đường Bạch Đằng, đường Lê Lợi, đường Trần Phú, vòng cung chùa Cầu…
Cuộc diễu hành xe cổ từ Hội An đến Mỹ Sơn có sự tham gia của Hoa hậu Việt Nam 2019 Trần Tiểu Vy sẽ bắt đầu lúc 7h30 ngày 8/9. Khởi hành từ Palm Garden, đoàn sẽ đi qua cầu Đế Võng, cầu Cửa Đại, chợ Nồi Rang, cầu Trường Giang, cầu Duy Thành, quốc lộ 1, tỉnh lộ 610 để đến Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Đây cũng là dịp để cộng đồng người sưu tầm xe cổ giới thiệu với công chúng quá trình sở hữu, chăm sóc, bảo trì kỷ vật; thể hiện niềm đam mê của con người trong hành trình tiếp cận văn minh khoa học, đối xử với kỷ vật từng gắn bó với đời sống của bản thân và gia đình.
Cũng trong chương trình, hơn 150 nghệ nhân, diễn viên thuộc 6 đoàn nghệ thuật: Nhà hát ca múa nhạc Việt Bắc; Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh - Bình Thuận; Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk; Đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng; Nhóm nghệ nhân Cơ-tu Quảng Nam; Nhóm nghệ sĩ Hà Nội, với hơn 60 nhạc cụ dân tộc sẽ tham gia trình diễn tại 5 sân khấu ở Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Tại những sân khấu này, bên cạnh việc thưởng thức tài nghệ của các diễn viên, công chúng còn có dịp thưởng ngoạn nét độc đáo của các nhạc cụ cổ truyền như: đàn đá, đàn T’rưng, K’lông Put, Koông vông thum (bộ cồng lớn), cồng chiêng, sáo trúc, Roo neat (bộ gõ bằng tre)…
Lần đầu tiên tại vùng đất có hai di sản thế giới ở Việt Nam diễn ra sự kết hợp trình diễn giữa xe và nhạc cụ với điểm xuất phát là báu vật lưu giữ kỷ niệm, hồi ức, phản ánh sức sáng tạo nghệ thuật cùng năng lực tiếp cận khoa học phục vụ đời sống con người.
Tại khu vực Hoa Viên ở huyện Duy Xuyên và Khu di tích Mỹ Sơn, đoàn diễu hành sẽ tổ chức giao lưu với các nghệ sĩ và người dân địa phương. Vào chiều và tối cùng ngày, tại Hội An, sẽ diễn ra các buổi trình diễn âm nhạc dân tộc tại Công viên Kazik (138 Trần Phú), Điểm dừng chân (31 Nguyễn Thái Học), Di tích chùa Cầu (106 Bạch Đằng).
Chương trình ẩm thực "Hương vị xứ Quảng" và đêm nhạc chủ đề "Sắc màu di sản" cũng diễn ra tại khu vực vườn tượng An Hội trong các ngày 7 và 8/9.
Sau 20 năm kể từ khi Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, đến nay, điểm đến này vẫn được du khách khắp nơi trên thế giới lựa chọn. Mới đây nhất, Travel and Leisure - Tạp chí du lịch nổi tiếng hàng đầu thế giới vừa chọn Hội An (Quảng Nam) là thành phố tuyệt vời nhất thế giới, vượt qua cả các địa điểm nổi tiếng khác như Tokyo (Nhật Bản), Rome (Ý), Seville (Tây Ban Nha), Santa Fe (Mỹ)…
Tiêu chí xếp hạng các thành phố là địa điểm tham quan, địa danh, văn hóa, ẩm thực, sự thân thiện, mua sắm và giá trị tổng thể. Điều đó cho thấy, những nỗ lực của người dân và chính quyền Quảng Nam trong việc giữ gìn và phát huy di sản quý báu mà cha ông từ bao đời nay để lại.