Mới đây, mạng xã hội TikTok, Facebook,... liên tục xuất hiện hình ảnh người phụ nữ đi làm tóc song không trả tiền.
Đoạn clip ghi lại người phụ nữ là N.T.N, được cộng đồng mạng đặt tên "chị đại quận 4", từng gây xôn xao mạng xã hội vào năm 2021 đã có màn tranh cãi với chủ tiệm tóc ở quận 1, TP HCM.
Nguyên nhân được biết là chị N. đi làm tóc nhưng không mang tiền, chỉ đưa một tờ hóa đơn màu hồng và kêu "tiền nè" để thanh toán chi phí làm tóc.
Chủ tiệm tóc không đồng ý nên làm lại tóc chị N. về hiện trạng ban đầu. Đồng thời đăng lên kênh TikTok của mình: "Bài học cho "chị đại quận 4"! Chị này đã đi rất nhiều salon và làm thủ thuật y chang".
Chưa dừng lại, mạng xã hội tiếp tục lan truyền hình ảnh "chị đại quận 4" đi ăn ốc nhưng không mang tiền. Đến nay, nhiều hàng quán, cửa hàng ra thông báo "miễn tiếp" kèm hình ảnh chị N.
Theo luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy người phụ nữ có biểu hiện rối loạn về tâm thần.
Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý. Theo đó "chị đại quận 4" có quyền đối với hình ảnh của mình.
Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc các cá nhân đã tự ý đăng ảnh "chị đại quận 4" khi chưa có sự đồng ý hoặc liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chị là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Rõ ràng các clip đăng tải cũng cho thấy "chị đại quận 4" không muốn bị quay.
Ngoài ra, người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
"Thực tế, hiện một số người vì tâm lý "câu like, câu view" hoặc chưa hiểu hết quy định mà chưa làm đúng theo quy định pháp luật" - luật sư Trần Thị Thanh Thảo nói.
Khi phát hiện hình ảnh cá nhân bị đăng lên mạng, người dân có thể liên hệ người đăng tải để yêu cầu gỡ bỏ. Bên cạnh đó có thể khởi kiện ra tòa đối với hành vi sử dụng hình ảnh khi chưa có sự đồng ý và hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín; yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin sai sự thật, thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và yêu cầu xin lỗi theo quy định trên.
Bên cạnh đó, cá nhân có thể tố cáo đến cơ quan công an để yêu cầu xử lý theo quy định pháp luật đối với hành vi xâm phạm quyền về hình ảnh, cũng như danh dự, uy tín.
Cũng theo luật sư Trần Thị Thanh Thảo, người dân nào chẳng may gặp phải "chị đại chị 4" như những trường hợp trên thì có thể liên hệ cơ quan chức năng gần nhất để được giải quyết.