Dịch COVID-19: Hàn Quốc mạnh tay với nạn đầu cơ, tích trữ khẩu trang

Mạnh Hùng - Ngọc Hà, Theo TTXVN 19:25 11/03/2020

Kiên quyết đấu tranh với nạn đầu cơ, tích trữ khẩu trang, ngày 11/3, lực lượng chức năng Hàn Quốc đã khám xét các nhà kho của khoảng 10 công ty liên quan đến việc cung ứng nguyên liệu thô cho sản xuất khẩu trang.

 Dịch COVID-19: Hàn Quốc mạnh tay với nạn đầu cơ, tích trữ khẩu trang  - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lẫy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nhằm phát hiện các trường hợp nhiễm dịch COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc ngày 10/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng thông tấn Yonhap, Văn phòng Công tố quận trung tâm Seoul đã cử khoảng 50 công tố viên và điều tra viên tới 10 công ty cung ứng và buôn bán vải lọc kháng khuẩn tại Seoul và Incheon để khám xét và truy tìm chứng cớ của việc tích trữ khẩu trang trái phép. Bên cạnh đó, các công tố viên Hàn Quốc cũng đang điều tra một số đối tượng tình nghi lũng đoạn thị trường mua bán vải lọc kháng khuẩn để "thổi giá" khẩu trang.

Các tấm vải lọc kháng khuẩn, nằm giữa các lớp vải của khẩu trang, có chức năng ngăn không cho virus và các chất độc hại thâm nhập vào mũi, miệng. Các nhà sản xuất khẩu trang Hàn Quốc thường nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, do việc nhập khẩu vải lọc kháng khuẩn từ Trung Quốc gần đây bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng với đó là số ca nhiễm không ngừng tăng, nên tình trạng thiếu hụt khẩu trang xuất hiện tại tất cả các địa phương ở Hàn Quốc.

Để có thể cải thiện việc cung ứng khẩu trang, nhà chức trách đã tăng cường các biện pháp trấn áp việc tích trữ khẩu trang. Theo đó, các đối tượng có hành vi tích trữ khẩu trang trái phép có thể bị phạt tù lên tới 2 năm hoặc phải chịu mức phạt tối đa lên tới 50 triệu won (42.140 USD). Tuần này, giới chức Hàn Quốc cũng đã hạn chế việc phân phối khẩu trang, quy định mỗi người dân chỉ được phép mua tối đa 2 cái khẩu trang/tuần vào các ngày trong tuần phụ thuộc vào số cuối năm sinh.

Trong khi đó, số người mắc COVID-19 vẫn không ngừng tăng tại quốc gia Đông Bắc Á này. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, một quân nhân nước này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca nhiễm trong lực lượng quân đội lên 38. Tính đến nay, Hàn Quốc ghi nhận 7.755 ca mắc COVID-19, và 60 ca tử vong. Để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, khoảng 2.580 quân nhân Hàn Quốc đã được cách ly tại doanh trại. Trong số này, có 260 người xuất hiện triệu chứng hoặc đã tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh. Học viện Hải quân Hàn Quốc, nằm ở thành phố Changwon, cũng đã phải thu hẹp quy mô buổi lễ tốt nghiệp, theo đó, không mời các bậc phụ huynh hoặc người thân các sĩ quan mới tới dự, thay vào đó, phát trực tiếp buổi lễ qua mạng xã hội.

Cũng trong ngày 11/3, Bộ Tuyển dụng và Lao động Hàn Quốc cho biết từ ngày 29/1 tới 10/3, đã có 10.218 doanh nghiệp nước này đệ trình kế hoạch cho nhân viên nghỉ làm, cũng như đề nghị hỗ trợ tiền duy trì tuyển dụng.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, riêng trong ngày 10/3, số doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ lên tới 1.204 đơn vị. Số doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ trong hơn một tháng qua cao gấp 6,7 lần tổng số doanh nghiệp được hưởng tiền hỗ trợ duy trì tuyển dụng trong cả năm 2019 (1.514 đơn vị). Số lao động được cho nghỉ làm là 95.350 người.

Hỗ trợ duy trì tuyển dụng là khoản tiền Chính phủ Hàn Quốc phải chi trả một phần trợ cấp nghỉ hưởng lương trong trường hợp doanh nghiệp cho người lao động tạm nghỉ trong một khoảng thời gian nhất định thay vì cắt giảm nhân viên do gặp khó khăn về kinh doanh. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trong nước, số doanh nghiệp đề nghị Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ đã tăng mạnh. Để được nhận hỗ trợ, doanh nghiệp phải đệ trình kế hoạch cho nhân viên nghỉ làm lên Bộ Tuyển dụng và Lao động Hàn Quốc và thực hiện đúng kế hoạch đó.

Từ ngày 29/1, Bộ Tuyển dụng và Lao động Hàn Quốc vẫn đang hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ làm để phòng dịch COVID 19, dù doanh nghiệp đó không thỏa mãn điều kiện là doanh thu bị giảm 15%. Mức hỗ trợ cũng được nâng lên thành 3/4 trợ cấp nghỉ hưởng lương cho người lao động, thay vì 2/3 như trước đó. Trong các doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ, số doanh nghiệp lữ hành chiếm nhiều nhất (1.796 doanh nghiệp), sau đó tới doanh nghiệp ở lĩnh vực giáo dục (1.614 doanh nghiệp) và doanh nghiệp chế tạo (1.054 doanh nghiệp).

Ngoài ra, số doanh nghiệp đệ trình Chính phủ Hàn Quốc phê duyệt chế độ làm thêm giờ đặc biệt cũng gia tăng, do khối lượng công việc tăng đột biến bởi dịch COVID 19. Từ ngày 29/1 tới 10/3, đã có 311 công ty đề nghị thực thi chế độ làm thêm giờ đặc biệt, trong đó đã có 291 đơn vị được cho phép. Phần lớn những doanh nghiệp này liên quan tới công tác phòng dịch COVID-19.

Dịch bệnh cũng khiến chính quyền tỉnh Gyeonggi cấm mọi sự kiện tại các cơ sở tôn giáo không thực hiện theo hướng dẫn phòng ngừa virus SARS-CoV-2. Quyết định này sẽ có quyết định từ ngày 22/3 theo sắc lệnh hành chính khẩn cấp. Theo quyết định trên, các cơ sở tôn giáo phải kiểm tra thân nhiệt của người tham gia, giữa khoảng cách 2 mét giữa những người đeo khẩu trang và khử trùng trước và sau buổi lễ.

Tính đến ngày 11/3, dịch COVID-19 tại Hàn Quốc đã khiến 116 quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt việc cấm hoặc thắt chặt các biện pháp giám sát người nhập cảnh từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong số các nước hạn chế nhập cảnh với người từ Hàn Quốc, đã có 3-4 nước cho phép doanh nhân Hàn Quốc nhập cảnh có ngoại lệ, phần lớn thuộc châu Á. Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, đã có 1 nước cho phép những người liên quan tới dự án triển khai ở nước sở tại nhập cảnh ngoại lệ với điều kiện những người này phải điền vào bản khai báo y tế khi nhập cảnh, sau đó định kỳ theo dõi nhiệt độ cơ thể trong vòng 14 ngày và thông báo với cơ quan chức năng của nước đó.

Chính phủ Hàn Quốc đang thảo luận với hơn 20 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ về việc cho phép các doanh nhân Hàn Quốc có giấy khám sức khỏe hoặc chứng nhận âm tính virus SARS-CoV-2 được nhập cảnh ngoại lệ.

 Dịch COVID-19: Hàn Quốc mạnh tay với nạn đầu cơ, tích trữ khẩu trang  - Ảnh 3.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày