Đón năm mới âm lịch từ lâu đã là một truyền thống đặc biệt của người dân các nước châu Á. Tại Trung Quốc, với lịch sử lâu đời của mình, việc đón năm mới trong hoàng cung thời nhà Thanh cũng vô cùng đặc biệt với nhiều sự kiện đáng chú ý.
Ghi chép trong kho lưu trữ của hoàng gia, vào những ngày cuối năm, hoàng đế nhà Thanh bao giờ cũng làm một việc vô cùng đặc biệt đó là: Khai bút đầu năm. Vào thời khắc Giao thừa, cũng là lúc bước sang ngày đầu tiên của năm mới, các Hoàng đế nhà Thanh sẽ đi dọc sảnh đường trong Dưỡng Tâm điện, thắp nến ngọc và đổ rượu vào chén vàng, sau đó sẽ nắn nót viết những lời chúc tốt lành cho năm mới.
Hoàng đế nhà Thanh thường khai bút chữ "Phúc" vào thời khắc giao thừa (Ảnh minh họa)
Theo truyền thống, chữ được các hoàng đế nhà Thanh viết thường là chữ "福" có nghĩa là "Phúc", mang ý cầu mong may mắn, bình an đến với mọi người. Theo quan niệm của người Trung Quốc, các chữ như "Lộc", "Thọ", "Tài" cũng thường được dùng trong những câu chúc năm mới, tuy nhiên chữ "Phúc" thường được hoàng đế sử dụng vì từ này được cho là mang ý nghĩa bao hàm tất cả, chỉ cần bạn có phúc thì mọi chuyện đều tốt đẹp.
Không chỉ được các hoàng đế dùng để khai bút đầu năm, chữ "Phúc" còn được các hoàng đế nhà Thanh viết và tặng lại cho các quan đại thần thân cận của mình như lời chúc mừng trong dịp năm mới. Việc làm này được cho là bắt đầu từ thời Vua Khang Hy và sau đó những vị vua tiếp theo đều kế thừa phong tục này.
Chữ “Phúc” do năm vị hoàng đế Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, Gia Khánh và Đạo Quang viết
Để thực hiện công việc này, Hoàng đế không chỉ cần chuẩn bị cẩn thận mà nguyên liệu được hoàng đế sự dụng cũng được chuẩn bị kỹ càng khi những chữ được đích thân hoàng đế ban tặng hầu hết sẽ được viết trên giấy lụa, lấy chu sa làm màu nền, vẽ mây vàng và hoa văn rồng thể hiện quyền uy.
Nghi lễ trao tặng chữ "ngự viết" cũng được tổ chức long trọng. Theo ghi chép, khi tên quan thần nhận chữ được xướng lên, chữ Phúc sẽ được hai thái giám đứng đối diện nhau cùng cúi đầu nhận lấy, sau đó ban cho đại thần đang chầu phía dưới. Sau khi nhận được ân điển này, đại thần sẽ tiễn hành lễ tạ ơn hoàng đế. Nguồn sử liệu của Thanh triều cho biết, mỗi năm chỉ có số lượng nhỏ chỉ khoảng trên dưới 10 quan đại thần nhận được ân điển đặc biệt này.
Nguồn: Toutiao