Đặt xe Grab, Be... giúp người lạ, cẩn thận "tiền mất tật mang", trở thành đồng phạm lúc nào không hay!

Huỳnh Duy, Theo Phụ nữ Mới 14:07 10/03/2024

Việc giúp đỡ người khác xuất phát từ lòng nhân ái, tuy nhiên cần phải cẩn thận bởi việc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro!

Trong cuộc sống, việc “trở thành người tử tế” luôn là điều mà cả cộng đồng xã hội muốn hướng đến. Tuy nhiên, có những trường hợp, chúng ta cần phải cân nhắc khi muốn thực hiện những hành vi tử tế, nhằm bảo vệ chính mình và tránh “rước họa vào thân”.

Mới đây, câu chuyện đặt Grab giúp người lạ đã lần nữa cảnh tỉnh cộng đồng về lòng tốt đặt sai chỗ có thể khiến ta “rước họa vào thân”.

Cụ thể, tài khoản K.D, nạn nhân trong câu chuyện lòng tốt đặt sai người cho biết đã đặt chuyến Grab giúp người lạ. Tuy nhiên, khi Grab liên hệ, chủ nhân câu chuyện mới biết người mình giúp đỡ đã có hành vi thiếu chuẩn mực với tài xế lái xe.

Ra đường ở quận 6 gặp ông bác kia nhờ mình đặt grab hộ vì điện thoại hết pin. Mình cũng đặt hộ do mình hiểu cảm giác này nó bất lực tới cỡ nào. Đặt xong ông chú còn cảm ơn ríu rít. Mãi đến khi bên tổng đài Grab gọi bảo trong quá trình di chuyển ông bác đó ngồi sau sờ soạng, quấy rồi anh tài xế nên giờ tài khoản mình cũng bị khoá luôn”, K.D cho biết.

Đặt xe Grab, Be... giúp người lạ, cẩn thận tiền mất tật mang, trở thành đồng phạm lúc nào không hay! - Ảnh 1.
Đặt xe Grab, Be... giúp người lạ, cẩn thận tiền mất tật mang, trở thành đồng phạm lúc nào không hay! - Ảnh 2.

Bài đăng của K.D hiện đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Bên dưới bình luận nhiều người cảm ơn chủ tài khoản đã cảnh tỉnh về việc đặt xe công nghệ giúp người không quen biết. (Ảnh chụp màn hình)

Thực tế, việc đặt xe giúp người lạ đã được Grab và nhiều hãng xe công nghệ cảnh báo trước đây. Bởi nếu giúp đỡ người lạ nhưng vô tình hay hữu ý khi có sự việc nghiêm trọng xảy ra, điều này có thể đẩy bạn trở thành đồng phạm.

Trong một bài đăng trên fanpage chính thức, Grab đã cảnh báo người dùng “Tránh đặt xe giùm, để không lùm xùm”.

Đặt xe Grab, Be... giúp người lạ, cẩn thận tiền mất tật mang, trở thành đồng phạm lúc nào không hay! - Ảnh 3.

Việc đặt xe giúp người lạ đã được Grab và nhiều hãng xe công nghệ cảnh báo trước đây. (Ảnh: Fanpage Grab)

“Bạn ơi, Grab hiểu đôi khi vì sẵn lòng giúp đỡ mà mình đặt xe hộ cho người quen, người hơi quen quen hay "người thứ ba của người thứ ba" nào đó mới gặp trên đường. Tuy nhiên, đôi khi ý tốt này lại vô tình tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật (vận chuyển đồ cấm, dàn cảnh cướp giật,...) mà mình không hay biết.

Vì thế, để tránh những "lùm xùm" đáng tiếc, mình chỉ "book" xe một cách chính chủ, đừng đặt cho người khác nhé. Được vậy, cả Khách lẫn Bác tài Grab đều an tâm, cùng nhau "bon bon" phố gần phố xa trên những chuyến xe an toàn, vui vẻ!”, Grab đưa ra khuyến cáo.

Cầm hộ "đồ" giúp người lạ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Những sự việc người dân "vô tư" nhận cầm đồ hộ người khác, sau mới tá hoả vì trong đó chứa chất cấm xảy ra cũng không phải là hiếm. Hiện nay, tội phạm có những thủ đoạn rất tinh vi, chúng thường ngụy trang chất cấm vào những vật dụng thông thường nhất như kem đánh răng, chai nước,… mà mắt thường không thể nhận ra. Sau đó, nhờ hành khách ở sân bay cầm hộ.

Thông thường, lý do mà những tội phạm đưa ra rất hợp lý và khiến nhiều người cảm thấy mủi lòng giúp đỡ. Tuy nhiên, trước khi cầm hộ giúp ai thứ gì đó, hãy nhớ rằng món đồ đó không phải của chúng ta, vì thế chúng ta không thể kiểm soát được trong đó có gì.

Bộ Công an đề nghị người dân khi được nhờ cầm hộ hàng hoá, nhất là cầm hộ qua biên giới, cần phải kiểm tra, xác định rõ hành vi đó có trái quy định của pháp luật không.

Trường hợp di chuyển tại sân bay, bến tàu, bến xe, nơi công cộng cần cảnh giác với những hành vi lạ, bất thường; không nên xách đồ hộ người lạ khi chưa biết rõ về hành lý; giữ hành lý và giấy tờ tuỳ thân của mình cẩn thận; có trách nhiệm thông báo với nhân viên an ninh hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất khi phát hiện hoặc bị phát hiện hành lý của mình nghi có chứa "chất cấm", "hàng cấm" và hợp tác để xác minh, điều tra làm rõ các yếu tố "cố ý" hoặc "vô ý" của hành vi vận chuyển hàng cấm, chất cấm.