Đây là cách các website mua sắm dụ dỗ bạn chi tiền - theo nghiên cứu của Princeton

J.D, Theo Helino 11:20 29/06/2019

Nghiên cứu cho thấy, rất nhiều website đã sử dụng một phương pháp "đen tối" để dẫn dụ chúng ta mua hàng nhiều hơn.

Có bao giờ bạn vào một website và thấy bảng quảng cáo (popups) về một sản phẩm với nội dung: chỉ còn 01 giờ nữa là bán hết? Hoặc dạng "anh A vừa tiết kiệm được 500k vì mua sản phẩm vào lúc này", kèm con số cho thấy còn bao nhiêu sản phẩm chưa được bán hết?

Vấn đề nằm ở chỗ "anh A" là nhân vật không có thật, và khoảng vài giờ sau bạn vẫn sẽ thấy thông báo trước đó với số thời gian y nguyên hiện ra. Hay nói cách khác, những bảng quảng cáo đấy là không đúng sự thật, và chúng được dân marketing gọi bằng một thuật ngữ: dark patterns - các giao thức đen tối.

Đây là cách các website mua sắm dụ dỗ bạn chi tiền - theo nghiên cứu của Princeton  - Ảnh 1.

Các mẫu quảng cáo như thế này có quen không nhỉ?

Mới đây, một số chuyên gia từ ĐH Princeton đã công bố một nghiên cứu về lĩnh vực này, để xem các website lạm dụng "giao thức tối" để lừa chúng ta tiêu tiền như thế nào.

"Các giao thức tối sẽ tác động đến hành vi của người dùng, khiến chúng ta đưa ra những quyết định bất thường, và mua những thứ mà bản thân không thực sự cần," - Gunes Acar, chuyên gia thuộc đội nghiên cứu cho biết.

"Đưa ra đồng hồ đếm ngược, rồi bảo rằng bạn chỉ còn 5 phút nữa trước khi hết thời hạn giảm giá - đó là cách khiến nhiều người cảm thấy không thể cầm lòng."

Acar và đội nghiên cứu đã tạo ra một công cụ để lấy thông tin từ hơn 10.000 trang thương mại điện tử. Kết quả cho thấy, có ít nhất 1.200 sử dụng "giao thức tối" để bẫy khách hàng chi trả nhiều tiền hơn.

"Đây chưa hẳn đã là con số chính xác, vì công cụ vẫn còn tập trung nhiều vào văn bản chứ chưa chuyên về thiết kế."

Đây là cách các website mua sắm dụ dỗ bạn chi tiền - theo nghiên cứu của Princeton  - Ảnh 2.

Tổng cộng, họ phát hiện được 15 cách các website bán hàng đang dẫn dụ để người dùng "dễ" mất tiền hơn, chẳng hạn gây khó ở công đoạn hủy đơn, tạo cảm giác ái ngại cho khách hàng khi không mua, hoặc dùng các tài khoản giả để tự đánh giá cho mặt hàng của mình. Bên cạnh đó, nhiều trang thương mại điện tử còn hợp tác với doanh nghiệp từ bên thứ 3, nhằm đem đến nhiều thiết kế gây dẫn dụ ngời dùng hơn.

Trong một bài viết trên New York Times, các tác giả đã muốn thử kiểm tra lại kết quả của nghiên cứu. Nhưng thứ họ tìm ra còn ấn tượng hơn, khi một số website còn đưa ra thông tin về khách hàng (tất nhiên là giả thôi) vừa được hưởng lợi khi mua hàng của họ.

"Abigail từ Albuquerque" vừa mua hàng chục món, tiết kiệm $200," - trích trong bài viết. "Nhưng Abigail không có thật. Đó là nhân vật được tạo ra để gây áp lực cho khách hàng, rằng họ đang bỏ lỡ một món hời."

Đây là cách các website mua sắm dụ dỗ bạn chi tiền - theo nghiên cứu của Princeton  - Ảnh 3.

Giao thức tối không chỉ sử dụng trong thương mại điện tử, mà còn được những kẻ lừa đảo áp dụng triệt để. Một số website đã lợi dụng phương pháp này để bẫy người dùng tải app trên iPhone. Thậm chí, Facebook cũng từng dính nghi án dùng "dark pattern" để khiến người dùng chia sẻ thông tin về bạn bè và người thân.

Nhưng liệu các mánh khóe này có thực sự hiệu quả không? Nghiên cứu của Princeton không tập trung vào điều này, nhưng rất nhiều nghiên cứu trước kia từng xác nhận và cảnh báo về độ nguy hại của "dark pattern".

Mới đây các Thượng nghị sĩ Mỹ vừa tổ chức một phiên điều trần để đưa ra một đạo luật mới về bán hàng online, trong đó sẽ có điều khoản cấm sử dụng các phương pháp này đối với những trang web có trên 100 triệu lượt người truy cập/tháng.

"Đó không phải là lựa chọn, mà là mánh khóe khiến người dùng mất tiền," - Katie McInnis, chuyên gia cố vấn chính sách phát biểu.

Tham khảo: Science Alert, Business Insider