Điều gì khiến Nga rơi vào giai đoạn chết chóc của dịch bệnh Covid-19?

Hồng Anh, Theo VOV 14:45 21/10/2021

Các chuyên gia chỉ ra rằng, sự tụt hậu trong chiến dịch tiêm chủng là một trong những yếu tố khiến dịch Covid-19 hoành hành dữ dội hơn, đe dọa nhấn chìm các bệnh viện tại Nga.

Giai đoạn báo động của dịch bệnh

Hàng triệu người Nga sẽ phải đối mặt với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt mới từ tuần này, sau khi hệ thống y tế quá tải do số ca mắc tăng mạnh và số ca tử vong cao mức kỷ lục, khiến quốc gia này rơi vào giai đoạn chết chóc của đại dịch Covid-19 .

Trong cuộc họp với các thành viên chính phủ ngày 20/10 Tổng thống Nga Putin đã thông qua đề xuất do chính phủ đưa ra về “những ngày không làm việc” tại nước này kể từ ngày 30/10 đến ngày 7/11 trong một nỗ lực kiềm chế làn sóng mới nhất của dịch bệnh.

Các quan chức cấp cao của Nga bắt đầu nhận thấy rằng tình hình đang rất tồi tệ khi nước này chuẩn bị bước vào mùa Đông ảm đạm. Trước đó, hôm 19/10, Thị trưởng thành phố Moscow đã yêu cầu tất cả công dân trên 60 tuổi và những người “mắc các bệnh mạn tính” chưa được tiêm phòng phải ở trong nhà trong 4 tháng, cho đến cuối tháng 2/2021, khi thành phố này phải vật lộn đối phó với cuộc khủng hoảng y tế ngày càng nghiêm trọng.

Nga liên tiếp ghi nhận những kỷ lục mới về số ca tử vong và số ca mắc trong những ngày gần đây. Trong ngày hôm qua (20/10), nước này đã có 1.028 ca tử vong - mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát từ năm 2020.

Bác sỹ Georgy Arbolishvili, làm việc tại Bệnh viện số 52 ở thủ đô Moscow cho biết, không cần phải xem số liệu thống kê của chính phủ về số ca nhiễm SARS-CoV-2 và tử vong mỗi ngày cũng có thể biết Nga đang ở giai đoạn báo động của dịch bệnh, bởi các đơn vị chăm sóc đặc biệt luôn trong tình trạng quá tải.

“Phần lớn bệnh nhân ICU trong tình trạng nghiêm trọng chưa được tiêm chủng. Biến chứng nặng của bệnh có thể rất dễ dàng tránh được nếu mọi người được chủng ngừa. Những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao không có con số tử vong tồi tệ như vậy”, ông Georgy Arbolishvili nói.

Tỷ lệ tiêm chủng thấp

Các chuyên gia chỉ ra rằng, sự tụt hậu trong chiến dịch tiêm chủng là một trong những yếu tố khiến dịch Covid-19 hoành hành dữ dội hơn, đe dọa nhấn chìm các bệnh viện tại Nga. Theo đánh giá, chỉ khoảng 1/3 trong số hơn 146 triệu người Nga, đã được chủng ngừa Covid-19.

Phát biểu với CNN, ông Vasily Vlassov, nhà dịch tễ học người Nga -  cựu cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: “Tôi nghĩ đất nước đang rơi vào thảm họa. Tôi hy vọng chúng ta sẽ sớm tiến tới một giới hạn nhất định. Nhưng tỷ lệ tử vong và mắc bệnh vẫn còn rất cao. Các bệnh viện đang quá tải”. Chuyên gia này dự đoán số ca tử vong sẽ còn tăng cao hơn nữa trước cuối năm nay.

Hiện đang có nhiều lo ngại các số liệu chính thức của Nga không phản ánh chính xác quy mô tình trạng khẩn cấp y tế tại nước này, phần lớn xuất phát từ cách thống kê của nhà chức trách.

“Một người chết vì suy hô hấp sau khi mắc Covid-19 thường được thống kê là ca tử vong do suy hô hấp, chứ không phải do Covid-19”, ông Vasily Vlassov cho biết.

Các quan chức chính phủ Nga đã bắt đầu có những cuộc thảo luận chuyên sâu về cuộc khủng hoảng. Trong cuộc họp của lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 ngày 19/10, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, gánh nặng đối với các cơ sở y tế đang gia tăng nghiêm trọng, còn Thống đốc vùng Oryol, ông Andrey Klychkov tiết lộ, khu vực này hiện không có khả năng tiếp nhận thêm bệnh nhân phải nhập viện do Covid-19.

“Điều khủng khiếp nhất là chúng tôi đã chuẩn bị 1.854 giường bệnh, nhưng đến nay thì không còn bất cứ giường nào trống. Chúng tôi sẽ tìm kiếm các phương án khác”, ông Andrey Klychkov cho biết.

Tâm lý hoài nghi vaccine

Tình hình bệnh lan mạnh tại Nga đã khiến nhiều chuyên gia bất ngờ vì Nga là một trong những quốc gia đầu tiên chế tạo ra vaccine ngừa Covid-19, cụ thể là loại Sputnik V và đã tiêm cho người dân từ rất sớm. Song theo nhiều nhà phân tích, tâm lý hoài nghi vaccine đã khiến chiến dịch tiêm chủng bị đình trệ.

Các cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ hoài nghi vaccine tại quốc gia này rất cao. Theo một cuộc thăm dò của Ipos được tiến hành tại 15 quốc gia hồi tháng 5 vừa qua, Nga bị xếp hạng thấp nhất khi đánh giá ý định tiêm chủng của người dân, tiếp sau là Mỹ. Chỉ có 41% người được hỏi tại nước này có kế hoạch tiêm phòng, còn tại Mỹ con số này là 46%.

Một nghiên cứu của tổ chức thăm dò độc lập Levada-Center hồi tháng 9 vừa qua cho biết, 52% dân số Nga chưa sẵn sàng tiêm phòng. Giáo sư chuyên ngành virus học, Khoa Y sinh, Đại học Tổng hợp Moscow, Alexei Agranovsky cho biết, rất nhiều người dân Nga đang tìm cách tránh phải tiêm vaccine bằng việc mua các chứng nhận giả đã tiêm vaccine.

Ngày 19/10, Điện Kremlin đã thừa nhận một phần trách nhiệm liên quan đến tỷ lệ tiêm chủng thấp, nhưng cho biết “các công dân cần có trách nhiệm hơn và cần phải đi tiêm phòng”.  Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói rằng, chính phủ đã làm mọi cách để khiến việc tiêm vaccine trở nên dễ dàng hơn nhưng có lẽ vẫn phải hành động nhiều hơn nữa để khuyến khích người dân đi tiêm phòng.

Nhà chức trách Nga đã thành lập các trung tâm tiêm chủng tại các khu mua sắm và nhiều cơ sở khác tại các bệnh viện, phòng khám, nơi người dân có thể đến tiêm bất cứ lúc nào mà không cần hẹn trước. Họ cũng sử dụng xổ số, tiền thưởng và nhiều biện pháp khác để khuyến khích người dân đi tiêm, nhưng có rất ít thành công. Hiện, chính phủ đã trao quyền cho các khu vực áp dụng những hạn chế riêng biệt phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, đồng thời cho biết, chưa có kế hoạch áp đặt lệnh phong tỏa trên diện rộng.