Mới đây, chị T.H (làm việc tại Hà Nội) chia sẻ câu chuyện đau lòng trên mạng xã hội: Con gái chị không qua khỏi do biến chứng sốt xuất huyết.
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, chị H. kể, bé nhà chị bị sốt xuất huyết. Từ ngày thứ 2 sau khi con sốt, biết con bị sốt xuất huyết, chị đã đưa con vào bệnh viện điều trị và theo dõi.
Nằm viện 2 ngày, con chị H. cắt sốt nhưng con mệt, khó thở, không chịu ăn, bụng hơi trướng. Bác sĩ trả lời nguyên nhân là do con truyền dịch và dịch chưa thấm mới bị như vậy. Sang ngày hôm sau, con bị ngất, bác sĩ xét nghiệm máu thì tiểu cầu tụt xuống 11. Bé được truyền 6 chai dịch liền một lúc, lúc trước khi ngất là 2 chai, tổng cộng truyền 8 chai.
Ngày tiếp theo, con có tình trạng khó thở, thở dốc, chảy máu cam không cầm được phải dùng thuốc đông máu, đi ngoài phân đen.
Sang ngày thứ 5 con nằm viện, đêm đó con sốt cao trở lại 39 độ. Nghi ngờ con sốt lại là có vấn đề, sáng hôm sau, chị H. báo bác sĩ khám, phát hiện con bị nhiễm khuẩn máu, có dịch nhiều trong bụng và phổi. Bác sĩ kê truyền kháng sinh cho con.
"Từ khi những giọt kháng sinh vào người thì con bé bắt đầu sốc phản vệ, người co giật mạnh, môi tím tái, con luôn kêu lạnh và đai. Đó là lúc mà em ám ảnh nhất trong cuộc đời, rồi con được tiêm an thần, chuyển sang phòng hồi sức cấp cứu nhi", chị H. chia sẻ.
Câu chuyện được nhiều người quan tâm trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình)
Từ khi chuyển sang đây, con chị bị mất ý thức, các bác sĩ đặt ống thở và truyền rất nhiều loại thuốc. Đến tầm 3 giờ sáng, các bác sĩ nói con chị bị suy đa tạng, rất yếu nên cần lọc máu nhưng không ăn thua.
Sáng hôm sau, bác sĩ có mời vợ chồng chị H. vào nói chuyện là bên viện Nhi sẽ qua thử đặt máy ECMO cho con, nếu con tiếp nhận thì có cơ hội được sống. Tuy nhiên, sau khi con tiếp nhận máy ECMO, được các bác sĩ cố gắng cứu chữa trong 6 ngày không chuyển biến, con chị được thông báo mất, chân con bị hoại tử.
"6 ngày đó em không được gặp, không được gần con. Đó là những ngày em đau đớn nhất", chị H. viết những lời từ tâm can.
Qua câu chuyện của mình, chị H. mong tất cả các bậc cha mẹ hãy để ý đến con thật nhiều, luôn đưa con đến các bệnh viện tuyến đầu để đảm bảo sức khỏe cho con.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), ai mắc sốt xuất huyết đều cần cẩn trọng điều trị, tuy nhiên, trẻ em cần đặc biệt lưu ý hơn vì thường sẽ bị nặng hơn người lớn.
"Trẻ dưới 1 tuổi bị mắc sốt xuất huyết thường diễn tiến nhanh, nặng hơn các lứa tuổi khác", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Mắc sốt xuất huyết, trẻ em có nguy cơ bị nặng hơn người lớn(Ảnh minh họa)
Nguyên nhân thường do chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết ở lứa tuổi này rất khó do trẻ còn quá nhỏ để biểu đạt hay diễn tả chính xác những triệu chứng trong cơ thể. Chưa kể, biểu hiện ban đầu của bệnh cũng có nhiều điểm tương đồng với những bệnh ốm sốt thông thường nên việc phát hiện ra bệnh đa phần đều bước sang giai đoạn nguy hiểm.
Qua câu chuyện trẻ tử vong thương tâm do mắc bệnh sốt xuất huyết, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ tuyệt đối không nên chủ quan ngay khi thấy trẻ sốt cao. Ngay khi biết con mắc sốt xuất huyết cũng đừng lơ là. Căn bệnh thực sự nguy hiểm hơn nhiều ở trẻ nhỏ so với người lớn. Trong khi là người lớn, ai đã mắc sốt xuất huyết đều thấy rõ chúng đáng sợ thế nào.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, sốt xuất huyết ở trẻ thường trải qua 3 giai đoạn, bao gồm giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.
Ở giai đoạn sốt, cha mẹ cần theo dõi để xác định chính xác trẻ có bị sốt xuất huyết hay không dựa vào các dấu hiệu cụ thể:
Ngày thứ nhất: Trẻ sốt cao liên tục từ 38-40 độ C, dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm, nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Ngày thứ hai:
- Tiếp tục sốt cao.
- Vùng da cổ, bụng, chân, tay thường có dấu hiệu của các vết xuất huyết.
Ngày thứ ba:
- Tiếp tục sốt cao.
- Xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Nếu xuất hiện những dấu hiệu này cần đưa trẻ đi đến bệnh viện ngay để thăm khám, điều trị kịp thời.
Sốt xuất huyết ở trẻ thường trải qua 3 giai đoạn, bao gồm giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi (Ảnh minh họa)
Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 là giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết. Chuyên gia nhấn mạnh: "Đây là thời điểm cực nguy hiểm vì hệ miễn dịch ở trẻ đã bị suy giảm do tác động của virus, số lượng bạch cầu, tiểu cầu bị giảm đáng kể. Ở giai đoạn này, trẻ cũng dễ gặp các biến chứng như xuất huyết nội tạng, suy gan, suy thận, viêm não...".
Sau 2-3 ngày qua khỏi giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, trẻ sẽ có những dấu hiệu tốt dần lên như hạ sốt, bắt đầu đòi ăn trở lại, lượng bạch cầu và tiểu cầu tăng lên...
Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng ngừa sốt xuất huyết hiệu quả:
- Vì muỗi vằn đẻ trứng trong nước đọng, hãy kiểm tra xung quanh nhà để loại bỏ bất kỳ nơi nào có thể chứa nước đọng như: bể nước, chai, hốc cây chuối, chậu hoa, vỏ bọc đồ vật, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng để đảm bảo rằng không có nơi nào có nước đọng tạo môi trường phát triển cho muỗi.
- Ngủ màn, mặc quần áo dài tay, bôi xịt chống muỗi,... phòng ngừa tối đa việc để muỗi đốt.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch hoặc tự phát động phong trào xử lý nước đọng, làm sạch môi trường xung quanh để ngăn chặn sự phát triển của muỗi.
- Khi bị sốt, có dấu hiệu nghi ngờ thì đến ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám, chẩn đoán.
- Với cách phòng bệnh sốt xuất huyết nêu trên, bạn hoàn toàn có thể thực hiện được tại khu vực nơi mình sinh sống để muỗi không thể sinh sôi và phát triển.