Trao đổi với Tiền Phong, đại diện trường Đại học Y Hà Nội cho biết, với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 lần thứ nhất, có thể thấy phổ điểm của tất cả các khối xét tuyển truyền thống đều tăng. Đặc biệt, tổ hợp khối B00 (Toán - Hóa - Sinh), tỉ lệ thí sinh đạt điểm cao tăng.
Theo đại diện nhà trường, qua phân tích phổ điểm, cả nước có 140 thí sinh có điểm từ 29 đến cận 30; 720 thí sinh có điểm từ 28 đến cận 29. Tổng số thí sinh có 27 điểm trở lên trong cả nước chiếm 7.369 em. Đây là chưa cộng với điểm ưu tiên đối tượng và khu vực.
Với phổ điểm như vậy, tỉ lệ điểm trúng tuyển năm 2020 của ngành y dược có lẽ cũng đạt tiệm cận với điểm kỷ lục cao của năm 2017, tăng từ 2-3 điểm so với ngưỡng điểm chuẩn năm 2019.
Theo đại diện của trường Đại học Y Hà Nội, trong 5 năm qua, điểm chuẩn vào ngành Y đa khoa có biến động tăng giảm không theo quy luật, phụ thuộc tính chất, mức độ phân loại, độ khó của đề thi THPT quốc gia.
Ví dụ, với ngành Y đa khoa, năm 2015 lấy 27,075 điểm. Năm 2016 là 27 điểm, năm 2017 tăng vọt lên 29,25; năm 2018 xuống 24,75 và năm 2019 là 26,75 điểm.
Vị này khẳng định căn cứ vào số thí sinh đạt được điểm từ 27 trở lên tổ hợp B00 như phân tích ở trên, có thể khẳng định chắc chắn là điểm chuẩn vào Trường ĐH Y Hà Nội năm 2020 sẽ tăng so với năm 2019 và dự đoán tiệm cận điểm trúng tuyển năm 2017.
Qua theo dõi những năm trước, những thí sinh có điểm cao, nằm trong nhóm top trên, việc thay đổi nguyện vọng sẽ không nhiều, ít biến động.
Năm 2020, trường đã dành 20% chỉ tiêu cho tuyển thẳng - hiện có 37 thí sinh đã nộp giấy tờ liên quan để xác nhận tuyển thẳng - như vậy chỉ tiêu dành cho ngành bác sĩ Y khoa đào tạo tại Hà Nội còn khoảng 360 chỉ tiêu. Đối với phân hiệu Thanh Hóa còn khoảng 100 chỉ tiêu.
Qua nghiên cứu trong nhiều năm, thí sinh có điểm cao ở khu vực phía nam thường ưu tiên đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM, còn khu vực phía bắc thường xét tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội. Năm nay có khoảng trên 800 thí sinh đạt từ 28 điểm trở lên.
Như vậy, 2 trường y ở Hà Nội và TP.HCM sẽ có khoảng trên 400 thí sinh, trong khi chỉ tiêu năm 2020 của Trường ĐH Y Hà Nội còn lại là 360.
Từ phân tích ở trên, đại diện trường Đại học Y Hà Nội khẳng định thí sinh được 28 điểm, nếu đăng ký nguyện vọng vào Y đa khoa ở cơ sở chính Hà Nội, thì xác suất đỗ là thấp. Nhưng nếu thí sinh đặt nguyện vọng vào ngành này ở phân hiệu Thanh Hóa thì khả năng đỗ lại cao.
Đối với ngành bác sĩ Răng - Hàm - Mặt, thường điểm chuẩn trúng tuyển ngành này thấp hơn ngành bác sĩ đa khoa khoảng 0,4 -0,5 điểm. Năm nay cũng không là một ngoại lệ.
Với các ngành khác của trường, điểm chuẩn thấp nhất là ngành Y tế công cộng. Như năm 2019, điểm trúng tuyển là 19,9 điểm, thấp hơn ngành bác sĩ đa khoa khoảng 7 điểm. Năm nay, khoảng cách điểm chuẩn của 2 ngành này cũng sẽ thu hẹp lại, mức điểm chuẩn sẽ tiệm cận với năm 2017.