Chịu ảnh hưởng từ văn hóa Anh Quốc từ khi còn là thuộc địa nên người Hồng Kông cũng có thói quen thưởng thức trà chiều với bánh ngọt. Một trong số những món trà phổ biến nhất tại nơi đây mang cái tên khiến nhiều người sẽ phải tò mò, đó là "trà tất da chân".
Những nhà pha chế trà nổi tiếng cũng đã phải khen ngợi trà sữa tất da chân có hương vị tuyệt vời, mịn và rất thơm. Trà tất da chân là một món đồ uống thể hiện sự giao thoa văn hóa Đông – Tây và trở nên phổ biến hơn kể từ năm 1997. Bí mật của món trà thơm ngon này không hề cao siêu gì, mà chỉ nằm ở cách ủ và lọc trà.
Nhìn vẻ ngoài, trà tất da chân chỉ như món trà sữa thông thường, là trà pha với sữa. Một tách trà sữa ngon hoàn hảo sẽ hội tụ đầy đủ 4 yếu tố: nước trà mịn, ngọt, ngả nâu đẹp mắt và thoảng một chút đắng nhẹ của lá trà. Sẽ có rất nhiều người tự hỏi, phải chăng món đồ uống mang cái tên độc đáo như vậy là do có màu giống tất da chân phụ nữ? Tuy nhiên, đó hoàn toàn không phải là lý do.
Sở dĩ món trà sữa này mang tên "tất da chân" do cách lọc và ủ trà cổ xưa của người Trung Quốc. Để làm trà tất da chân, trà đen Ấn Độ và Sri Lanka sẽ được ủ và lọc qua một chiếc tất cotton dài, hoặc tất da chân, rồi liên tục được rót và ép trong 20 phút, sau đó thêm sữa. Những chiếc tất có độ dày hơn giấy lọc trà thông thường, thời gian ủ cũng lâu hơn và đó chính là lý do đem lại hương vị cũng như màu sắc đậm đà hơn cho từng tách trà sữa.
Trà tất da chân là món uống khá phổ biến của người dân nơi đây. Người dân Anh đã cai trị Hồng Kông từ giữa đến cuối thế kỷ XX, và trong thời gian đó, họ giới thiệu văn hóa trà chiều của họ đến với nơi đây. Phiên bản trà chiều cổ điển kiểu Anh sẽ gồm trà đen, sữa và đường ăn với các loại bánh ngọt nhỏ; nhưng ở Hồng Kông, sữa tươi không phải là thứ sẵn có. Trên thực tế, sữa bò gần như không có mặt trong suốt chiều dài lịch sử ẩm thực Trung Quốc, và bò sữa cũng không hề có mặt phổ biến như ở các quốc gia phương Tây. Vì vậy, trong thời gian thuộc địa hóa, sữa đặc đã được sử dụng thay thế sữa tươi, và món "trà tất da chân" ngọt ngào đã ra đời như thế.
Một thể kỷ trước đây, món trà này còn không hề tồn tại. Ngày nay, trà tất da chân phổ biến trên đường phố, trong những tiệm bánh, quán ăn khắp Hồng Kông, và thậm chí bạn có thể tìm thấy một set đồ pha món uống này trong siêu thị, với đầy đủ trà, sữa và lưới lọc dày mang hình chiếc tất.
Trà đen là loại trà được sử dụng để pha trà sữa tất da chân.
Theo Sarah Scarborough, một chuyên gia pha chế trà ở Nashville (Mỹ), vì trà tất da chân là món uống phổ biến ngay cả với tầng lớp bình dân, nên lá trà Tứ Xuyên và trà Ceylon Ấn Độ thường được sử dụng do giá thành không quá cao. Dù vậy, hai loại trà này vẫn có hương thơm và mùi vị đủ mạnh mẽ để kết hợp với sữa đặc mà không bị lấn át.
Tất nhiên, ngày nay không ai dùng chính chiếc tất da chân để lọc trà nữa, mà những người pha chế thường sử dụng lưới lọc dày mịn như tất da, lồng vào một vòng kim loại có tay cầm. Để pha trà, lá trà khô sẽ được đặt vào trong lưới và cho vào một chiếc bình lọc lớn chứa nước nguội. Nước được đun sôi lên cùng với trà, và trà sẽ liên tục được khuấy, ép để có được hương vị đậm đà nhất. Đó là một việc làm đòi hỏi nhiều sức khỏe và không phải ai cũng có thể làm được.
Để phục vụ trà đúng kiểu, một chiếc cốc thủy tinh – chứ không phải tách sứ hay cốc nhựa, sẽ được rót sữa đặc và đường vào. Khi trà nóng đã đủ độ ngấm, trà sẽ được rót đầy vào mỗi cốc. Bạn không nhất thiết phải khuấy nó lên, vì sức nóng từ trà sẽ tự làm sữa và đường tan chảy.
Kết quả là bạn sẽ được thưởng thức một loại thức uống ngọt ngào, đậm đà vị trà nhưng vẫn mịn mượt. Một trong những đặc điểm nổi bật của trà tất da chân là lớp bọt trắng nổi trên bề mặt là chất béo từ sữa, và đó là phần yêu thích của rất nhiều người. Bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy một phiên bản trà tất da chân "ít béo" tại Hồng Kông, vì trà phải đậm, sữa phải béo thì đó mới là món đồ uống yêu thích của người dân nơi đây.
Bánh tart trứng là món bánh ngọt được ăn trong bữa trà chiều kiểu Hồng Kông.
Trong những bữa trà chiều của người Hồng Kông cũng không thể thiếu bánh ngọt. Món bánh thường được ăn cùng trà đó là bánh tart trứng – một kiểu bánh ngọt cổ điển của Hồng Kông.
Trà sữa tất da chân là một loại đồ uống rất dân chủ - không phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp, hoặc độ tuổi, và đó chính là lý do hầu hết mọi người ở Hồng Kông đều uống như một nghi lễ giữa ngày.
Trà tất da chân cũng có thể uống lạnh, và để phục vụ nhịp sống hối hả, hình thức cốc take away cũng được phục vụ.
Ở Hồng Kông có một câu nói rằng "15h15' là thời gian dành cho trà sữa", vì đó là thời điểm mọi người sẽ dùng bữa trà chiều với trà tất da chân cùng bánh tart trứng. Thậm chí một số tiệm bánh ở nơi đây còn canh giờ nướng bánh tart trứng làm sao cho bánh ra lò vào đúng lúc 15h15' chiều, để bánh có được sự nóng hổi và thơm ngon nhất.
Bên trong một cha chaan teng tại Hồng Kông.
Hồng Kông là một đô thị lớn với nhịp sống hối hả. Bữa trà chiều với trà sữa tất da chân đem đến cơ hội để nghỉ ngơi, thư giãn, trò chuyện, và quan trọng nhất nó là thức uống dành cho tất cả mọi người, không phân biệt sang hèn. Người Hồng Kông thường thích uống trà trong các cha chaan teng (quán ăn nhỏ) nơi có phục vụ trà sữa, bánh ngọt và những món ăn nhẹ.
Cha chaan teng là nơi mà bạn có thể thoải mái chơi mạt chược, uống tách trà, ăn miếng bánh, nói chuyện ồn ào mà không ai phàn nàn. Các cha chaan teng luôn ồn ào náo nhiệt, là nơi mà bạn nên đến khi có dịp du lịch Hồng Kông bởi bầu không khí nơi đây thể hiện rõ nét tinh thần của con người mảnh đất này.
Địa chỉ:
Quán Lan Fong Yuen, số 2 Gage Street, khu trung tâm Hồng Kông
Các cha chaan teng tại khu vực Tsim Sha Tsui, Kowloon
Các cha chaan teng tại chợ trời Sheung Wan, phía tây bắc Hồng Kông
Nguồn: Foodandwine, tinyurbankitchen, reuters