Kỹ năng giao tiếp là một trong những yếu tố cần thiết mà mỗi sinh viên cần có trên hành trình xin việc của mình. Đây cũng là một lợi thế để thể hiện bản thân cũng như nắm bắt cơ hội trong cuộc sống. Bạn làm sao có thể thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn là một người năng động, thích nghi được với môi trường làm việc tốt... nếu cứ ấp a ấp úng giới thiệu về bản thân một cách thiếu chuyên nghiệp.
Đối với mọi ngành nghề và mọi cá nhân, kỹ năng giao tiếp luôn rất quan trọng và sẽ là nền tảng để sinh viên tìm kiếm được việc làm như ý sau khi tốt nghiệp. Vậy nên, ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học mỗi sinh viên hãy trau dồi cho mình kĩ năng giao tiếp, luôn tự tin thể hiện bản thân mình trước người đối diện.
Bằng cấp không quyết định khả năng làm việc của bạn. Điều này đúng, nhưng không vì thế mà phủ nhận "lợi ích" của những văn bằng mà bạn có. Đặc biệt những tấm bằng đó là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của bạn trong quá trình học tập. Đối với những công việc đòi hỏi chất xám và yếu tố chuyên môn... bằng cấp chưa bao giờ là một sự bất lợi cả.
Và thực tế, ở nhiều đơn vị tuyển dụng, nếu muốn bước vào vòng phỏng vấn bạn sẽ phải vượt qua vòng loại hồ sơ. Và lúc này, những văn bằng, chứng chỉ liên quan đến ngành nghề sẽ là một lợi thế giúp bạn đi sâu vào vòng trong. Thế mới nói, bằng cấp không phải là tất cả nhưng trong nhiều trường hợp nó sẽ tạo ra cơ hội cho ứng viên trước nhà tuyển dụng.
Kinh nghiệm
Sinh viên mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm? Đây là thắc mắc của rất nhiều sinh viên mới "chân ướt chân ráo" trên bước đường tìm việc. Nhưng các bạn cần hiểu rõ rằng, kinh nghiệm không nhất thiết phải là bạn đã từng làm ngành nghề này ở một nơi nào khác, trong một khoảng thời gian nào đó... Kinh nghiệm còn có thể là những gì bạn đã trải qua và đúc rút được từ thực tiễn cuộc sống, trên giảng đường hay các hoạt động xã hội...
Bạn từng nằm trong thành phần BTC hội trường, từng tham gia tình nguyện, kêu gọi một chương trình từ thiện... Hãy cứ tự tin giới thiệu bản thân và những hoạt động bạn đã trải nghiệm. Bởi các nhà tuyển dụng sẽ rất quan tâm và đánh giá cao những điều này, vì nó cho thấy sự năng động, tìm tòi, khám phá và phát triển bản thân của chính bạn.
Với nền kinh tế mở cửa, hội nhập, ngày càng nhiều các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sang thị trường Việt Nam, hoặc các doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm quốc tế mang lại rất nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên mới ra trường. Và thực tế cho thấy, những sinh viên tốt nghiệp ra trường có khả năng tiếng Anh tốt sẽ tìm được những công việc tốt hơn so với những người mà trình độ tiếng Anh còn hạn chế. Đây cũng là yếu tố mà các nhà tuyển dụng yêu cầu, bạn bắt buộc phải có nếu muốn tham gia vào các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong xu thế toàn cầu hóa ngày nay, tầm quan trọng của tiếng Anh không thể phủ nhận và bỏ qua vì nó được dùng phổ biến ở mọi nơi trên thế giới. Vì lý do này, nếu bạn muốn bắt kịp xu thế thời đại, sự tiến bộ và sự phát triển của công nghệ, sự đổi mới của thế giới… bạn phải biết tiếng Anh cho dù bạn ở tuổi nào.