Người Do Thái ở Israel cũng xem trọng vấn đề giáo dục không kém gì người Châu Á chúng ta, nhưng quan điểm giáo dục của người Do Thái lại mang nét khác biệt rất lớn so với người châu Á.
Đối với việc dạy dỗ con cái, những phương pháp, quan điểm của người Do Thái nhìn chung sẽ thiết thực và cứng rắn hơn.
Nhà văn, nhà giáo dục người Trung Quốc gốc Do Thái Sara Imas đã giúp cho rất nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc nói riêng cũng như Châu Á nói chung phải mở mang tầm mắt về cách dạy con của người Do Thái thông qua tác phẩm "Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương".
Không cần phải phức tạp hay “đao to búa lớn” mà mẹ Do Thái vẫn rèn luyện con cái thành người tài hơn cả những sinh viên tốt nghiệp trường đại học danh tiếng.
Bà Sara Imas, một người mẹ gốc Do Thái đã chia sẻ rất nhiều phương pháp dạy con hữu ích với cha mẹ Châu Á
Tác giả Sara Imas sinh năm 1950 có bố là người Do Thái, mẹ là người Trung Hoa. Những năm 30 của thể kỷ trước, bố của bà Sara đã định cư trong cộng đồng người Do Thái ở Thượng Hải trong hơn 20 năm.
Năm bà Sara 12 tuổi thì bố qua đời, bà phải bươn chải 1 mình để trang trải cuộc sống. Những năm 1980, bà sinh được 3 người con nhưng sau đó trở thành mẹ đơn thân.
Những năm đầu 1990, bà Sara Imas đưa cả 3 con về Isarel. Tại đây, quan điểm giáo dục của bà đã có những thay đổi lớn do hoàn cảnh xã hội. Hai con trai của bà sau khi tốt nghiệp đại học đều trở thành triệu phú khi tuổi còn rất trẻ, người con gái cũng sắp tốt nghiệp 1 đại học trứ danh.
Sara Imas nhận thấy, 3 người con có được sự thành công như vậy là nhờ 3 bài học quý giá về giáo dục mà bà học được ở Isarel.
Chìa khóa số 1: Rèn luyện khả năng sinh tồn
Trong gia đình người Isarel, trẻ được tự chọn việc nhà và trả công tương ứng (Ảnh minh họa).
Trong gia đình người Israel thường áp dụng cơ chế “trả phí” cuộc sống theo cách khá thú vị. Bố mẹ sẽ lập nên một danh sách các việc nhà đi kèm với “bảng giá” nhất định cho từng công việc. Đứa trẻ tự chọn nhiệm vụ cho bản thân, sau khi hoàn thành xong sẽ được hưởng thù lao.
Mấu chốt của cách làm này là thông qua “làm việc nhận thù lao” để rèn luyện cho trẻ khả năng quản lý tài sản, tự đảm đương công việc, hợp tác và sinh tồn.
Những ngày tháng ở Isarel, bà Sara Imes đã tự làm nem cuốn mang đi bán để trang trải cuộc sống. 3 người con phải cùng nhau giúp đỡ mẹ bán hàng, và mỗi người sẽ nhận được thù lao tương ứng với số nem mà mình bán ra.
Những đứa trẻ ấy ban đầu đều xấu hổ, ngại không dám lên tiếng mời hàng nhưng đến cuối cùng cũng quen dần, có thể tự ra ngoài chào mời khách lạ mua hàng, tham gia buổi tụ tập của bạn bè và liên hệ với nhiều nguồn khách hàng hơn.
Từ công việc đó, họ không chỉ trau dồi được khả năng giao tiếp xã hội, còn biết cách thu thập thông tin, nghiên cứu thị trường, đưa ra những góp ý để nem có hương vị ngon hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng.
Sara Imes cho rằng: khả năng quản lý không nhất thiết chỉ được đào tạo từ Học viện quản lý mà gia đình mới là nơi dạy cho con bài học quản lý hiệu quả nhất.
Quá nâng niu và luôn kịp thời đáp ứng đòi hỏi của con là một sai lầm (Ảnh minh họa).
Chìa khóa số 2: Rèn luyện ý chí của trẻ
Sara Imas nhận thấy, nếu như cha mẹ biết cách trì hoãn đáp ứng nhu cầu của con thì có thể rèn luyện cho trẻ khả năng chịu khổ, tự kiềm chế và tự tạo ra, giúp con ngày càng trưởng thành và kiên cường hơn.
Tác giả Sara đưa ra ví dụ về một thử nghiệm tâm lý: Phát cho 1 nhóm học sinh tiểu học mỗi bé một cái kẹo và nói rằng, chúng được phép ăn bất cứ lúc nào nhưng nếu như ai có thể để dành được đến sau khi tan học mới ăn thì sẽ được thưởng thêm một cái nữa.
Tất nhiên đến cuối sẽ có những bé không nhịn được ăn hết kẹo luôn và một số bé kiềm chế được sự mê hoặc của kẹo.
Thử nghiệm này được theo dõi đến tận khi những đứa trẻ đó lên đại học, kết quả cho thấy, những bé mà năm xưa có thể nhẫn nhịn được, khi lớn lên thành tích học tập rất xuất sắc, cơ hội việc làm cũng nhiều hơn.
Chìa khóa số 3: Rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề
Để con có cơ hội tự hoàn thành nhiệm vụ của mình cũng là một cách giáo dục (Ảnh minh họa).
Trẻ em Do Thái khi đủ 18 tuổi thường có thể sống tự lập được, điều này có được là nhờ bố mẹ chúng áp dụng cách “giáo dục không hoàn toàn”. Tức là trong vấn đề giáo dục con cái, họ sẵn sàng chỉ làm người cha/mẹ đạt 80 điểm thôi và cố ý để lại một số vấn đề để con mình tự đối diện và giải quyết.
Trong cuốn sách của mình, tác giả Sara đã đề cập đến một nguyên tắc gọi là “giáo dục chậm”. Theo đó, cha mẹ người Do Thái cho rằng, nuôi dưỡng một đứa trẻ cũng giống như việc trồng hoa, cần kiên nhẫn chờ hoa nở.
“Giáo dục chậm” không có nghĩa chậm về thời gian mà là chỉ sự nhẫn nại trong tâm thế của người làm cha mẹ, không được đưa ra phán xét khi mới chỉ nhìn vào biểu hiện nhất thời của trẻ.
Về mặt hành động, không được thay con giải quyết bất kỳ vấn đề lớn nhỏ nào, phải để cho con có cơ hội tự làm, tự giải quyết. Bố mẹ không được lấy lý do vì yêu vì thương con mà kiểm soát, quản thúc con theo ý mình.
Ví dụ như trong lần đầu tiên con đi dã ngoại, ban đầu mẹ muốn giúp con chuẩn bị sửa soạn đồ đạc nhưng nhớ đến lời khuyên của người hàng xóm nên mẹ đã đổi ý, để con tự chuẩn bị mọi thứ còn mẹ chỉ làm nhiệm vụ giám sát.
Con không hề trách mẹ không giúp mình mà còn tỏ ra vô cùng vui vẻ và hào hứng.
Nói chung, khi đã làm cha mẹ, chúng ta nên lùi một bước để con tự mình đối diện với khó khăn, thử thách. Có như thế trẻ mới rèn luyện được bản thân, tự tin bước vào cuộc đời.