Đến khi ngoài 35 tuổi, tôi mới nhận ra tư duy tiết kiệm ngắn hạn là một sai lầm, tiết kiệm để có tiền tiêu lại càng sai hơn nữa!

Ngọc Linh, Theo Nhịp sống thị trường 20:01 11/09/2024
Chia sẻ

Tiết kiệm không đơn thuần chỉ là cắt giảm chi tiêu hay để dành tiền trang trải những nhu cầu trong ngắn hạn.

Dạo gần đây, tôi được nghe nhiều câu chuyện có phần đáng buồn của những người xung quanh mình. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tựu trung lại, vấn đề chỉ gói gọn trong 3 chữ “không có tiền”.

Có lẽ càng trưởng thành, chúng ta càng thấm thía tầm quan trọng của việc có tiền trong người. Nếu không có một thái độ đúng với những đồng tiền mồ hôi xương máu, phải vất vả lắm mới kiếm được, sớm thôi, người ta sẽ thấy hối hận.

Trước đây, tôi vốn nghĩ tiết kiệm là để có tiền thực hiện những dự định trong cuộc sống, như đi du lịch, mua sắm những món đồ có giá trị lớn hơn bình thường một chút.

Sau này, tôi mới nhận ra đó là tư duy tiết kiệm trong ngắn hạn. Đương nhiên, biết tiết kiệm là điều đáng khen, nhưng nếu cố gắng tiết kiệm để rồi vài tuần, vài tháng sau lại tiêu hết số tiền ấy thì quả thực không nên.

Đến khi ngoài 35 tuổi, tôi mới nhận ra tư duy tiết kiệm ngắn hạn là một sai lầm, tiết kiệm để có tiền tiêu lại càng sai hơn nữa!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Để thoát khỏi trạng thái bấp bênh tài chính, tiết kiệm thôi là chưa đủ, mà phải tiết kiệm bền vững. Chỉ có tiết kiệm bền vững mới giúp chúng ta không rơi vào những tình thế éo le, đáng buồn, tự như “vì tôi không có tiền, nên tôi thậm chí không thể tự quyết định cuộc đời mình”.

Tiết kiệm bền vững chính là vun đắp sự tự tin, bản lĩnh sống

Hôm trước, tôi có đọc được những lời trải lòng của một người trạc tuổi mình. Ở độ tuổi 36, cô muốn học để thi lấy bằng MBA, tuy nhiên, chồng và gia đình nội ngoại 2 bên đều ra sức phản đối. Họ cho rằng cô đã có con rồi, sao không tập trung chăm con nhỏ, vun vén gia đình, lại nghĩ tới chuyện đi học làm gì. Thậm chí, mẹ chồng cô còn cho rằng cô đang đú đởn, đua đòi với lớp trẻ mới ra trường.

Phản ứng của người thân giống như một gáo nước lạnh tạt vào mong muốn trau dồi tri thức của cô. Tuy nhiên, cô không vì thế mà nản chí hay bỏ cuộc, dù rằng rất tổn thương và bực tức.

Trước khi kết hôn, cô có một khoản tiền tiết kiệm và một khoản đầu tư sinh lời khá ổn mỗi quý. Cô quyết định nghỉ việc, dành toàn bộ thời gian để đi học MBA bằng số tiền tiết kiệm cũng khoản lãi từ việc đầu tư của mình.

Chồng không hỗ trợ, gia đình phản đối, cũng chỉ khiến cô chạnh lòng trong phút chốc. Khi thấy cô cương quyết tự bỏ tiền túi ra để đi học MBA, họ không nói hay phàn nàn gì thêm nữa. Bà mẹ có chí tiến thủ này đã dành 2 năm học lấy bằng MBA của một trường Đại học ở Anh với hình thức du học từ xa. Sau đó, cô mở công ty riêng và thành công đến tận bây giờ.

Đến khi ngoài 35 tuổi, tôi mới nhận ra tư duy tiết kiệm ngắn hạn là một sai lầm, tiết kiệm để có tiền tiêu lại càng sai hơn nữa!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Trong bài tâm sự của mình, cô ấy có viết một doạn thế này: “Thú thực, tôi đã tiết kiệm tiền chỉ vì đó là thói quen mà mẹ đã dạy cho tôi từ bé. Trong suốt hơn 13 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học và đi làm, tháng nào tôi cũng tiết kiệm một ít mà chẳng hiểu mình đang tiết kiệm để làm gì. Không ít lần, tôi đã định dùng hết số tiền ấy, đi du lịch Châu Âu. Tôi tự hỏi chẳng lẽ cả đời mình chẳng được xuất ngoại sang trời tây một lần hay sao. Nhưng cuối cùng, tôi lại thôi, cũng chỉ vì tiếc tiền, tiếc công sức dành dụm cả thanh xuân.

Cho đến khi khao khát được đi học MBA mà không ai ủng hộ, chồng không đỡ đàn chi phí nuôi con để tôi có thể tập trung học tập, tôi mới nhận ra những đồng tiền tôi chắt chiu đã cứu vớt cuộc đời tôi, giúp tôi trở thành một người phụ nữ độc lập.

Lúc đó tôi mới nhận ra tiết kiệm bền vững chính là đang vun đắp sự tự tin, bản lĩnh sống cho chính bản thân, để không phải sống khúm núm khép nép chỉ vì không thể tự chủ tài chính” .

Tôi vô cùng tâm đắc quan điểm tiết kiệm bền vững mà cô ấy chia sẻ. Đọc câu chuyện này xong, tôi thấm thía điều rằng hầu hết những lo lắng trong cuộc sống đều có thể giải quyết được bằng tiền. Tư duy tiết kiệm bền vững sẽ tạo ra một tương lai độc lập, một người phụ nữ ngời ngời khí chất bản lĩnh, tự tin.

Tiết kiệm bền vững chính là đang chuẩn bị cho tuổi già của chính mình

Một người bạn thân từ thời Đại học của tôi mới thủ thỉ tâm sự rằng 2 năm tới, cô và chồng sẽ có đủ tiền để nghỉ hưu sớm. Bạn bằng tuổi tôi, hiện tại 38 tuổi, còn chồng bạn thì 43 tuổi. Sau gần 2 thập kỷ cùng nhau làm việc trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, sáng tác game, họ dự định sẽ nghỉ hưu ở độ tuổi U50.

Điều này quả thực đáng ngưỡng mộ.

Đến khi ngoài 35 tuổi, tôi mới nhận ra tư duy tiết kiệm ngắn hạn là một sai lầm, tiết kiệm để có tiền tiêu lại càng sai hơn nữa!- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Hiện tại, bạn tôi có 3 BĐS nhà ở ở 2 thành phố lớn, 2 chiếc ô tô - mỗi người dùng một chiếc. Vì không có con, nên họ gần như không cần chuẩn bị tiền bạc để nuôi con cũng như lo cho tương lai của con.

Ngoài việc trang trải chi phí sống cơ bản và thi thoảng đi du lịch, bạn tôi gửi một phần tiền kiếm được vào tài khoản tiết kiệm, một phần dùng để mua vàng và một phần dùng để đầu tư chứng khoán hoặc chứng chỉ quỹ. Hai bạn cứ duy trì việc tiết kiệm, tích sản và đầu tư như vậy suốt hơn 1 thập kỷ về chung một nhà; song song với đó là cùng nhau cày cuốc, làm việc hết tốc lực, cuối cùng, chỉ 2 năm nữa thôi, bạn đã có thể nghỉ hưu được rồi.

“Cũng không cần phải có mấy chục tỷ hay cả trăm tỷ để nghỉ hưu sớm đâu. Quan trọng là mức sống của mình như thế nào thôi, tiền tiết kiệm cộng thêm tỷ suất sinh lời của các khoản đầu tư khác, thấy hòm hòm là có thể nghỉ ngơi được rồi” - Bạn tôi nói.

Nghe bạn tâm sự, tôi lại càng thấm thía tầm quan trọng của tư duy tiết kiệm bền vững. Cũng giống như mua vàng tích sản, nếu có thể tiết kiệm đều đặn hàng tháng và quên hẳn số tiền ấy đi thì thật tốt biết bao nhiêu.

Đến khi ngoài 35 tuổi, tôi mới nhận ra tư duy tiết kiệm ngắn hạn là một sai lầm, tiết kiệm để có tiền tiêu lại càng sai hơn nữa!- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Khi đã có tuổi, khi muốn làm việc ít lại một chút để có thời gian ngắm nghía cuộc sống, những đồng tiền tiết kiệm mà lúc này bạn thắc mắc “chẳng hiểu tiết kiệm để làm gì”. mới phát huy tác dụng.

Những năm tháng 20s, không có ai nói với tôi, dạy tôi về tư duy tiết kiệm bền vững này. Tất cả những gì tôi làm chỉ là tiết kiệm tiền để đi du lịch, để lên đời laptop, điện thoại hoặc xe máy. Kết cục, từ U30 sang U40, tôi gần như chưa có gì trong tay và phải tiết kiệm lại từ đầu.

Mong rằng bạn sẽ không như tôi, đừng quá hài lòng chỉ vì bản thân đã có thói quen tiết kiệm. Vì tiết kiệm để chi tiêu rất khác với tiết kiệm để chuẩn bị cho tương lai, cho cuộc sống của mình trong vòng 10-20-30 năm nữa… Một bên là tiết kiệm ngắn hạn, một bên là tiết kiệm bền vững. Chúng khác biệt thế nào, có lẽ, đến đây, bạn cũng đủ hiểu rồi.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày