Cuộc sống phức tạp lắm, hàng ngày chúng ta phải đối diện với muôn vàn lựa chọn cùng rất nhiều vấn đề khác nhau. Để dành cả ngày tìm câu trả lời cho một câu hỏi, giải pháp cho một vấn đề là điều hết sức phức tạp. Dù vậy, nhiều khi bạn có cố gắng đến đâu đi chăng nữa bạn cũng chẳng thể làm được điều gì thích hợp nhất với mình.
Bản chất của những rắc rối, vấn đề là khi bạn càng nghĩ nhiều về nó, nó sẽ càng phức tạp hơn và càng khó để tìm câu trả lời hơn. Trong cơn túng quẫn xử lý vấn đề, nhiều khi một hành động sai lại đưa vấn đề đi xa hơn, tăng độ khó và rồi bạn rơi vào cái vòng luẩn quẩn. Bực bội, khó chịu, mệt mỏi trong khi vấn đề thì vẫn luôn còn đó, não bộ như muốn đóng băng và bế tắc là cảm giác dễ gặp phải.
Thế nhưng để xử lý vấn đề, trước hết bạn phải mặc kệ nó và đi ngủ cái đã
Nghe có vẻ buồn cười, rắc rối vẫn còn ngoài kia nhưng bạn lại bỏ mặc nó rồi đi ngủ? Thế nhưng, nghỉ ngơi đôi khi là thứ tốt nhất bạn có thể làm, nếu có thể ngủ khi vấn đề còn đang thức, khi tỉnh giấc vấn đề của bạn sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Khoa học cũng đã nghiên cứu về vấn đề này, nhà khoa học Graham Wallas với nghiên cứu Incubation Effect đã chứng minh rằng khi chúng ta nghỉ ngơi, vấn đề sẽ đơn giản hơn. Tóm gọn lại, não bộ sẽ xử lý phức tạp tốt hơn khi chúng ta ngủ đủ.
Lý do vì sao? Các nhà nghiên cứu vẫn bó tay, họ cho rằng hoặc não bộ ít bị phân tâm hơn khi ngủ hoặc tiềm thức của chúng ta tiếp tục làm việc khi con người nghỉ ngơi để giải quyết vấn đề. Nhưng dù nó là gì đi nữa, thì họ cũng khuyên mọi người nên đi ngủ để vấn đề lại giải quyết vào lúc sau.
Câu trả lời tới từ giấc mơ
Có rất nhiều phát kiến khoa học, sáng tạo nghệ thuật tới từ một giấc mơ đơn thuần. Ví dụ như Otto Loewi từng phát hiện ra mạch đập của con người chỉ vì một giấc mơ ông gặp phải.
Khi bạn ngủ, não bộ tổng hợp toàn bộ những sự kiện trong ngày và rồi tổng hợp, trộn lẫn nó lại để tạo thành giấc mơ. Ngủ sau khi bạn vừa học một điều mới sẽ khiến não bộ bóc tách thông tin dưới dạng giản thể và rồi bạn sẽ cải thiện được khả năng nhớ thông tin này.
Ngoài việc xử lý thông tin, có rất nhiều yếu tố trong một giấc ngủ giúp tăng cường khả năng giải quyết vấn đề của bạn. Giấc ngủ sâu (REM) tái tạo lại những kết nối để rồi nó gợi mở thêm những cách giải quyết vấn đề, những chi tiết còn thiếu mà bạn vô hình bỏ lỡ do không chú ý.
Tập trung quá nhiều vào vấn đề đôi khi khiến bạn không thể xử lý được chúng
Hiệu ứng này được gọi là Einstellung khi mà nó sử dụng toàn bộ những gì bạn biết và ngăn cản bạn sáng tạo hơn để xử lý vấn đề. Khi bạn quá tập trung, não bộ sẽ tự hoạt động giống như một phần mềm tìm kiếm, nó tìm kiếm những thông tin có sẵn mà bạn biết để xử lý vấn đề thay vì suy nghĩ chiến lược để tìm những module mới, giải quyết vấn đề nhanh gọn, sáng tạo hơn.
Một lý do nữa để ngủ là vì suy nghĩ nhiều sẽ khiến bạn khó chịu
Suy nghĩ mà không đưa ra được giải pháp sẽ khiến chúng ta bực dọc, khó chịu và nó càng khiến vấn đề thêm phức tạp hơn. Ít người nghĩ rằng mình nên ngủ đơn giản vì họ quá bực bội và nôn nóng muốn giải quyết vấn đề. Thế nhưng, sự bực tức này trở thành rào cản khiến bạn tìm ra đáp án, đó là lúc nên để cơ thể thư giãn, nghỉ ngơi và tâm trí thoải mái hơn. Đi ngủ!
Những điều nêu trên phải được thử nghiệm mới biết, có thể nó không đúng với nhiều người, có những người đưa ra cách thức giải quyết vấn đề khi họ... vào WC hoặc đi tắm hoặc nghe nhạc. Thế nhưng, một khi quá căng thẳng và bực tức vì một vấn đề nào đó, đi ngủ có lẽ là giải pháp toàn diện nhất. Ít ra bạn vẫn giữ được sức khỏe để tiếp tục bực tức vì những vấn đề.