Những dòng tâm sự của bà Lương Triệu Trân, 65 tuổi, được đăng tải trên MXH Baidu (Trung Quốc) đã thu hút nhiều sự chú ý của CĐM.
***
Tôi là Lương Triệu Trân, quê ở tỉnh Quảng Tây. Tôi là con thứ ba trong gia đình có 4 anh chị em. Từ nhỏ, cha mẹ luôn dạy rằng anh chị em phải yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
Năm tôi học lớp 9, mẹ tôi nói rằng gia đình quá khó khăn, chỉ có thể nuôi một người tiếp tục học. Tôi rất muốn đi học, nhưng nghĩ đến lời dạy của mẹ, tôi quyết định nhường cơ hội đó cho em trai mình. Hai chị gái tôi khi ấy đã đi làm, nếu họ hỗ trợ, có lẽ tôi không cần phải bỏ học. Nhưng mẹ tôi không yêu cầu, họ cũng không chủ động giúp nên tôi cũng không dám mở lời.
Sau đó, tôi theo dì lên thành phố làm công nhân trong một nhà máy đồ chơi. Công việc vô cùng nhàm chán, thường phải tăng ca, cả ngày chỉ ngồi một chỗ khâu tóc cho búp bê, đổi lại được hơn 500 NDT/ tháng (khoảng 1,7 triệu VNĐ). Một thời gian sau, khi dì tôi bỏ việc về quê, tôi vẫn kiên trì bám trụ với công việc này.
Nhờ chăm chỉ, tôi được thăng chức lên quản lý xưởng, mức lương cũng khá hơn. Bên cạnh đó, tôi còn tranh thủ học lớp buổi tối, lấy chứng chỉ kế toán và mở ra cơ hội mới. Chính tại lớp học này, tôi gặp chồng mình - Loan Bình.
Sau một năm yêu nhau, tôi và Loan Bình kết hôn. Tôi càng nỗ lực làm việc để con cái có điều kiện tốt hơn, không phải chịu cảnh thất học như mình. Một năm sau, tôi sinh hạ con gái đầu lòng và đặt tên là Loan Tiểu Khiết.
Chồng tôi nói anh chỉ thích có một cô con gái, nhưng tôi vẫn muốn sinh thêm con. Ngoài ra, mẹ chồng tôi cũng không chấp nhận việc chỉ có một con. Khi Tiểu Khiết 3 tuổi, tôi mang thai lần nữa. Lần này thai kỳ rất khó khăn, tôi ốm nghén nặng, phải nghỉ làm ở nhà dưỡng thai.
Sau 10 tháng, tôi sinh một bé trai, đặt tên là Loan Nghĩa Văn với hy vọng con sẽ trở thành niềm vui lớn của cả gia đình. Dù từng nói "con nào cũng là con, không có chuyện bên khinh bên ghét", nhưng khi có con trai, chồng tôi thể hiện niềm hạnh phúc rõ rệt. Bên cạnh đó, mẹ chồng tôi ngày nào cũng đến sớm để bế cháu trai, còn con gái tôi dần bị bỏ quên.
Lúc nhỏ, Tiểu Khiết không nhận ra cách đối xử của mọi người trong gia đình giữa con bé và em trai có sự khác biệt. Nhưng khi lớn hơn, con gái tôi đã bắt đầu để ý. Một lần đi chơi nhà bà nội về, con gái hỏi: " Mẹ ơi, bà không thích con sao? Em trai được bà cho kẹo, nhưng con lại không có phần ". Tôi vội an ủi, nói rằng con đang ở độ tuổi phát triển, bà sợ con bị sâu răng nên không cho ăn kẹo. Dù nói vậy, nhưng trong lòng tôi hiểu, bà nội thiên vị cháu trai.
Lên cấp hai, Tiểu Khiết càng nhận ra sự phân biệt. Khi con bé thi thử vào cấp ba và đạt kết quả không tốt, mẹ chồng tôi nói: " Tiểu Khiết học không giỏi, sau này nên dành tiền và thời gian nhiều hơn cho Nghĩa Văn ". Con gái tôi vô tình nghe được nhưng không nói gì. Về sau, khi nhắc lại chuyện này, tôi mới biết con bé đã ghi nhớ tất cả.
So với chị, Nghĩa Văn học giỏi hơn nhiều. Khi chị gái học lớp 12, cậu mới học lớp 9 nhưng đã có thể giúp chị giải bài toán khó. Tuy nhiên, Tiểu Khiết cũng không vì điều này mà chùn bước, nhờ sự nỗ lực, con bé đã thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng.
Ba năm sau, Nghĩa Văn cũng đậu vào một trường đại học tốt ở Quảng Châu. Sau khi tốt nghiệp, Tiểu Khiết học tiếp thạc sĩ và trở thành người đầu tiên trong gia đình có bằng cao học. Khi con nhận bằng, tôi hạnh phúc chụp ảnh lại để bù đắp những tiếc nuối năm xưa.
Tuy nhiên, một tháng sau khi đi làm, con gái tôi đã gặp phải một vấn đề nghiêm trọng. Trong lúc làm thí nghiệm, con bé xảy ra tai nạn và bị tàn tật. Công ty đó bồi thường hơn 100.000 NDT (khoảng 346 triệu VNĐ), Tiểu Khiết đã dùng số tiền đó để chữa trị.
Vì sức khỏe yếu, con gái tôi không thể làm công việc văn phòng, do đó tôi đành cho con đi học nghề mát-xa. Dần dần, con ổn định công việc tại một tiệm nhỏ, tiết kiệm được 200.000 NDT (khoảng 600 triệu VNĐ) trong 5 năm. Do cảm thấy bản thân không giỏi quản lý tiền, con gái đã giao số tiền này cho tôi giữ.
Tuy nhiên, lúc này, Nghĩa Văn đã lấy vợ, muốn khởi nghiệp nên thế chấp nhà để vay 200.000 NDT. Không may, việc kinh doanh của con trai tôi thất bại, ngân hàng thúc giục trả nợ. Vợ Nghĩa Văn từ chối giúp đỡ chồng, nhà vợ cũng quay lưng với con trai. Quá túng quẫn, con trai tôi gọi điện cầu xin tôi: " Mẹ ơi, nếu mẹ không giúp con, con không sống nổi ".
Trong lúc gấp gáp, tôi chợt nhớ đến số tiền Tiểu Khiết gửi. Ban đầu tôi không muốn động vào, vì đó là tiền con gái tôi vất vả kiếm được. Nhưng nghĩ đến con trai xa nhà, gặp khó khăn, tôi quyết định chuyển số tiền đó cho Nghĩa Văn. Tôi tự nhủ rằng mình còn lương hưu, sau này có thể trả lại cho con gái.
Một năm sau, Tiểu Khiết nói muốn mở tiệm riêng và cần tiền. Tôi đành thú nhận đã dùng số tiền con gái nhờ tôi giữ hộ để giúp đỡ cho Nghĩa Văn. Vừa nghe xong, con gái tôi gào lên: " Trong mắt mẹ chỉ có em trai, mẹ lại lấy tiền của con để giúp thằng bé. Con không muốn có người mẹ như bà ".
Tôi sững sờ. Cả đời tôi tin vào đạo lý "Anh em như thể tay chân" mà người xưa đã dạy. Tôi không ngờ con gái lại ích kỷ đến vậy. Quá tức giận, tôi hét lên: " Nếu con đã ghét mẹ như vậy, chúng ta cắt đứt quan hệ mẹ - con đi ".
Điều khiến tôi đau lòng nhất là con bé đồng ý không hề do dự, quay đi không nói lời nào. Tôi đã làm sai thật sao? Hay chỉ vì con gái tôi không hiểu rằng trong nhà, tình thân luôn phải đặt lên hàng đầu?