Độc đáo ứng dụng gọi xe khác hẳn Grab hay Taxi truyền thống: "Khách được mặc cả giá, tài xế nào lấy rẻ thì đi"

Mạnh Kiên, Theo Phụ Nữ Số 19:30 18/10/2023

Ước tính mức giá 1 USD cho quãng đường 11km, tài xế chấp nhận chỉ lấy cước xe bằng một nửa con số đó theo lời mặc cả của khách hàng. Nếu trả đắt hơn, khách có thể chọn tài xế khác.

Trong khi mọi người đã quen với cách thức hoạt động của các nền tảng gọi xe truyền thống như taxi, Grab, Gojek, với cách tính giá cước khi mở cửa xe, giá cố định theo từng km, thì tại Pakistan một nền tảng gọi xe cho phép tài xế và khách hàng tự thỏa thuận về giá.

Tài xế sẽ cần chào mức giá thấp nhất để tăng tỷ lệ nhận được chuyến đi, trong khi hành khách có quyền tùy ý lựa chọn đi xe của tài xế nào có mức giá phù hợp, bất chấp việc đôi khi số tiền đó không tương xứng so với quãng đường quá xa.

Mô hình gọi xe thương thảo giá

Một ngày tháng 9, tài xế Muhammad Zain tại Lahore (Pakistan) bắt đầu ngày mới bằng cuốc xe đầu tiên trên ứng dụng inDrive với quãng đường trả khách cách đó khoảng 11 km.

Anh nhẩm nhanh và ước tính mức giá là 300 rupee (1 USD). Nhưng inDrive, hoạt động theo mô hình đặt giá, cho phép tài xế và hành khách thương lượng giá cước chuyến đi.

Điều này thôi thúc anh đưa ra mức giá chỉ bằng một nửa, "gần bằng mức giá mà khách hàng đưa ra". Zain cuối cùng đã nhận được chuyến đi với giá 165 rupee (khoảng 50 xu).

Đây là câu chuyện hàng ngày của Zain kể từ khi anh chuyển sang nền tảng gọi xe inDrive từ Careem vào cuối năm 2022. Anh dành vài phút mỗi chuyến để "đấu thầu" mức giá thấp nhất mà anh có thể mua được chuyến đi.

Zain nói với Rest of World: "Điều này khiến mọi thứ trở nên tệ hơn, khi các tài xế như chúng tôi phải làm thêm việc thương thảo giá trước mỗi lần di chuyển".

Độc đáo ứng dụng gọi xe khác hẳn Grab hay Taxi truyền thống: Khách được mặc cả giá, tài xế nào lấy rẻ thì đi - Ảnh 1.

So sánh giữa các ứng dụng gọi xe ở Pakistan, trong đó inDrive có giá cước rẻ nhất 1.194 rupee, tiếp theo là Uber (giữa) và Careem (phải) với giá ước tính cao nhất 1.416 rupee.

InDrive ra mắt tại Pakistan vào đầu năm 2021 và nhanh chóng trở thành ứng dụng gọi xe được tải xuống nhiều nhất ở nước này nhờ mô hình đấu thầu.

Nhưng các tài xế chỉ miễn cưỡng đầu quân sang nền tảng vì khách hàng của họ đã chuyển hết sang đây. Họ cho biết thường phải làm việc quá sức và nhận mức lương thấp so với các ứng dụng gắn bó trước đó như Uber và Careem.

Các nhân viên của InDrive cũng thêm phần lo lắng khi phải liên tục nhìn vào điện thoại để tham gia vào các cuộc chiến đấu thầu – chỉ để nhận được mức cước thấp nhất có thể cho mỗi chuyến đi.

Sarmad Zaran, một nhân viên inDrive, nói với Rest of World: "Thật căng thẳng và mệt mỏi".

InDrive - hứa hẹn sẽ " trao quyền cho hành khách và tài xế, chứ không phải thuật toán " - chỉ mang lại "cảm giác quyền lực sai lầm", Tobias Kuttler, nhà nghiên cứu từ Fairwork, dự án lao động của Viện Internet Oxford và Trung tâm khoa học xã hội WZB Berlin nhận định.

"Tài xế cảm thấy sau cùng họ phải làm theo những gì khách hàng nói. Họ ít có khả năng giữ được mức giá thầu cao hơn".

Làm nhiều hơn nhưng kiếm ít tiền hơn

Sidra Kiran, giám đốc truyền thông của inDrive tại Pakistan, nói rằng công ty đã thường xuyên đánh giá và điều chỉnh cơ cấu giá cước theo điều kiện kinh tế trong nước.

Tháng trước, inDrive đã mở rộng tới 5 thị trấn nhỏ ở Pakistan mà trước đây chưa từng có dịch vụ gọi xe, đưa sự hiện diện của nền tảng lên 16 thành phố ở nước này.

Độc đáo ứng dụng gọi xe khác hẳn Grab hay Taxi truyền thống: Khách được mặc cả giá, tài xế nào lấy rẻ thì đi - Ảnh 2.

InDrive do Nga thành lập và có trụ sở tại Mỹ đã chứng kiến sự phản ứng tương tự đối với mô hình đặt giá ở các quốc gia khác.

Nghiên cứu do Fairwork thực hiện vào năm 2022 chỉ ra rằng các tài xế ở Mexico tỏ ra nghi ngờ về mô hình, khi một số cho rằng việc mặc cả không "đảm bảo mức giá hợp lý".

Một số tài xế ở Pakistan hiện cảm thấy Careem, công ty trước đây từng bị chỉ trích vì phí hoa hồng cao lại chính là lựa chọn tốt hơn.

Zaran cho biết: "Khách hàng đã chuyển sang inDrive vì nó rẻ hơn Careem. Với các ứng dụng gọi xe khác, bạn được ấn định giá cước, nhưng ở đây, bạn phải làm nhiều việc hơn và kiếm được ít tiền hơn".

Iftikhar Ahmad, nhà nghiên cứu lao động của Fairwork ở Pakistan, giải thích lý do khiến inDrive trở nên phổ biến ở Pakistan là do tình trạng thất nghiệp tràn lan ở nước này.

Độc đáo ứng dụng gọi xe khác hẳn Grab hay Taxi truyền thống: Khách được mặc cả giá, tài xế nào lấy rẻ thì đi - Ảnh 3.

Ông nói: "Công việc tự do cho phép mọi người tránh được tình trạng thất nghiệp và kiếm sống hàng ngày".

Pakistan có tỷ lệ thất nghiệp là 8,5% và nghiên cứu mới cho thấy nguồn việc làm ở nước này không thể đáp ứng được những người lao động có trình độ đại học, điều đã dẫn đến một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp trong độ tuổi từ 21 đến 29.

Vào tháng 9, Zakir Khan, một tài xế ở Karachi, đã viết email tới inDrive, yêu cầu công ty ngừng hoàn toàn mô hình đặt giá thầu.

"Tôi đã gửi cho họ toàn bộ danh sách các yêu cầu", anh nói với Rest of World. "Tôi cũng yêu cầu họ thay đổi mô hình dựa trên giá thầu vì tài xế gặp khó khăn trong việc chấp nhận giá cước thấp hơn chi phí hoạt động của mình".

Quyết định gửi kiến nghị đến công ty của Khan xuất phát từ việc giá nhiên liệu tăng ở Pakistan, điều này đang ăn mòn lợi nhuận của anh – trong khi khách hàng tiếp tục đặt giá thầu ở mức giá thấp nhất có thể.

Bốn ngày sau, inDrive thông báo cho Khan rằng giá cước cơ bản đang tăng 5% do giá nhiên liệu tăng. Anh đáp lại: "Không đáng kể vì giá nhiên liệu đã tăng quá nhiều. Giá xăng biến động ở Pakistan kể từ tháng 1 và đã tăng tới 30% trong tháng 9".