Những loại thực phẩm chúng ta vẫn thường mua bán, sử dụng ngày nay thực chất đã tồn tại từ rất lâu đời và phải trải qua cả quá trình biến đổi dài. Lúc sơ khai khi chưa được con người tìm ra, chúng trông vô cùng kỳ dị. Sau khi được chúng ta nhân giống, trồng trọt và sản xuất, những loại rau củ quả này thực sự đã có một màn "makeover" đỉnh cao khiến ai cũng ngạc nhiên khi nhìn lại.
Một bức tranh được vẽ từ thế kỷ 17 bởi hoạ sĩ Giovanni Stanchi đã vô tình cho thấy hình ảnh sơ khai của quả dưa hấu. Được biết, loại dưa này ngày xưa thường có vị đắng, ruột màu trắng, xanh nhạt, xốp, cứng và có vách ngăn. Sau nhiều thế kỷ, con người đã đưa dưa hấu trở thành một loại trái cây mát lành. Chúng ta có thể dễ dàng mua dưa hấu ruột đỏ, ruột vàng ở khắp nơi, thậm chí cả giống dưa hấu không hạt ngày nay cũng rất được ưa chuộng.
Tổ tiên của các giống chuối được cho rằng có niên đại từ khoảng 10.000 năm trước (tức là vào thời tiền sử), sau khi các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều mẫu mô thực vật kỳ lạ tại khu khảo cổ Kuk Swamp trên đảo New Guinea (hòn đảo lớn thứ 2 thế giới). Chuối thời xa xưa có lớp vỏ dày, hạt cứng, khá to với đường kính hạt có thể lên đến 6mm. Thời nay, chuối có phần thịt dày, thơm ngon và hầu như không còn hạt.
Cà tím nguyên thủy là loại cây dại có quả màu trắng ngà, xanh, tím hoặc vàng với gai ở cuống hoa. Nó được cho rằng xuất hiện từ thời Trung Quốc cổ đại, trải qua rất nhiều giai đoạn biến chuyển trước khi có hình thù to dài, ít hạt và đầy ruột như bây giờ. Vì vậy trong tiếng Anh, người ta gọi cà tím là "eggplant" chẳng có tí liên quan gì tới màu tím của nó cả.
Củ cà rốt thực chất chính là phần rễ cái của cây cà rốt. Chúng mọc sâu dưới lòng đất và được cho là có nguồn gốc ở vùng Trung Á. Trước kia, những chiếc rễ xấu xí với màu nâu/trắng ngà này thường nhỏ, mọc chi chít, cứng và đắng hơn cà rốt chúng ta ăn hiện nay. Mãi cho đến nay, nhờ quá trình nhân giống chọn lọc mà cà rốt của thời hiện đại cho màu cam với phần củ to dài, thơm ngon và bổ dưỡng.
Tên ban đầu của ngô là Teosinte, xuất hiện từ khoảng năm 7000 trước Công nguyên ở khu vực Trung Mỹ. Chúng chỉ dài khoảng 2.5cm và gần như không ăn được. Hạt có vỏ rất cứng, phải dùng đá đập nhiều lần mới lấy được thịt hạch bên trong. Về sau, nhờ được thuần hóa bởi những người nông dân châu Âu mà ngô/bắp giờ có màu vàng ươm với phần hạt đều tăm tắp cùng rất nhiều giống mới được ra đời.
Tổ tiên của quả đào được cho là có nguồn gốc từ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vào khoảng năm 6000 trước Công nguyên. Những quả đào đầu tiên được người Nhật Bản thuần hoá sau đó khoảng 1200 năm, với phần thịt và hạt lần lượt chiếm tỉ lệ 64% - 36%. Chúng tiếp tục được nhân giống ở Ba Tư (đất nước Iran ngày nay), sau đó vận chuyển sang châu Âu, là giống đào với phần thịt dày, vỏ có màu hồng đỏ - xanh - trắng, vị chua ngọt như chúng ta hay ăn ngày nay.
"Ông tổ" của các loại rau như bắp cải, súp lơ, cải xoăn,… mang tên Brassica Oleracea, được cho là xuất hiện sau thời đại La Mã và Hy Lạp cổ. Chúng là một loại cây mọc dại với hoa màu vàng, phần lá nằm sát dưới mặt đất. Ngày nay, ai cũng dễ dàng nhận ra sự khác biệt của loại rau này khi phần lá của chúng có kích thước khổng lồ hơn.
Loài cà chua hoang dã có tên là Solanum Pimpinellifolium, còn thường được gọi là "cà chua nho" vì quả của chúng rất nhỏ. Đây được xem là tổ tiên của loài cà chua, hiện nay chúng vẫn được tìm thấy với số lượng ít ở một số quốc gia như Ecuador hay Peru. So với cà chua thời trước, quả cà chua hiện đại thường có màu xanh – vàng – đỏ ứng với các giai đoạn chín khác nhau. Và dĩ nhiên, chúng to hơn gấp nhiều lần!
Nguồn & ảnh: Bored Panda