Trong tác phẩm điện ảnh thứ hai, Hàn Hàn chứng minh cho chúng ta thấy thời gian không thể quay ngược nhưng nó lại chất chứa vô vàn góc khuất, mà bằng một phép nhiệm màu nào đấy, có thể chữa lành vết thương ký ức.
Sự ra đời của Đạp gió rẽ sóng (Duckweed) đi theo dòng chảy của những cuốn phim thanh xuân dung dị, đề cao tình yêu thanh khiết có phần thần tượng hóa. Rất may, sự tương phản giữa các khoảng lặng đẹp đẽ và các lát cắt đa diện về băng đảng Thượng Hải đã đẩy tác phẩm lên một tầm cao mới.
Tại thị trường phim Hoa ngữ, Đạp gió rẽ sóng đoạt doanh thu 1 tỷ Nhân dân tệ chỉ sau một tháng phát hành. Thành công đó không thiếu phần đóng góp của dàn diễn viên xinh đẹp và chuẩn mực: Bành Vu Yến, Đặng Siêu, Triệu Lệ Dĩnh…
Bố tôi, tình bằng hữu
Chẳng ai muốn sinh ra và lớn lên lại phải tự hỏi vì sao bố mình luôn che giấu sự thật về mẹ. Cũng không ai muốn là kẻ bất hiếu, ngang ngược không nghe lời bố như A Lãng – tay đua xe đang chạy băng băng trong thị trấn nhỏ nhiều con hẻm quanh co. Trên xe là A Chính – bố anh, người luôn cản ngăn anh theo đuổi sự nghiệp "ông hoàng tốc độ" vì sợ mất con.
Trong khoảnh khắc phóng xe thật nhanh, một cú tông trời giáng cắt đứt cuộc tranh cãi không hồi hết của hai bố con. Trước lúc chết, A Lãng tự hỏi liệu anh có kịp hồi tưởng lại cuộc đời chóng vánh của mình... Một chuỗi những hình ảnh của "ngày hôm qua" dường như đồng loạt quay trở lại.
Người hùng phố nhỏ
Không như những phim thanh xuân sướt mướt khác, Đạp gió rẽ sóng đa thể loại hơn từ khoa học viễn tưởng, tội ác, gangster… đan cài khéo léo trên nền nhịp điệu melodrama vốn được dành ưu tiên cho các phim tâm lý xã hội thiên về cái tôi tự sự.
Cũng vì thế, khó xếp thể loại rõ ràng cho Đạp gió rẽ sóng, như cái cách mà A Lãng du hành thời gian để bước cùng bố trong thời trai trẻ của ông. Thời ấy hễ nhắc về lứa thanh niên sống có lý tưởng, người ta nghĩ ngay đến "huynh đệ", "hào hiệp"… cùng trái tim và tình yêu dung dị, chung thủy.
Trong thế giới mà những con người nhỏ bé ôm mộng lớn như A Chính phải vật lộn để sống, rất dễ xảy ra xung đột. Khi mộng mơ làm giàu, mộng mơ yêu… vụt tắt, họ bị đẩy dồn vào đường cùng, mọi thứ đẹp đẽ đều trở nên mờ ảo. A Chính đánh mất tự do khi ra tay trả thù cho bạn bè, kéo theo đó là hệ lụy dành cho mối tình sâu sắc giữa anh và mẹ của A Lãng.
Cách đạo diễn Hàn Hàn mang A Lãng vào quá khứ của bố mình đã giúp nhân vật có những chuyển biến tâm lý kịp thời, cũng như hóa giải khúc mắc về bản án 6 năm tù của bố và cái chết vì tự sát của mẹ. Chỉ có điều, thông điệp truyền tải của phim khá nặng nhưng cách khai thác hơi vội vã.
Tham vọng nhưng chưa trọn vẹn
Lấy cảm hứng từ Back to the Future, He Ain’t Heavy, He’s My Father… Hàn Hàn giải quyết mối tương quan bố con khá thuyết phục bằng lựa chọn thể loại buddy movie. Sự nhịp nhàng giữa chuyển cảnh và khéo léo giữa các tình tiết hài hước, tuy còn lỗ hổng kịch bản nhưng tổng thể Đạp gió rẽ sóng tạo được đôi chút cảm giác bồi hồi, luyến nhớ quá khứ.
Bối cảnh phim được quay khá chỉn chu tại thành phố ngàn năm tuổi Thường Châu, nơi sở hữu những chiếc cầu, dòng kênh và nhiều mái nhà cổ. Đặc biệt Hàn Hàn viết lại lời cho Kanpaku Sengen – khúc dân ca của người Nhật từng làm mưa làm gió đầu những năm 80. Bài hát này thật ra rất giống tâm thư mà hai nhân vật chính trong phim gửi gắm cho nhau với nội dung "có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia".
Chỉ hơi tiếc, sự dữ dội có chừng mực để Đạp gió rẽ sóng thoát bàn tay kiểm duyệt gắt gao trong nước đã làm cản trở cách Hàn Hàn truyền tải không gian và cá tính nhân vật. Chúng ta thấy bối cảnh quán karaoke nơi những cô gái trẻ không hiến mình trong phòng tối, các thanh niên ngao du thì bớt đi chất hành tẩu giang hồ, còn những ông cảnh sát trưởng luôn đảo mắt dõi theo từng sự kiện.
Phương tiện mà bộ phim tiếp cận khán giả thành công nhất chỉ có thể là dàn diễn viên: một ngôi sao truyền hình dày dạn kinh nghiệm như Đặng Siêu không khó để anh giữ mạch cảm xúc cho vai A Lãng từ đầu đến cuối phim. Hơn nữa, vẻ ngoài nửa chính nửa tà là lợi thế để vai diễn của họ Đặng đa sắc thái hơn, từ sâu sắc cho đến tưng tửng…
Hơi tiếc cho Bành Vu Yến bởi phần tạo hình già nua hoàn toàn không che lấp đi tuổi tác thật của anh, tuy nhiên qua đến phân đoạn quay ngược thời gian thì mỹ nam xứ Đài hòa nhập vào bộ phim uyển chuyển hơn, thể hiện đúng tinh thần của thế hệ thanh niên những năm 80 thế kỷ trước: hào sảng, nhiệt thành và nổi loạn!
So với hai vai nam chính, nhân vật do Triệu Lệ Dĩnh thể hiện khá ít đất diễn và không có nhiều diễn biến phức tạp được thể hiện trên phim. Tuy nhiên vẻ đẹp cổ điển và phúc hậu của họ Triệu cũng đủ trở thành điểm sáng cho bộ phim toàn… đàn ông.
Học cách để lớn khôn
Có lẽ A Lãng trong cơn hôn mê bất tỉnh, chẳng phải vì… may mắn mà được song hành cùng bố mình đâu. Chính lúc mà anh còn chưa biết sống chết ra sao, bố đã ở bên cạnh để cho anh câu trả lời.
So với danh sách dài các tác phẩm về tình mẫu tử thì Đạp gió rẽ sóng là ví dụ thú vị. Cái kết phim đã được tính toán cho phù hợp thời cuộc, bởi bi thảm quá có thể ảnh hưởng tâm lý khán giả và doanh thu sụt giảm. Ngày nay, không ai muốn vào rạp xem phim để rồi bước ra với sự bế tắc và tuyệt vọng như thể họ vừa vụt mất cơ hội để làm người con ngoan, người bố tốt.
Câu chuyện về cách biệt thế hệ không còn mới nhưng sẽ vẫn là bài học đắt giá để bạn có thể yêu thương bố mẹ mình, hoặc nói xa hơn, để cho chính bạn về sau được yêu thương. Sẽ không có sự đồng cảm nào nếu như không có đối thoại. Với A Lãng và bố, cuộc đối thoại ấy diễn ra bằng sự kiện của quá khứ. Còn chúng ta, hãy đối thoại bằng lời nói với bố mẹ của mình nếu có khúc mắc. Biết đâu, câu trả lời dài bằng cả một bộ phim sẽ giúp bạn bớt sống hời hợt đi một chút?
Hàn Hàn sinh năm 1982, anh là blogger và đạo diễn điện ảnh sáng giá của ngành giải trí Hoa ngữ. Hai tác phẩm phim truyện là The Continent và Đạp gió rẽ sóng đều đạt doanh thu phòng vé ấn tượng (khoảng 150 triệu USD). Năm 2010, Hán Hán có tên trong danh sách 50 Người tạo cảm hứng do một tờ báo của Anh bầu chọn.