Sinh viên ngày nay thật năng động, nhiều bạn vừa nhập học đã quyết tâm đi tìm việc làm thêm. Thế nhưng, tìm được một công việc làm thêm ưng ý thật chẳng dễ dàng gì. Để luôn tỉnh táo trước những thông tin tuyển dụng "có mùi lừa đảo", bạn hãy ghi nhớ những dấu hiệu sau.
Lượn lờ trên mạng hay tha thẩn trên đường, bạn dễ dàng bắt gặp những mẩu tin tuyển dụng có nội dung chung chung như: "Cần tuyển nhân viên quản trị - kinh doanh, Nhân viên bán vé máy bay, Nhân viên trực tổng đài điện thoại. Liên hệ SĐT…", kèm theo đó là mức lương rất hấp dẫn, không hề không có tên và địa chỉ công ty, không có thời hạn tuyển dụng cũng chẳng có yêu cầu rõ ràng về bằng cấp, kinh nghiệm…
Thoạt nghe thì có vẻ hấp dẫn, nhưng rất có thể đây chỉ là chiêu trò lôi kéo của các trung tâm môi giới hoặc các công ty "ma", lừa đảo. Chẳng có công ty nào đăng tải thông tin tuyển dụng một cách mập mờ như thế và dán tràn lan ở công trường, cột điện, trạm xe bus… như vậy cả. Và tất nhiên, cũng chẳng có công việc nhẹ nhàng, lương cao nào mà đến với bạn dễ dàng như thế. Tất cả chỉ là mồi câu mà thôi.
Hết sức "tỉnh đòn" khi bên tuyển dụng đòi hỏi phải "nộp tiền đặt cọc", "tiền hồ sơ" hay bất cứ khoản phí nào khác trước khi nhận vào làm việc. Họ thường nói rất hay như rót mật vào tai khiến sinh viên cảm thấy tin tưởng mà rút ví, nhưng thông thường, những khoản tiền này sẽ một đi không trở lại. Bạn vừa mất tiền mà cũng chẳng có việc làm như lời hứa hẹn. Đa phần, sinh viên không có tiền nên mới đi làm thêm, đi làm thêm mà lại bắt đóng tiền thì rất có thể là… lừa đảo!
Tương tự, việc thu chứng minh nhân dân bản gốc hay bất cứ bản chính của một giấy tờ tùy thân khác cũng là một chiêu trò để "buộc chân" sinh viên. Vì thế, đừng bao giờ giao nộp bản gốc của giấy tờ tùy thân nào khi được yêu cầu nhé.
Địa chỉ công ty một đằng nhưng lại hẹn đến nộp hồ sơ, phỏng vấn một nẻo cũng là một trong những chiêu trò mà sinh viên nên cẩn thận. Đã có những câu chuyện sinh viên tìm đến điểm hẹn để phỏng vấn, nộp hồ sơ mà lại ngơ ngác vì đó là quán café, nhà riêng… hoặc là nơi lạ hoắc, chẳng liên quan gì đến công việc. Rõ ràng, đây là tín hiệu mập mờ mà các sinh viên phải thật sự cảnh giác. Nhiều khi, các công ty tuyển dụng chỉ là những "công ty ma" được dựng lên để lừa đảo người tìm việc, mà đối tượng chính được hướng tới là những sinh viên ngây thơ, non nớt nhưng hừng hực quyết tâm kiếm tiền.
Trước khi đến nộp hồ sơ, bạn hãy tìm hiểu thật kĩ về công việc, công ty tuyển dụng thông qua "chị google", tránh bị mất tiền, mất thời gian, mất công sức mà lại rước bực vào người.
Chẳng bắt sinh viên phải đóng tiền, cũng chẳng yêu cầu nộp giấy tờ gốc, nhưng nhiều bên tuyển dụng lại có một mánh khóe khác là yêu cầu sinh viên ký hợp đồng với các điều khoản rất mập mờ, vô lý. Nếu không tỉnh táo, bạn sẽ bị những điều khoản hợp đồng này ràng buộc, đến mức không thể nghỉ việc hoặc nghỉ việc mà không được hưởng lương.
Để tự bảo vệ mình, trong bất cứ trường hợp nào, sinh viên cũng phải đọc thật kĩ nội dung hợp đồng, hỏi luôn những điều cảm thấy thắc mắc để được giải đáp hoặc yêu cầu bổ sung, làm rõ những điều khoản bạn cảm thấy còn chung chung, mập mờ. Nếu cảm thấy không ổn, bạn có thể từ chối ký hợp đồng.