Theo vtcynic, một độc giả đã chia sẻ rằng bản thân chưa bao giờ là một người bắt kịp các xu hướng. “Trong những bức ảnh từ hồi cấp 2, bạn sẽ thấy tôi chỉ mặc quần jean, áo sơ mi hoặc áo len. Nhưng khi lớn lên cùng Internet, tôi nhận ra rằng ngày càng có nhiều xu hướng nở rộ, nhanh nở chóng tàn theo các mùa".
Áp lực bắt kịp xu hướng đặt lên những người trẻ tuổi không chỉ khiến tinh thần và cảm xúc trở nên bất ổn mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Thông thường các xu hướng tồn tại theo chu kỳ, xuất hiện và biến mất khoảng 20 năm một lần, theo báo cáo từ Go Fish.
Chúng ta có thể thấy bằng chứng về chu kỳ này trong sự hồi sinh của thời trang Y2K, gần như chạm mốc 20 năm 1 cách hoàn hảo. Tuy nhiên, gần đây đã có sự gia tăng các xu hướng, đồng thời các chu kỳ đã giảm xuống để kéo dài từ vài năm đến vài tuần, theo Vice. Điều này là nhờ sự thúc đẩy từ TMĐT cũng như các trang MXH.
Ảnh minh họa - Pinterest
Chẳng hạn, bạn xem 1 video về chiếc áo xinh xắn với lượt thích và bình luận tăng chóng mặt. Có lẽ bạn nghĩ nó dễ thương hoặc chỉ muốn bắt kịp xu hướng. Vì vậy, bạn lên mạng và tìm chiếc áo đó. Giả sử nó có giá khoảng 300 nghìn đồng. Thời gian xử lý trung bình cho các đơn đặt hàng trực tuyến là từ 1-3 ngày. Thêm vào thời gian vận chuyển trung bình từ 2-5 ngày và chiếc áo có thể mất 1 tuần để đến tay bạn. Đây là cách khiến bạn trở nên nhanh chóng bắt kịp các xu hướng và các công ty phải thay đổi nhiều hơn, sinh ra thời trang nhanh và chu kỳ xu hướng trở nên ngắn hơn.
Trong thời đại ngày nay, thật khó để ngăn bản thân mua hàng trực tuyến. Tuy nhiên, điều này có thể khiến bạn nhanh chóng "rỗng ví" hơn, ô nhiễm môi trường và thời gian yêu thích với một sản phẩm cũng được rút ngắn. Mua đồ cũ từ lâu đã được coi là một giải pháp thay thế bền vững hơn cho việc mua sắm thời trang nhanh. Song, trong một thế giới có nhiều xu hướng nở rộ như hiện tại, thậm chí điều này còn thúc đẩy tư tưởng tiêu dùng quá mức và thúc đẩy chu kỳ xu hướng thời trang nhanh. Ngoài chủ nghĩa tiêu dùng và tác động môi trường của các chu kỳ này, các tác động tâm lý cũng có thể có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.
Thị trường mua sắm phổ biến khắp nơi, từ livestream đến mua hàng online đang nở rộ gần đây khiến cho một bộ phận giới trẻ mang tâm trạng lo lắng và có cảm giác sợ hãi bị bỏ rơi khi không hòa nhập vào đám đông. Chủ nghĩa tiêu dùng là ý tưởng cho rằng việc tăng mức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ là do mong muốn thay vì nhu cầu, và hạnh phúc của một người phụ thuộc vào việc có được hàng tiêu dùng và của cải vật chất. Điều này khiến mọi người chi tiêu nhiều hơn và không còn quan tâm đến túi tiền của mình, ảnh hưởng tiêu cực trong khía cạnh tài chính cá nhân.
Ảnh minh họa - Pinterest
Song, may thay, hiện nay mọi người đã nâng cao nhận thức và cảnh giác với chủ nghĩa tiêu dùng. Một số người trẻ ủng hộ sự tiết kiệm, thích chi tiêu ít hơn, mua các sản phẩm thay thế giá cả phải chăng hoặc cố gắng kiềm chế ham muốn tiêu dùng của họ.
Tư duy mới của người tiêu dùng về "chi tiêu có mục đích" được kỳ vọng sẽ thay đổi cách mọi người tiêu tiền. Trong thời điểm thu nhập bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế biến động cùng bão sa thải. người trẻ trở nên cẩn thận hơn khi chi tiêu.
Nghiên cứu mới của Insight LED - một thành viên của Assembled Group, đã phát hiện ra rằng môi trường kinh tế không chắc chắn hiện nay có nghĩa là người tiêu dùng đang thận trọng và cảnh giác hơn về các thương hiệu và sản phẩm mà họ yêu thích. Chủ tịch Tập đoàn Assembled Craig Hart cho biết những thay đổi này đối với mô hình chi tiêu có thể sẽ quyết định xu hướng bán lẻ cho năm 2023. “Bối cảnh bán lẻ đã thay đổi sau Covid. Mặc dù điều này có vẻ khó khăn đối với các nhà bán lẻ, nhưng đây là thời điểm dành cho cơ hội và khả năng thích ứng. Việc chi tiêu có chủ đích đang gia tăng, mọi người bắt đầu đưa ra những quyết định có mục đích phù hợp với khả năng tài chính và giá trị cá nhân của họ”.
Người tiêu dùng đang cảm thấy khó khăn khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và không còn chi tiêu vì mục đích chi tiêu, thay vào đó, các quyết định mua hàng của họ có cân nhắc hơn. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng sẽ cần được đáp ứng ở mức độ cá nhân hơn. Chủ nghĩa tiêu dùng hợp lý có thể mang lại lợi ích cho xã hội. Một mặt, chuyện coi trọng giá trị sản phẩm hơn số lượng có thể ngăn chặn sự lãng phí nguồn lực xã hội do tiêu dùng quá mức. Mặt khác, nó thúc đẩy nhà sản xuất liên tục cải thiện hiệu suất chi phí sản phẩm của họ thông qua đổi mới công nghệ, có lợi cho hoạt động của xã hội.
Theo retailworldmagazine, vtcynic