Hầu hết những người bình thường từ 18 tuổi trở nên đều dần học được cách tự lập, không còn quá phụ thuộc vào sự chăm sóc, bao bọc của cha mẹ. Tuy nhiên nhân vật dưới đây dẫu 33 tuổi song anh vẫn chỉ như một đứa trẻ 2 tuổi.
Ảnh: QQ
Ở tuổi 30, cuộc sống của một người đàn ông bình thường là lập gia đình song hành với lập nghiệp. Tuy nhiên cuộc sống của chàng trai Jack (33 tuổi) đến từ Mỹ lại không phải như vậy. Anh mang thân hình của người đàn ông trưởng thành song chưa thoát được trạng thái của một em bé. Dù không có bất kỳ khiếm khuyết nào trên cơ thể song lịch sinh hoạt của anh vẫn chỉ như một đứa trẻ.
Hàng ngày, mẹ vẫn phải kể chuyện ru Jack ngủ trong cũi. Thậm chí anh vẫn phải mặc những chiếc bỉm, áo liền quần ngoại cỡ. Không chơi các trò chơi trực tuyến hay các thiết bị di động, trò chơi yêu thích của Jack hàng ngày là các khối xếp hình.
Dẫu đã mọc răng nhưng hàng ngày Jack vẫn uống sữa, cà phê bằng bình và luôn phải ngậm ti giả. Thậm chí, bất cứ khi nào cha mẹ không đáp ứng nhu cầu của Jack, anh sẽ mất bình tĩnh và khóc cho đến khi được xoa dịu.
Ảnh: QQ
Nguyên nhân khiến chàng trai 33 tuổi vẫn sống như một em bé phần nhiều là do bố mẹ. Bố mẹ anh phải chạy chữa nhiều lần mới có được một cậu con trai. Vì thế Jack luôn được gia đình nuông chiều từ khi còn rất nhỏ.
Họ luôn lo sợ Jack bị các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng. Họ không cho con trai ra khỏi nhà mà phải ở trong tầm kiểm soát. 6 tuổi Jack vẫn chưa thể bước đi vững vàng nên không thể đi học. Tình trạng này kéo dài đến năm 13 tuổi, khi bố mẹ Jack nghĩ con trai bị mắc bệnh và được đưa đến bệnh viện để khám. Tuy nhiên, bác sĩ xác nhận anh hoàn toàn bình thường song do cách chăm sóc quá khác biệt khiến cho chàng trai không thể phát triển như bình thường.
Ảnh: QQ
Khi biết được nguyên nhân thì mọi chuyện đã quá muộn. Dẫu 33 tuổi song anh không có kiến thức gì về cuộc sống. Mỗi ngày, cha mẹ Jack dù đã già yếu song vẫn phải giặt giũ, nấu ăn, đút cơm và thay quần áo, tắm rửa cho con trai.
Những "em bé khổng lồ" như Jack không phải là trường hợp hiếm gặp trong cuộc sống ngày nay. Sản phẩm của sự nuông chiều đến từ cha mẹ không chỉ gây rắc rối cho người khác mà còn hạn chế sự phát triển của trẻ. Hiện nay nhiều cha mẹ nhầm lẫn giữa yêu thương và nuông chiều trẻ. Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý những dấu hiệu sau để tránh làm hư con:
Nhà trị liệu hành vi Jessica Leichtweiss cho biết để xem trẻ có được nuông chiều quá mức hay không, bạn hãy xem cách chúng đối phó với những lời từ chối của người khác. Nhiều cha mẹ luôn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của con, kể cả những đòi hỏi vô lý nhất. Đứa trẻ được cha mẹ "chiều lòng" sẽ hình thành thói quen xấu. Các em sẽ tự mặc định không ai có thể từ chối yêu cầu chúng đặt ra. Nếu bị từ chối, trẻ sẽ phản ứng rất mạnh và cảm thấy khó chịu khi nghe người khác nói "không".
Thông thường, trẻ thường tỏ ra vui mừng và biết thể hiện sự cảm kích khi được tặng quà, kể cả những món quà không quá giá trị. Trái lại, nếu trẻ tỏ thái độ không vui, khó chịu khi nhận được món quà không như mong muốn, rất có thể đó là dấu hiệu của việc bị nuông chiều quá mức. "Những đứa trẻ được nuông chiều có xu hướng tức giận khi không có được thứ mình muốn", nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Nicole Arzt nói với tạp chí Best Life.
Những đứa trẻ được nuông chiều quá mức thường không biết nói lời cảm ơn người khác, ngay cả khi được nhắc nhở. Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Virginia Williamson cho biết nếu trẻ biết nói cảm ơn, đó là dấu hiệu cho thấy các em biết quý trọng những điều nhận được từ người khác. Trái lại, những đứa trẻ không biết cảm ơn thể hiện thái độ thiếu tôn trọng.
Tức giận là trạng thái cảm xúc phổ biến và thông thường của con người. Tuy nhiên, nổi giận thường xuyên và hay la hét lại là dấu hiệu của việc được cha mẹ nuông chiều quá mức. Khi không vui hoặc gặp phải chuyện trái với yêu cầu đặt ra, những đứa trẻ này có xu hướng la hét, tức giận, thậm chí đập phá đồ đạc. Lý giải cho hành động này, những đứa trẻ đó sẽ cho rằng nếu tức giận, cha mẹ sẽ ngay lập tức đáp ứng yêu cầu để xoa dịu "cơn thịnh nộ" của chúng.
Những đứa trẻ được nuông chiều quá mức hiếm khi biết trân trọng những điều chúng đang có. Thay vào đó, chúng chỉ biết đòi hỏi nhiều hơn và không quan tâm đến hoàn cảnh, suy nghĩ của cha mẹ. Ví dụ, nếu cha mẹ thưởng tiền để trẻ làm một điều gì đó, chúng sẽ có thói quen đòi hỏi phần thưởng đó mới chịu làm, thậm chí đòi nhiều hơn. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, cha mẹ cần lưu ý để giúp con thay đổi.