Tuổi trung niên là giai đoạn bước ngoặt trong cuộc đời.
Khi còn trẻ, chúng ta thường có xu hướng tìm đến những thứ bên ngoài, muốn thể hiện bản thân, mở rộng mối quan hệ và chi tiêu thoải mái. Khi bước vào tuổi trung niên và trải qua những thăng trầm của cuộc sống, sự hiểu biết của chúng ta về cuộc sống trở nên sâu sắc hơn, tinh thần vững vàng hơn.
Chỉ đến lúc đó, chúng ta mới nhận ra, khi đạt đến độ tuổi nhất định, giá trị bên trong quan trọng hơn. Khi đó, có những lời không thể nói ra, có những người không cần phải kết bạn và có những mối quan hệ không cần phải duy trì. Càng cố chấp bạn chỉ cảm thấy mình nghèo đi, nghèo niềm vui trong cuộc sống.
Trong thực tế, những người trẻ - ở độ tuổi 20 hay 30 thích đi họp lớp. Bởi lẽ cuộc sống và công việc chưa đâu vào đâu, khiến họ có nhiều kỳ vọng với việc mở rộng mối quan hệ, với câu "giàu vì bạn sang vì vợ".
Đến tuổi trung niên, họp lớp không còn là buổi gặp gỡ bạn bè nữa. Tôi từng nghĩ rằng mình có thể ôn lại kỷ niệm xưa với bạn cũ, nói chuyện tầm xàm ba láp như hồi trẻ trong sáng và ít tính toán hơn. Tôi còn nghĩ buổi họp lớp sẽ là cầu nối để chúng tôi giữ liên lạc sau đó.
Nhưng tất cả chỉ là suy nghĩ, hiện thực tàn khốc hơn nhiều. Trong buổi họp lớp ở tuổi trung niên, bạn sẽ thấy nhiều người đã thay đổi, không chỉ về ngoại hình mà còn tính cách, lời nói và hành vi.
Họ không còn nói về suy nghĩ và cảm xúc hay kỷ niệm hồi đi học nữa mà so sánh với nhau. Người giàu có và thành đạt thì khoe khoang mua nhà mua xe trong những năm vừa qua, người có con lớn thì kể về trường chuyên lớp chọn hay cách nuôi dạy con cái,... Người kém thành công hơn, có cuộc sống bình thường thì ngồi im và lướt điện thoại.
Cái gọi là họp lớp này giống như một vũng nước đục, không còn trong trẻo như hồi còn đi học nữa. Tình cảm bạn bè cũng đã trở thành dĩ vãng, điều không còn quan trọng. Việc tham dự buổi họp lớp như vậy liệu có ý nghĩa gì nữa?
Họ hàng luôn là mối quan hệ khó tả với nhiều người. Rõ ràng là mang cùng họ, có chung dòng máu nhưng chỉ đem đến cho mình toàn phiền phức, thậm chí lấy oán báo ơn. Vì vậy tốt nhất là giúp đỡ có chừng mực, cân nhắc kỹ càng trước họ hàng đến ở nhờ.
Một ngày nọ, Hoàng Dương bất ngờ nhận được điện thoại từ người anh họ. Người này nói rằng muốn gửi con trai của mình đến ở chung với gia đình anh trong thời gian mới lên thành phố nhập học. Sau này, khi cậu con trai này tìm được phòng trọ hợp lý thì sẽ rời đi. Anh nhanh chóng đồng ý lời nhờ vả này mà không hề biết rằng rắc rối sẽ bắt đầu từ đây.
Nhà Hoàng Dương có con nhỏ, phải đi ngủ sớm trong khi người cháu họ này lại hay đi sớm về muộn, mở nhạc ồn ào. Sự khác biệt trong cách sinh hoạt làm ảnh hưởng đến mọi người nên vợ anh không đồng tình, nhiều lần ý kiến nhưng cháu lại không biết ý, không thay đổi còn gọi điện nói với bố mẹ rằng bị thím gây khó dễ. Khoảng 1 tháng sau, người cháu dọn đi nên cuộc sống gia đình anh mới trở lại bình thường.
Người thân, họ hàng đến ở nhờ 1-2 đêm thì không sao nhưng tuyệt đối đừng để họ ở quá lâu, nếu không vấn đề giữa 2 bên sẽ ngày càng lớn, hiềm khích càng khắc sâu làm mất đi tình cảm ban đầu.
Chưa kể, đôi khi bạn nghĩ mình đang có ý định tốt, giúp đỡ người thân nhưng họ lại có thể phản bội bạn bất cứ lúc nào. Tất nhiên người ta hay nói "Người làm việc tốt sẽ được đền đáp, tại sao những điều tốt đẹp lại dẫn tới kết quả tệ hại?".
Vậy thì cũng có câu nói thế này: "Giúp lúc khẩn cấp chứ không giúp lúc nghèo đói, giúp người chưa hiểu biết chứ không giúp kẻ lười biếng" . Việc dễ dàng giúp đỡ người khác, kể cả họ hàng bằng tiền bạc, sẵn sàng cho ở nhờ lâu dài,... khiến họ trở nên phụ thuộc, quen với việc nhận sự giúp đỡ từ bạn. Và chỉ cần gặp khó khăn, họ sẽ tự động tìm đến bạn, xem sự giúp đỡ đó như nghĩa vụ.
Đương nhiên bạn có thể giúp đỡ họ hàng, người thân 1-2 lần hay cho ở nhờ 1-2 ngày nhưng không thể cưu mang họ cả đời.
Bạn bè là yếu tố không thể thiếu, vô cùng quan trọng trên hành trình cuộc đời của mỗi người. Cuộc sống sẽ thú vị và trọn vẹn hơn khi có bạn bè ở bên. Đặc biệt là khi bước vào tuổi trung niên, mọi người sẽ càng hiểu tầm quan trọng của bạn bè và mong muốn được có sự quan tâm, chia sẻ từ họ nhiều hơn.
Tuy nhiên không phải tất cả bạn bè đều mang đến sự đồng hành, giúp đỡ bạn mà ngược lại, một số họ chỉ đem đến tổn thương, ảnh hưởng không tốt đến bạn. Làm sao bạn có thể vui vẻ, hạnh phúc khi xung quanh bạn toàn năng lượng tiêu cực?
Người ta thường nói nhiều bạn bè thì nhiều con đường hơn nhưng không phải ai cũng xứng đáng với trái tim và tấm lòng của bạn. Ở tuổi trung niên, hãy học cách kết bạn có chọn lịc để không gặp rắc rối.
Có câu nói thế này: "Tình bạn chất lượng thấp không bằng sự cô đơn chất lượng cao". Thật vậy, nếu những người bạn chỉ chăm chăm lợi dụng thì tốt nhất là bạn nên tiếp tục một mình. Tuy có chút cô đơn nhưng tốt hơn là bị người khác làm tổn thương.
Ai đó sẽ nói rằng ở tuổi trung niên, khi có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm, người ta sẽ trở nên thận trọng hơn trong việc kết bạn nhưng chưa chắc.
Ngay cả những người ở tuổi trung niên vẫn có thể va vấp trong mối quan hệ bạn bè. Ở độ tuổi này, khi quyết định ai đó là bạn tốt của mình, họ sẽ đặc biệt trung thành, không ngần ngại tìm mọi cách để giúp đỡ người đó. Và chính vì coi trọng tình bạn và lòng trung thành như vậy nên họ sẽ càng dễ bị tổn thương.
(Nguồn: Baidu)